Thủ tướng đặt câu hỏi về tầm nhìn của doanh nghiệp năm 2045
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 12:13, 09/05/2020
Sáng 9.5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị với doanh nghiệp “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế” theo hình thức trực tuyến và truyền hình trực tiếp.
Thủ tướng cho biết khủng hoảng y tế đã tác động đến mọi hoạt động của nền kinh tế từ phía cung đến phía cầu, từ thị trường tài chính đến nền kinh tế thực, từ sản xuất đến tiêu dùng, từ công nghiệp đến dịch vụ…
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, như bao biến cố lớn của lịch sử, loài người rồi sẽ chiến thắng mặc dù có thể có nhiều tổn thất mất mát, thậm chí có những người đã không thể vượt qua.
“Trước thách thức đó, Việt Nam đã theo đuổi chiến lược, mục tiêu kép, một mặt vừa phòng chống dịch, mặt khác vẫn đảm bảo duy trì hoạt động kinh tế tối thiểu, đi kèm với các cải cách thể chế và tái cơ cấu để ngọn lửa tăng trưởng phải cháy và có thể sớm bùng lên trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát tốt”, Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, trong khi nhiều nước phát triển đang chịu gánh nặng tài chính lớn thì Việt Nam đã tích lũy được nguồn lực như những năm tăng trưởng thuận lợi gần đây. Điều này cho thấy Việt Nam không phải quá phụ thuộc vào thị trường thế giới như nhiều ý kiến, đồng thời chứng minh rằng năng lực nội sinh của kinh tế Việt Nam, của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam là vô cùng to lớn.
Thủ tướng lấy ví dụ, trong bối cảnh khó khăn chung, nhiều doanh nghiệp duy trì tính bền vững, thậm chí tăng trưởng cao, thị trường chứng khoán nhìn chung đi xuống nhưng vẫn có nhiều cổ phiếu vẫn tăng trưởng. Tại sao? Đó là việc các doanh nghiệp ấy hoạt động trong lĩnh vực cốt lõi, luôn hướng đến các giá trị đích thực, vì lợi ích của con người, lấy con người làm trung tâm chứ không phải theo đuổi giá trị ảo. Những doanh nghiệp như vậy không bao giờ thất bại chừng nào con người vẫn tồn tại.
Thủ tướng nhắc lại khi các lệnh giãn cách được nới lỏng, dịch bệnh đã đi qua, nhịp đập xã hội dần trở lại bình thường, nền kinh tế trước đó như chiếc lò xo bị nén lại và giờ là lúc sẵn sàng để bung ra.
Với tinh thần đó, Thủ tướng nêu rõ phải tập trung hơn nữa, khởi động lại nền kinh tế Việt Nam, phấn đấu GDP đạt mức tăng trưởng trên 5% chứ không phải như dự báo của IMF chỉ là 2,7%, đồng thời phải kiểm soát lạm phát dưới 4%. Muốn như vậy phải tập trung vào “5 mũi giáp công”.
“Một là thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước, trước hết là đầu tư tư nhân. Hai là thu hút FDI. Ba là đẩy mạnh xuất khẩu. Bốn là thúc đẩy đầu tư công. Năm là khuyến khích tiêu dùng nội địa với số dân gần 100 triệu người”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh: “Việt Nam chúng ta, doanh nghiệp của chúng ta cần đóng góp vào phát triển hình chữ V chứ không phải là chữ U mà càng không thể là chữ W”, Thủ tướng nhấn mạnh.
“Chúng ta thừa nhận rằng Việt Nam còn nhiều nút thắt. Đảng, Quốc hội, Chính phủ và cá nhân Thủ tướng luôn lo nghĩ đến điều này. Tuy nhiên, hội nghị này không phải là dịp để bàn lùi, than nghèo, kể khổ; không phải kể lể, than vãn về những khó khăn của doanh nghiệp mà phải nêu được những trở ngại lớn đối với các ngành. Chính phủ không thể trực tiếp giúp doanh nghiệp tăng lợi nhuận, nhưng Chính phủ sẽ tìm cách thức thúc đẩy doanh nghiệp tăng năng suất, chỉ có tăng năng suất mới là nguồn gốc bền vững của lợi nhuận”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho rằng doanh nghiệp phải chủ động tham gia vào việc xây dựng luật pháp như một khế ước xã hội. Chính phủ đóng vai trò người bảo trợ cho các bộ khế ước đó được thực thi trên nguyên tắc công bằng, bình đẳng, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả.
Thủ tướng yêu cầu hội nghị lần này bắt buộc bằng mọi giá phải có kết quả cụ thể, không nói suông, không nói rồi để đó, thể hiện cho được tinh thần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng tốc phát triển.
Đối với bộ ngành, phải xắn tay áo vào cuộc, các địa phương phải tháo gỡ trực tiếp cho doanh nghiệp. Đặc biệt, cần lưu ý trong những công việc không phải “quyền anh, quyền tôi” lúc này mà phải là vì đất nước, vì dân tộc, vì gần 100 triệu người dân Việt Nam.
“Chúng tôi đã nhiều lần nêu vi rút trì trệ, vậy vi rút trì trệ ở đâu, đừng nhìn người khác, cơ quan, tổ chức khác, bộ ngành khác, địa phương khác, vi rút trì trệ nằm ngay trong chính bản thân chúng ta, tổ chức của chúng ta, địa phương của chúng ta và cả trong doanh nghiệp của chúng ta”, Thủ tướng chỉ ra.
Nhắc lại dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 13 đang được trình đặt ra một tầm nhìn rằng Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia thịnh vượng vào năm 2045, có thể sánh vai với các nước trong khu vực và thế giới, Thủ tướng nhấn mạnh dịch bệnh không làm chúng ta thay đổi mục tiêu và tầm nhìn này.
“Tôi xin hỏi vậy tầm nhìn của doanh nghiệp 2045 là như thế nào? Doanh nghiệp các bạn trẻ ở đâu vào năm 2045?”, Thủ tướng nêu.
Người đứng đầu Chính phủ nói, hiện chúng ta đã có tập đoàn lớn vươn tầm cạnh tranh quốc tế nhưng Việt Nam vẫn chưa có doanh nghiệp nào lọt vào tốp 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới. Liệu đến 2045 tức tròn 25 năm nữa, chúng ta có thể có những doanh nghiệp tầm cỡ thế giới không. Theo Thủ tướng, 25 năm là đủ để xuất hiện những đế chế kinh doanh khổng lồ mang tên Việt Nam, Made in Vietnam. Thủ tướng mong các doanh nghiệp Việt Nam hãy nghĩ đến khả năng đó, không điều gì là không thể, hãy dám nghĩ lớn, làm lớn, đừng sợ thất bại vì thất bại là mẹ thành công, hãy cứ ước mơ và hành động biến ước mơ hiện thực.
Sau thời gian giãn cách xã hội, có lẽ các lãnh đạo doanh nghiệp đã có đủ thời gian quý báu để tư duy lại về con đường phát triển mới của doanh nghiệp của mình. Thiết nghĩ đây là cơ hội “trăm năm một thuở” cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Có thể nói, làn sóng chuyển chuỗi giá trị đang xem Việt Nam như một ô cờ trung tâm cần được chiếm lĩnh trên bàn cờ vua. “Các doanh nghiệp Việt Nam đang cầm quân trắng và có cơ hội đi trước. Các bạn hãy tận dụng cơ hội đó”.
Lam Thanh