Lãi suất tiết kiệm và cho vay liệu có đồng loạt giảm sâu?

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 15:42, 14/05/2020

Động thái giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước lần này sẽ ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giữa ngân hàng và các tổ chức kinh tế, nhưng chủ yếu là ở kỳ hạn ngắn.
Lãi suất huy động sẽ giảm ở các kỳ hạn ngắn - Ảnh: Internet

Chiều 12.5, Ngân hàng Nhà nước ban hành các quyết định hạ một số loại lãi suất điều hành có hiệu lực kể từ ngày 13.5.2020. Đây là lần thứ 2 trong năm 2020 và lần thứ 3 trong vòng 1 năm qua Ngân hàng Nhà nước có động thái như vậy. Việc hạ lãi suất cũng là xu hướng của các trên thế giới nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế để đối phó với tác động của dịch COVID-19.

Nhận định về việc hạ lãi suất điều hành, Chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng thông qua giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước sẽ hỗ trợ phần nào chi phí vốn cho các ngân hàng, dù số lượng ngân hàng tiếp cận nguồn vốn này chưa nhiều. Động thái giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước lần này cũng ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giữa ngân hàng và các tổ chức kinh tế, nhưng chủ yếu là ở kỳ hạn ngắn.

Ngân hàng Nhà nước mới chỉ giảm trần lãi suất huy động ở kỳ hạn ngắn từ qua đêm đến dưới 6 tháng. Như vậy, đối với các kỳ hạn cho vay trung và dài hạn không tác động nhiều. Trong khi đó, các doanh nghiệp hiện nay chủ yếu vay vốn trung và dài hạn; đồng thời các ngân hàng đang huy động tiền gửi với lãi suất khá cao nên ngân hàng phải cho vay với lãi suất cao.

Còn TS Võ Trí Thành – Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia đánh giá động thái này có ý nghĩa rất quan trọng đối với doanh nghiệp, nền kinh tế. Việc hạ lãi suất chung cũng như tiếp tục gia tăng các gói tín dụng ưu đãi của ngân hàng thương mại chắc chắn có ý nghĩa rất quan trọng trong tiến trình dần hồi phục và có thể tạo sức bật cho nền kinh tế thời gian tới.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán KB (KBSV) lại cho rằng hạ lãi suất mua kỳ hạn từ 3,5% xuống 3%/năm và các lãi suất chính sách khác như lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu nhìn chung sẽ không có nhiều tác động tới lãi suất ngắn hạn trên thị trường tiền tệ ở thời điểm hiện tại. Nguyên nhân là do về bản chất, hoạt động này của Ngân hàng Nhà nước đa phần được thực hiện nhằm hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại giảm chi phí vốn để có điều kiện hạ lãi suất cho vay cho các đối tượng ưu đãi.

Trong khi đó, thanh khoản hệ thống vẫn ở mức dồi dào, thể hiện qua lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm duy trì ở mức thấp (trung bình khoảng 2%) kể từ đầu năm. Không những vậy, lợi suất trái phiếu chính phủ 10 năm chỉ ở khoảng 3%, thấp hơn rất nhiều so với lợi suất của các nước cận biên.

Đối với việc hạ trần lãi suất huy động của các kỳ hạn dưới 6 tháng, KBSV nói rằng lãi suất này đã giảm từ 0,5 – 1% ở các kỳ hạn trên 6 tháng sau thời điểm Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành vào tháng 3 vừa qua. Đây là cơ sở để tiếp tục kỳ vọng lãi suất huy động trung hạn trong thời gian tới sẽ tiếp tục xu hướng giảm, nhất là trong bối cảnh các ngân hàng thương mại sẽ tăng cường cắt giảm chi phí huy động để có thể bù đắp cho sự sụt giảm NIM (chênh lệch phần trăm giữa thu nhập lãi và chi phí lãi phải trả của ngân hàng) do tác động của các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp mùa COVID-19.

Xu hướng hạ mặt bằng lãi suất cho vay nhiều khả năng sẽ rõ rệt hơn trong thời gian tới, khi nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp còn ở mức yếu, kết hợp với các nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước nhằm hạ lãi suất cho vay.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến 28.4.2020, nhu cầu tín dụng các doanh nghiệp có sự sụt giảm mạnh, thể hiện qua tăng trưởng tín dụng chỉ còn 1,32%, giảm mạnh so với mức tăng trưởng 4,5% cùng kỳ năm trước.

Đây cũng là mức thấp nhất trong vòng 6 năm, với cho vay mới ở doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp và xây dựng tăng 1%, nông nghiệp tăng 0,3% trong khi dư nợ nhiều ngành như thương mại - dịch vụ - du lịch, tiêu dùng... đều giảm mạnh.

Đối với các khoản tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp sau COVID-19, tính đến ngày 8.5.2020, toàn hệ thống ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ với tổng dư nợ đạt 130.000 tỉ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất với dư nợ đạt 1,08 triệu tỉ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với dư nợ cho vay lũy kế từ ngày 23.1 đến nay đạt 630.000 tỉ đồng, cao hơn gấp đôi so với mức cam kết ban đầu là khoảng 300.000 tỉ đồng.

Phan Diệu