Thứ trưởng KH-ĐT Trần Quốc Phương: Khó trong khó ngoài, sức ép điều hành rất lớn

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 16:00, 06/06/2024

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho rằng trong bối cảnh “khó bên ngoài khó cả bên trong”, sức ép điều hành kinh tế là rất lớn.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Thứ trưởng KH-ĐT Trần Quốc Phương: Khó trong khó ngoài, sức ép điều hành rất lớn

Lam Thanh 06/06/2024 16:00

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho rằng trong bối cảnh “khó bên ngoài khó cả bên trong”, sức ép điều hành kinh tế là rất lớn.

Khó trong lẫn khó ngoài

Tại Diễn đàn Cấp cao cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ 2 do Báo Đầu tư tổ chức chiều 6.6, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết ngay từ đầu năm, bất ổn địa chính trị, phân mảnh địa kinh tế đã phức tạp. Những bất ổn này ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng hàng hóa, an ninh lương thực, an ninh năng lượng toàn cầu.

Điều này cũng gây rủi ro đáng kể trong ngắn hạn đối với hoạt động kinh tế cũng như việc kiểm soát lạm phát của các nền kinh tế, do gia tăng chi phí logistics, thời gian vận tải và đẩy giá tiêu dùng tăng cao… Thị trường tài chính, tiền tệ, dòng đầu tư toàn cầu… cũng vì thế bị ảnh hưởng không nhỏ.

phuong-2.jpeg
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương

Theo ông Phương, các rủi ro tiềm ẩn trên đã tác động tiêu cực đến triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế, tạo sức ép lớn lên điều hành kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Tuy vậy, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục xu hướng phục hồi, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ.

Cụ thể, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; hoạt động sản xuất - kinh doanh tiếp tục chuyển biến tích cực.

Trong 5 tháng qua, kim ngạch xuất nhập khẩu, hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu tăng trưởng tích cực, lần lượt là tăng 16,6%, 15,% và 18,2% so với cùng kỳ; ước xuất siêu hơn 8 tỉ USD...

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký 5 tháng đạt hơn 11 tỉ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023; giải ngân đầu tư công 5 tháng đạt hơn 22,34% kế hoạch; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5 tăng tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước…

Đặc biệt, tình hình đăng ký doanh nghiệp đã có chuyển biến rất tốt trong tháng 5 vừa qua. Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong tháng 5 là gần 20.000 doanh nghiệp, tăng 10,6% so với cùng kỳ, gấp 1,7 lần số rút lui khỏi thị trường (11.400 doanh nghiệp).

Dựa trên những kết quả đạt được và đánh giá xu hướng thời gian tới, Bộ KH-ĐT kiến nghị Chính phủ lựa chọn kịch bản tăng trưởng 6 - 6,5% trong năm 2024, đúng như mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Quốc hội đã quyết nghị, để chủ động trong điều hành.

Áp lực điều hành rất lớn

Theo ông Trần Quốc Phương, mặc dù xu hướng phục hồi là tích cực, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

phuong-1.jpeg
Cảnh diễn đàn

Hiện tại, các nền kinh tế lớn đang đứng trước nhiều lựa chọn chính sách khác nhau về những vấn đề toàn cầu và trong nước. Các yếu tố này đã tạo sức ép lớn lên điều hành kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng của các nước đang phát triển, khiến công tác dự báo, ứng phó ngày càng khó khăn, bị động hơn.

“Xu hướng gần đây, một số nước đã triển khai các gói kích thích kinh tế mới, bao gồm cả chính sách hỗ trợ các ngành công nghiệp như bán dẫn, AI… Điều này cũng làm gia tăng thêm sức ép cạnh tranh, đòi hỏi nền kinh tế Việt Nam phải phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn nữa để theo kịp với thế giới, khu vực”, ông Phương nêu.

Tương tự vậy, theo lãnh đạo Bộ KH-ĐT, áp lực lạm phát, tỷ giá cũng đang gia tăng; sản xuất - kinh doanh, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, thách thức; sản xuất công nghiệp phục hồi chậm; cầu tiêu dùng vẫn tăng thấp…

Ngoài ra, thị trường bất động sản dù có nhiều dấu hiệu chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, cần được quan tâm xử lý; tăng trưởng tín dụng chưa cao, 5 tháng mới đạt 2,41%, tiếp cận vốn tín dụng còn khó khăn...

Thị trường tài chính, tiền tệ, hệ thống ngân hàng cũng tiềm ẩn những rủi ro, tỷ lệ nợ xấu nội bảng tiếp tục tăng; thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn khó khăn; quản lý thị trường vàng còn bất cập…

“Sự e ngại, thận trọng của xã hội, thậm chí là tâm lý sợ sai, sợ chịu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức; một số quy định, thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh chưa được cắt giảm triệt để, còn rườm rà, ách tắc, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân…”, ông Phương nhấn mạnh.

Do đó, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT cho rằng “khó bên ngoài, khó cả bên trong, nên sức ép điều hành kinh tế là rất lớn”.

phuong-3.jpeg
Ccảnh diễn đàn

Theo đó, với một nền kinh tế có quy mô còn khiêm tốn, sức chống chịu, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, chịu ảnh hưởng lớn từ các tác động bên ngoài như Việt Nam, điều hành thế nào, ứng biến ra sao trước mỗi biến động của thị trường là điều không đơn giản. “Chúng ta phải biết cách “ứng biến trong vạn biến”, ông Phương nêu.

Loạt giải pháp để đưa nền kinh tế về đích kế hoạch

Để nền kinh tế có thể về đích kế hoạch 2024, cần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ, làm mới các động lực truyền thống về đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu, đồng thời bổ sung, đẩy mạnh tận dụng cơ hội từ các động lực tăng trưởng mới, mô hình kinh tế mới, như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, hay các ngành công nghiệp mới nổi như sản xuất chip, bán dẫn, năng lượng tái tạo…

“Cần chuẩn bị tốt các điều kiện để thu hút các làn sóng chuyển dịch đầu tư nước ngoài, nhất là trong các lĩnh vực bán dẫn, AI, hydrogen…”, ông Phương nêu.

Song song với đó, cần cải thiện yếu tố đầu vào, đặc biệt là hỗ trợ thông qua chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ cho doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận tín dụng; kiến nghị các cấp thẩm quyền tiếp tục xem xét các chính sách giảm thuế; giảm, giãn hoãn phí, lệ phí… để tăng khoản tiền cho doanh nghiệp.

Ông Phương cũng cho rằng khơi thông thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp… cũng sẽ góp phần quan trọng giúp nền kinh tế vận hành thông suốt, hiệu quả, qua đó thúc đẩy nền kinh tế tăng tốc.

“Thách thức và sức ép là rất lớn, nhưng Chính phủ Việt Nam đã xác định không lùi bước trước khó khăn”, ông Phương nêu.

Lam Thanh