‘Đuổi bắt’ dân buôn lậu như mèo và chuột

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 19:28, 11/05/2020

Vài cái “đuôi” cứ lẽo đẽo bám theo lực lượng phòng chống buôn lậu ở tỉnh An Giang, như kiểu 1 kèm 1 trong môn bóng đá. Trong khi đó trên tuyến biên giới những ngày qua được siết chặt nhằm ngăn ngừa dịch bệnh COVID-19 bùng phát, nhưng dân buôn lậu dùng ám hiệu, huýt sáo, điện thoại di động để báo hiệu cho nhau biết khi lực lượng chống buôn lậu xuất hiện.
Trước đây, 2 người chở kiểu này thì nay chỉ còn một người chở và ngụy trang khác hơn - Ảnh: Tô Văn

Trong những ngày cuối tháng 4 và đầu tháng 5, khi mà dịch bệnh COVID-19 đã lan rộng ở nhiều quốc gia thì nạn buôn lậu hàng hóa trên tuyến biên giới giáp giữa tỉnh An Giang (Việt Nam) với nước bạn Campuchia vẫn diễn biến phức tạp. Các mặt hàng nhập lậu chủ yếu là thuốc lá ngoại, đường cát Thái Lan và bia, rượu ngoại cùng mỹ phẩm các loại.

Buôn lậu khó triệt tiêu

Trong chuyến đi thực tế với một đồng nghiệp suốt tuyến biên giới từ An Giang, Đồng Tháp, PV đã tận mắt chứng kiến cảnh buôn lậu băng đồng, vượt sông, mang hàng lậu qua biên giới. Chỉ cần vắng bóng lực lượng phòng chống buôn lậu trong giây lát, việc vận chuyển hàng lậu hầu như diễn ra công khai. Nhận định chung của hầu hết cơ quan chức năng là: “Thật khó triệt tiêu buôn lậu”.

Một lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang cho biết từ đầu năm nay tình hình buôn lậu tại An Giang đã giảm hơn 80%. Trước đây mỗi năm có khoảng trên chục triệu gói thuốc lá ngoại nhập lậu qua biên giới thì nay chỉ còn khoảng 2 triệu gói. Tuy nhiên, các lực lượng chức năng chỉ bắt được khoảng 10% lượng hàng nhập lậu thực tế!

Để đối phó với lực lượng phòng chống buôn lậu, hoạt động buôn lậu chuyển sang hình thức xé nhỏ hàng hóa, đi luồn lách vào ban đêm, các khu vực địa hình phức tạp… Hơn nữa không thể nào bố trí các lực lượng tại các chốt trực trong thời gian dài. Trong khi đó, số lượng người tham gia vận chuyển ngày một tăng, chủng loại hàng lậu được thay đổi rất linh hoạt. Nguy hiểm nhất là gần đây lực lượng chống buôn lậu thu giữ được một lượng lớn thuốc tân dược và khẩu trang y tế không rõ nguồn gốc tại cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên.

Điểm tập kết hàng lậu là nơi vắng vẻ - Ảnh: Tô Văn

Cũng trong những ngày qua, về ban đêm, đi trên tuyến quốc lộ 91 của tỉnh An Giang, PV nhận thấy xe gắn máy chở thuốc lá nhập lậu chạy khá nhiều. Mỗi đợt vận chuyển từ 2-3 xe, chạy với tốc độ cao khiến người đi đường hoảng hốt. Ngoài ra, ở Đồng Tháp, tuyến quốc lộ 30 từ biên giới H.Tân Hồng dài xuống TP.Cao Lãnh vẫn thấy xe chở thuốc lá lậu chạy giữa ban ngày như thách thức pháp luật.

Một người dân có nhà nằm cạnh bờ kênh Vĩnh Tế thuộc địa bàn khóm Xuân Biên, TT.Tịnh Biên, H.Tịnh Biên, chia sẻ: “Dù dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nhưng dân buôn lậu ở đây không sợ, vẫn hoạt động cả ngày lẫn đêm. Mới hôm trước, các cán bộ đi vận động dân áp dụng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh theo khuyến cáo của ngành y tế, chúng tôi có nói: “Mấy ông lo phòng chống đối với dân trong nước mà quên dân buôn lậu từ Campuchia về, mang bệnh về đây lây lan mà không ngăn chặn thì cũng như không”.

