Xe tăng Mỹ lộ điểm yếu khi tham chiến tại Ukraine

Quốc tế - Ngày đăng : 15:19, 30/05/2024

Theo CNN, nhiều binh sĩ Ukraine sử dụng xe tăng Abram do Mỹ viện trợ nói về loạt điểm yếu của phương tiện này với phóng viên của hãng.
Quốc tế

Xe tăng Mỹ lộ điểm yếu khi tham chiến tại Ukraine

Cẩm Bình 30/05/2024 15:19

Theo CNN, nhiều binh sĩ Ukraine sử dụng xe tăng Abram do Mỹ viện trợ nói về loạt điểm yếu của phương tiện này với phóng viên của hãng.

Phóng viên CNN là những nhà báo đầu tiên được nhìn thấy Abram M1 tại Ukraine. Tổ lái nhận xét chúng thiếu lớp giáp có thể ngăn chặn vũ khí hiện đại.

“Lớp giáp không đủ, không bảo vệ được tổ lái. Ngày nay là cuộc chiến của máy bay không người lái (UAV). Thế nên khi xe tăng lăn bánh thì kẻ địch luôn tìm cách tiêu diệt chúng”, một binh sĩ biệt danh Joker chia sẻ.

Đồng đội của Joker là Dnipro nói thêm: “Xe tăng là mục tiêu số một. Không có giáp bảo vệ, đội tác chiến xe tăng chẳng thể sống sót ngoài chiến trường”.

Để tăng khả năng phòng thủ, tổ lái trang bị thêm một tấm thuốc nổ dẻo sẽ phát nổ khi trúng đạn, tạo ra vụ nổ bảo vệ phương tiện.

xe.jpg
Binh sĩ Ukraine sửa chữa một chiếc Abram - Ảnh: CNN

Theo Lữ đoàn cơ giới số 47, toàn bộ 31 chiếc Abram mà Ukraine tiếp nhận đều được triển khai đến gần tiền tuyến phía đông. Yêu cầu viện trợ của Kyiv từng làm dấy lên tranh luận vì chuỗi cung ứng xe tăng vô cùng phức tạp. Một số phiên bản còn đòi hỏi sử dụng nhiên liệu máy bay.

Tháng trước, Lầu Năm Góc thừa nhận Abram bị rút khỏi tiền tuyến do mối đe dọa từ UAV Nga. Tuy nhiên Lữ đoàn cơ giới số 47 cho biết vài chiếc vẫn đang thực hiện nhiệm vụ chiến đấu .

Máy bay không người lái đã góp mặt trong không ít cuộc xung đột quân sự nhưng chưa bao giờ được sử dụng nhiều như ở Ukraine. Dù kích thước nhỏ nhưng UAV lại có thể tấn công chính xác bộ binh hay gây thiệt hại đáng kể cho xe tăng. Chúng hạn chế phạm vi hoạt động cũng như khiến loạt phương tiện bọc thép trở nên dễ bị tổn thương.

Cái giá phải trả để biết được điểm yếu của Abram khá đắt. Qua giao tranh giành quyền kiểm soát thành phố Avdiivka, thành viên tổ lái mất một chân vì đạn xuyên thủng lớp giáp.

Không chỉ thiếu giáp bảo vệ, Abram còn gặp vấn đề kỹ thuật. Một chiếc vừa được Ba Lan chuyển giao đã gặp trục trặc về động cơ. Tổ lái còn phàn nàn thiết bị điện tử trong xe dễ cháy do hơi nước ngưng tụ từ mưa hoặc sương mù.

Binh sĩ Ukraine nghĩ rằng họ chọn sai loại vũ khí. Joker cho biết: “Chúng tôi chuẩn bị nhiều hơn cho giao tranh trực tiếp giữa xe tăng với xe tăng, nhưng điều này lại hiếm khi xảy ra. Chúng tôi thường xuyên chiến đấu như pháo binh với nhiệm vụ tiêu diệt hàng cây hay công trình. Từng có trường hợp chúng tôi bắn 17 phát đạn vào một ngôi nhà mà nó vẫn đứng vững”.

Do hiệu quả chiến đấu kém mà Abram bị giới phân tích Nga chế giễu gọi là “lon thiếc rỗng”và có một trường hợp xe tăng hư hại bị quân Nga thu giữ, đem diễu hành trên Quảng trường Đỏ.

Binh sĩ Ukraine cảm thấy thất vọng vì Abram chỉ hợp với phong cách tác chiến của NATO. Đó là không quân cùng pháo binh đánh dọn dẹp trước khi triển khai xe tăng cùng bộ binh, mà pháo binh và không quân thì Kyiv lại đang thiếu.

Theo Joker, lính NATO sẽ chẳng bao giờ phải tiến lên nếu không có pháo binh và không quân hỗ trợ, thế nên binh lính của Ukraine lại không được "may mắn" như vậy.

Trước tình hình mà CNN ghi nhận, Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết: “Chúng tôi đang thử nghiệm và cải tiến loạt trang bị vốn dĩ không dành cho cuộc chiến hiện tại. Chúng tôi yêu cầu các quốc gia viện trợ trang bị ở mọi cấp độ năng lực kỹ thuật, và cố gắng sử dụng một cách phù hợp”.

Mỹ quyết định viện trợ Abram sau khi nhiều nước châu Âu cam kết chuyển giao xe tăng của riêng họ cho Kyiv vào đầu năm 2023. Thế nhưng đợt phản công mà Kyiv phát động vào mùa hè năm ngoái lại không thành công.

Tình hình không khả quan khiến phương Tây dần vượt qua “làn ranh đỏ”. Họ chấp nhận viện trợ chiến đấu cơ F-16, sĩ quan huấn luyện Pháp sắp sang Ukraine góp sức giải quyết vấn đề nhân lực khẩn cấp ngoài tiền tuyến.

Cẩm Bình