Tín dụng tăng thấp, doanh nghiệp không biết vay vốn để làm gì

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 10:49, 19/05/2020

Tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 4 đạt 1,42% nhưng sang giữa tháng 5 lại giảm xuống còn 1,2%. Nguyên nhân là do nhiều doanh nghiệp chưa có kế hoạch kinh doanh mới để vay vốn hoặc vay rất ít, thậm chí chưa biết vay vốn để làm gì.
Tăng trưởng tín dụng giảm so với tháng trước - Ảnh: Internet

Ngân hàng Nhà nước mới đây cho biết tăng trưởng tín dụng tính đến giữa tháng 5 đạt mức 1,2%, thấp hơn con số 1,42% của tháng 4. Cụ thể, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng 4 tháng đầu năm 2020 đang ghi nhận mức lần lượt là: 0,1% (tháng 1), 0,07% (tháng 2), 1,1% (tháng 3) và 1,42% (tháng 4).

Con số này thấp hơn so với năm 2019 khá nhiều. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng đầu năm 2019 lần lượt là: 1,9% (tháng 1), 1,1% (tháng 2), 3,1% (tháng 3), 4,5% (tháng 4) và 5,8% (tháng 5).

Tại hội nghị kết nối ngân hàng và doanh nghiệp diễn ra ngày 14.5, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết tin vui là tín dụng đã bắt đầu tăng trở lại, tăng trưởng tín dụng đến 30.4 tăng gần 1,5%. Tăng trưởng tín dụng vẫn duy trì nhưng tốc độ tăng thấp hơn so với năm ngoái khi dịch COVID-19 ảnh hưởng mạnh tới quan hệ tín dụng giữa doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng, nhiều doanh nghiệp thậm chí chưa biết vay vốn để làm gì.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cũng cho rằng tăng trưởng tín dụng sang tháng 5 chững lại do các doanh nghiệp có dòng tiền và trả nợ, nhưng lại chưa có kế hoạch kinh doanh mới để vay vốn hoặc vay rất ít. Mặc dù dịch bệnh trong nước đã được kiểm soát tốt nhưng nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp còn thấp.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán KB (KBSV) nói rằng tăng trưởng tín dụng nửa đầu tháng 5 tuy giảm nhẹ so với mức tăng 1,4% của 4 tháng đầu năm song KBSV vẫn kỳ vọng mức tăng trưởng đến hết tháng 5 sẽ được cải thiện và cao hơn tháng trước. Con số này sẽ phản ánh sự phục hồi sau khi dịch COVID-19 đã được kiểm soát ở Việt Nam.

Đặc biệt, trong hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra ngày 9.5, Ngân hàng Nhà Nước đã thể hiện ý muốn điều chỉnh tăng hạn mức tín dụng cho các ngân hàng như là một phần của các biện pháp hỗ trợ kinh tế. Đề xuất này nhằm mục đích nới rộng hạn mức tín dụng lên so với chỉ tiêu đầu năm do dịch COVID-19.

Các ngân hàng đáp ứng yêu cầu của Basel II có thể được cấp thêm 2-3% điểm tín dụng trong quý 3, cũng là mùa cao điểm cho tăng trưởng cho vay. Với những dấu hiệu sớm của sự phục hồi tăng trưởng tín dụng cộng với cơ hội mở rộng tín dụng, các ngân hàng có thể sẽ tăng tốc về lợi nhuận trong nửa cuối năm 2020.

“Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn cần thận trọng với môi trường cho vay. Không chỉ lệnh cách xã hội được thực hiện trên phạm vi toàn quốc, sự suy giảm chất lượng trong tín dụng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm trong tăng trưởng tín dụng.

Việc các ngân hàng mở rộng cho vay là điều kiện tiên quyết để đề xuất nới rộng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước thực sự mang lại hiệu quả. Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước có những biện pháp để theo dõi chặt chẽ hoạt động của ngành ngân hàng. Việc này nhằm bảo vệ chất lượng của hoạt động tín dụng cũng như giảm thiểu rủi ro khi các ngân hàng thực hiện cho vay quá mức thông qua tỷ lệ cho vay trên tiền gửi (LDR) và tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn”, KBSV nói thêm.

Đáng chú ý, tăng trưởng tín dụng xuống thấp đang khiến cho lợi nhuận nhiều ngân hàng sụt giảm mạnh. Thống kê của Mirae Asset dựa trên kết quả kinh doanh quý 1/2020 cho thấy tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của nhóm ngân hàng niêm yết chậm đi đáng kể, chỉ còn 3,4%, thấp nhất trong khoảng 3 năm.

Thu nhập từ tín dụng giảm trong khi nợ xấu gia tăng buộc các nhà băng phải tăng chi phí trích lập dự phòng. Đồng thời, biên lãi ròng (NIM) của hệ thống ngân hàng chịu áp lực thu hẹp do tăng trưởng thu nhập lãi thuần chậm lại, vì giảm, miễn lãi đối với các khoản vay hiện hữu.

Trong thời gian tới, nhiều chuyên gia dự báo bức tranh lợi nhuận của ngành ngân hàng khó có thể khởi sắc trong quý 2, thậm chí trong quý 3 dù dịch COVID-19 đã được Việt Nam kiểm soát tốt. Nguyên nhân là do diễn biến trên thế giới vẫn phức tạp nên sẽ tiếp tục gây ra sự đình trệ nhất định trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, qua đó ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của ngân hàng.

Phan Diệu