EU tài trợ 10 triệu euro cho Hà Nội đầu tư tuyến đường sắt đô thị mới
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 18:40, 30/05/2024
EU tài trợ 10 triệu euro cho Hà Nội đầu tư tuyến đường sắt đô thị mới
Đây là một trong số những dự án hỗ trợ kỹ thuật lớn, điển hình thuộc lĩnh vực giao thông đô thị dành cho Việt Nam, được EU tài trợ, thông qua AFD với trị giá 10 triệu euro.
Chiều nay 30.5, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương và Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam Hervé Conan đã ký Thỏa ước tài trợ cho Dự án hỗ trợ kỹ thuật "Chuẩn bị dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai và Hỗ trợ nghiên cứu xây dựng hệ thống giao thông đô thị tích hợp cho dự án đường sắt đô thị" sử dụng vốn không hoàn lại của EU (châu Âu).
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết đây là một trong số những dự án hỗ trợ kỹ thuật lớn, điển hình thuộc lĩnh vực giao thông đô thị dành cho Việt Nam, được EU tài trợ, thông qua AFD với trị giá 10 triệu euro. Khoản cam kết tài trợ này của EU có ý nghĩa quan trọng thể hiện sự quan tâm, đồng hành cùng AFD hỗ trợ Việt Nam thực hiện cam kết về giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu và cải thiện chất lượng sống cho người dân.
Thủ đô Hà Nội thời gian qua có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá nhanh. Điều này đang đặt ra nhiều thách thức đối với cơ sở hạ tầng của thành phố vì mạng lưới hạ tầng giao thông đô thị Hà Nội hiện nay chưa thực sự đáp ứng nhu cầu đi lại, khả năng kết nối và các tiêu chuẩn kỹ thuật. Cơ sở hạ tầng đường bộ còn nhiều hạn chế nên phần lớn các hoạt động xã hội hằng ngày trong nội đô chủ yếu di chuyển bằng phương tiện cá nhân, gây ra tình trạng ách tắc giao thông nghiêm trọng.
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường mà còn làm suy giảm năng suất lao động, thậm chí ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân Thủ đô. Phương án giải quyết vấn đề này là đưa phương tiện giao thông công cộng thay thế dần phương tiện cá nhân, trong đó xây dựng các tuyến tàu điện ngầm, đường sắt đô thị được xem là giải pháp hữu hiệu, hấp dẫn và có tính cạnh tranh nhằm khuyến khích người dân chuyển thói quen từ sử dụng phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện công cộng.
Trong bối cảnh tuyến đường sắt đô thị thí điểm của thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội (tuyến số 3 giai đoan 1) sẽ đi vào vận hành thương mại trong thời gian tới, việc nghiên cứu, đầu tư đoạn kéo dài từ ga Hà Nội đến Hoàng Mai cần sớm được triển khai nhằm tạo thuận lợi cho Hà Nội thực hiện công tác tổ chức giao thông đô thị, từng bước giảm lưu lượng phương tiện giao thông cá nhân trong khu vực nội đô, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
"Bằng việc ký thỏa ước ngày hôm nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan thực hiện dự án sử dụng vốn tài trợ của EU theo đúng mục tiêu đã đề ra đối với dự án, đảm bảo hiệu quả nguồn vốn tài trợ", Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
Về phía EU, bà Myriam Ferran, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đối tác Quốc tế thuộc Ủy ban châu Âu nhấn mạnh dự án là cột mốc quan trọng trong quan hệ đối tác giữa EU, AFD và Việt Nam. Sự hỗ trợ di chuyển bền vững cho TP.Hà Nội thực sự là nội dung quan trọng đối với người dân Thủ đô nói riêng và Việt Nam nói chung. Đây cũng là điểm tích cực khi Việt Nam là quốc gia đang có tốc độ tăng trưởng cao, sự tăng trưởng này cũng sẽ đi cùng với việc phát thải bình quân đầu người, phát thải khí nhà kính cũng sẽ tăng cao.
Mối quan hệ của EU với Việt Nam trong quá trình chuyển đổi xanh cũng là ưu tiên hợp tác trọng tâm; phù hợp với chiến lược Cửa ngõ toàn cầu (Global Gateway) của EU nhằm thu hẹp khoảng cách đầu tư toàn cầu và là minh chứng cho cam kết của EU trở thành đối tác trung thành của Việt Nam trong các hành động về khí hậu, chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững. Đây cũng là dự án mang tính bổ trợ mà quốc gia G7 và các đối tác trong cơ chế JETP hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu trong cam kết tại thỏa thuận Paris, đặc biệt là đạt mục tiêu đạt phác thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Các hoạt động hỗ trợ trong khuôn khổ dự án này đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội, đảm bảo tiến độ triển khai hệ thống đường sắt đô thị của thành phố đến năm 2035 nói chung và của tuyến số 3 kéo dài nói riêng.
Tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai có chiều dài gần 9km với 7 ga ngầm đang được Hà Nội lên kế hoạch đầu tư xây dựng. Đoạn tuyến chủ yếu đi ngầm theo lộ trình: Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông - Kim Ngưu - Nguyễn Tam Trinh thuộc địa phận các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai.
Kết cấu đoạn đi ngầm là ống hầm kép đi song song, ngầm qua nút giao Ô Đống Mác, Mai Động và kết thúc phía sau Vành đai 3 với 7 ga ngầm (Hàng Bài, Trần Thánh Tông, Kim Ngưu, Mai Động, Tân Mai, Tam Trinh, Yên Sở), 1 khu lập tàu (phía sau, sát Trạm bơm Yên Sở).
Sau khi đoạn tuyến trên được xây dựng xong, tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội sẽ kéo dài tới Hoàng Mai và ngược lại. Ngoài ra, sau khi 2 đoạn tuyến này đi vào hoạt động động, dự án tuyến đường sắt đô thị số 3 còn có nhiệm vụ kết nối với các tuyến đường sắt đô thị khác.
Dự án hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn ga Hà Nội đến Hoàng Mai có tổng mức đầu tư hơn 343 tỉ đồng (khoảng 15 triệu USD, trong đó nguồn vốn viện trợ không hoàn lại 12,6 triệu USD, vốn đối ứng trong nước hơn 2 triệu USD).