Tiềm năng phương pháp trị dứt điểm hen suyễn
Thông tin Y học - Ngày đăng : 10:10, 04/06/2024
Tiềm năng phương pháp trị dứt điểm hen suyễn
Trang Interesting Engineering cho biết nhóm nghiên cứu của Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) vừa phát triển được phương pháp có thể trị dứt điểm hen suyễn.
Hen suyễn ảnh hưởng đến hơn 300 triệu người trên toàn cầu, hằng năm có đến hơn 250.000 ca tử vong vì căn bệnh hô hấp này. Tổ chức Hen suyễn và dị ứng Mỹ cho biết số người mắc hen suyễn tính riêng tại nước này đã lên đến hơn 27 triệu, nghĩa là cứ 12 người thì có 1 người mắc. Phương pháp truyền thống như thuốc dự phòng hen dạng hít hay tiêm kháng thể cần được sử dụng liên tục suốt đời chứ không thể trị dứt điểm. Tuy nhiên liệu pháp tế bào T thụ thể kháng nguyên khảm (CAR-T) có thể đem lại đột phá.
Giáo sư Bành Mẫn cùng đồng nghiệp tại Đại học Thanh Hoa phát hiện một số cytokine nhất định như IL-4, IL-5, IL-13 là nguyên nhân chính gây ra hen suyễn ở khoảng một nửa số bệnh nhân. Cytokine là protein truyền tín hiệu quan trọng góp phần kiểm soát tình trạng viêm, nhưng nếu quá dư thừa có thể khiến viêm trở nên nghiêm trọng. Loạt liệu pháp sinh học hiện tại nhắm vào protein này chứng minh được tính hiệu quả, nhưng cần thực hiện liên tục.
Trong nghiên cứu của mình, nhóm dùng đến CAR-T nhắm vào cytokine. Tế bào T (một loại tế bào bạch cầu cần thiết để chống nhiễm trùng, nhận biết và loại bỏ mầm bệnh) của bệnh nhân được biến đổi gien. Họ ghi nhận một lần truyền tế bào biến đổi gien giúp ức chế lâu dài tình trạng viêm phổi và làm giảm triệu chứng hen suyễn trong hơn 1 năm ở chuột thí nghiệm.
“Liệu pháp mới là lựa chọn giúp bệnh nhân đạt được sự thuyên giảm triệu chứng lâu dài, sống một cuộc sống bình thường chỉ với một lần sử dụng tế bào”, theo nhóm nghiên cứu. Họ cho rằng cách tiếp cận này còn có thể áp dụng cho dị ứng, viêm da dị ứng hoặc bệnh phổi tắc nghẽn.
Mặc dù kết quả thí nghiệm đầy hứa hẹn, giới chuyên gia cho rằng cần nghiên cứu thêm để đánh giá tính khả thi và mức độ an toàn của CAR-T ở môi trường lâm sàng. Chuyên gia y tế Bart Lambrecht (Đại học Đại học Ghent) lưu ý thí nghiệm trên người ẩn chứa thách thức lớn hơn nhiều so với trên động vật.
Hơn nữa, khả năng xảy ra tác dụng phụ liên quan đến miễn dịch cũng cần xem xét kỹ. CAR-T được chứng minh an toàn trong điều trị ung thư, nhưng chưa chắc an toàn trong điều trị hen suyễn hay các bệnh viêm nhiễm khác.