Người dân này còn cho hay, do vào mùa nắng nóng và khô hạn nên nhiều tuyến kênh chạy dài từ ngã ba Cây Mít thuộc xã Nhơn Hưng về cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên nối từ kênh Vĩnh Tế lên đất Campuchia hầu hết đều cạn, không thuận lợi cho việc nhập lậu hàng hóa bằng đường thủy. Tuy nhiên, vẫn còn 2 tuyến kênh là Cây Dương và Tư Mèo nước vẫn sâu và chạy vỏ máy chở hàng nhập lậu được.

“Do kênh Cây Dương nằm gần cửa khẩu có nhiều lực lượng chống buôn lậu và nhìn từ chợ biên giới Tịnh Biên sang cũng dễ phát hiện việc vận chuyển hàng lậu nên dân buôn không chuyển hàng lậu trên cống Cây Dương. Vì vậy chỉ còn chuyển hàng lậu bằng vỏ máy theo tuyến kênh Tư Mèo, bởi nó đã được nạo vét thuận lợi cho việc chạy vỏ”, người dân nói.

Cũng theo thông tin từ người dân, kênh Tư Mèo nối từ kênh Vĩnh Tế thuộc Việt Nam lên một đoạn chừng 1 km thì hết kênh. Còn thêm một đoạn cánh đồng nữa nối Việt Nam với Campuchia. Dân buôn lậu cho tập kết hàng hóa gần sát đường biên giới trên cánh đồng này. Rồi từ bãi Tha-Mau, dân cửu vạn đai vác hàng hóa chuyển đến những vỏ máy nằm chờ sẵn dưới kênh Tư Mèo, chờ đầy thì nổ máy chạy từ biên giới về kênh Vĩnh Tế.

Dọc kênh Vĩnh Tế có một số kho, điểm tập kết hàng nhập lậu từ Campuchia về. Hàng hóa sau khi chuyển về đến bờ kênh Vĩnh Tế thì cặp vỏ máy vào kho, điểm tập kết. Tại đây, xe gắn máy, xe tải, ôtô khách chờ sẵn để dân bốc vác chuyển hàng lên các xe này rồi chạy túa đi khắp nơi. Có khi hàng lậu tiếp tục đưa vào kho chứa gần đó, khi thì chạy đi các tỉnh phân bán luôn.

Những “ong ve” canh đường lực lượng chức năng - Ảnh: Tô Văn

“Nhìn xuống kênh Vĩnh Tế là thấy vỏ chở đường cát Thái Lan khẳm mẹp chạy ì đùng cả ngày lẫn đêm. Nếu đếm sơ thì mỗi ngày đêm vào ngày thường có không dưới 7.000 bao đường được nhập lậu theo cống Tư Mèo. Thứ bảy và chủ nhật thì nhiều hơn. Mỗi bao đường nặng 50 kg nên tính ra có khoảng 350 tấn đường nhập lậu/ngày đêm. Còn thuốc lá thì cũng có chừng 300 thùng nhập lậu, với mỗi thùng chứa 50 cây thuốc”, một người dân nói.

Tâm sự người làm cửu vạn

Vào vai con buôn, chúng tôi lân la làm quen được với Tý - thanh niên địa phương có “thâm niên” 5 năm đi đai (vận chuyển - PV) hàng lậu tại một vùng biên tỉnh An Giang. Tý khoe từ sáng giờ chở được 3 chuyến hàng. “Hàng gì à? Thuốc lá chủ yếu, nhưng lâu lâu chở đường, mỹ phẩm... Tụi tui không cần thiết chở cái gì mà chỉ lo đua với công an để đừng bị bắt thôi. Nhưng lo gì mấy cha! Tụi tui có người dẫn đường hết rồi. Ở đây một đống người cũng kiếm sống như vậy mà”, Tý nói.

Trải qua những khâu điều tra lý lịch, khả năng chạy xe gắn máy… và bằng các “nghiệp vụ”, thì chúng tôi được Tý hứa sẽ cho gia nhập nhóm. Tý cho biết, đời sống người dân ở khu vực vùng biên giới còn nhiều khó khăn cũng khiến họ theo con đường tham gia vận chuyển hàng lậu này. “Nếu như làm ruộng, chăn nuôi, mỗi ngày tụi tui kiếm được khoảng 200.000 đồng/ngày. Nhưng nếu không có đất thì có nước húp cháo mà sống. Còn nếu làm cửu vạn thì thấp nhất cũng có thể kiếm 300.000 đồng/ngày”, Tý nhẩm tính.

Cũng theo Tý, hiện nay có khoảng gần 20 chục đội, nhóm thầu đai (cửu vạn) được tổ chức chặt chẽ. Trung bình mỗi ngày có gần khoảng 200 lượt cửu vạn như Tý hoạt động. Mỗi thầu đai thuê 15-20 cửu vạn, có sự phân chia trách nhiệm giữa người trong đội. “Ví dụ đội tui thì có người dò đường, người theo dõi lực lượng chức năng, người vận chuyển, người giao hàng, người thu tiền. Không may 1 người trong dây chuyền vận chuyển bị bắt, nhất định không được khai những người còn lại mà thường trả lời nhận hàng từ 1 người Campuchia nào đó ở biên giới và vận chuyển về 1 điểm nào đó để nhận hàng chứ không biết là chủ hay ai”, Tý nói...

Nếu như trước đây giới buôn lậu chỉ rải người cảnh giới thì hiện nay chúng tung lực lượng ra “kèm” lực lượng chống buôn lậu. Hầu như các cán bộ của lực lượng chống buôn lậu tại địa phương đều có những “cái đuôi” lúc nào cũng lảng vảng theo sát bước chân từ trong nhà ra ngoài ngõ. Các cán bộ đi đâu chúng đi theo đó, từ quán cà phê, tới nơi làm việc có thể mắc võng đối diện trước cửa cơ quan hay chốt. Vừa thấy các anh mặc sắc phục đi công tác là những “cái đuôi” này móc điện thoại di động cấp báo về đồng bọn.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang, trước Tết Nguyên đán, tình hình buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới nhìn chung diễn biến khá phức tạp và có gia tăng về mức độ, tần suất hoạt động để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tăng cao. Tuy nhiên sau đó giảm dần vào thời điểm trong và sau tết. Về mặt hàng buôn lậu nổi cộm nhất vẫn là thuốc lá điếu ngoại, đường cát Thái Lan, nước ngọt, pháo, bia, lợn (heo), quần áo, mỹ phẩm, đồ gia dụng…

Lực lượng chống buôn lậu phát hiện, bắt giữ số lượng đường cát khủng nhập lậu - Ảnh: Tô Văn

Cũng theo Ban chỉ đạo 389 tỉnh An Giang, thời gian hoạt động của dân buôn lậu là vào lúc đêm khuya và sáng sớm để tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng. Đồng thời trong quá trình hoạt động, dân buôn lậu cử người canh coi đường, canh coi lực lượng để chủ động thông báo cho nhau né tránh. Đặc biệt, tình hình vận chuyển thuốc lá bằng xe gắn máy chạy tốc độ cao trên tuyến quốc lộ 91 hướng từ TP.Châu Đốc về TP.Long Xuyên vẫn diễn biến khá phức tạp.

Tính trong đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý, các lực lượng chức năng tỉnh An Giang đã phát hiện 455 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu. Tổng trị giá hàng hóa nhập lậu khoảng 14,2 tỉ đồng. Tổng số tiền thu từ phạt vi phạm hành chính và bán hàng tịch thu gần 2,9 tỉ đồng. Lực lượng Công an và Biên phòng đã khởi tố 11 vụ/15 người. Trong đó thuốc lá nhập lậu bắt giữ 171.438 bao (gói), đường cát nhập lậu hơn 124 tấn.

Một lãnh đạo Cục quản lý thị trường tỉnh An Giang cho biết, việc một số cán bộ chống buôn lậu không có bản lĩnh thì sẽ “trúng đạn rồi bảo kê đường” của bọn buôn lậu thừa tiền lắm của cũng không có gì khó hiểu. “Chính vì thế, không phải ngẫu nhiên mà Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang có quy định cấm nhân viên khi đi công tác đem theo điện thoại di động mà chỉ được dùng chung máy điện thoại di động cơ quan cấp. Đây là hình thức cấm rò rỉ thông tin”, vị này nói.

Cũng theo vị lãnh đạo này, hoạt động của lực lượng chống buôn lậu còn bị nhiều hạn chế bởi nhiều quy định chưa hợp lý. Chẳng hạn như theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại thì chỉ cần bị tịch thu 1 gói thuốc lá ngoại nhập lậu là bị phạt từ 1-10 triệu đồng, trên thực tế điều này hầu như không thể thực hiện được, nhất là đối với các tủ thuốc lá nhỏ trên đường phố.

Tô Văn