Tập đoàn Vạn Thịnh Phát nêu phương án khắc phục hậu quả
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 18:10, 06/06/2024
Tập đoàn Vạn Thịnh Phát nêu phương án khắc phục hậu quả
Theo kết luận điều tra, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có văn bản về việc đề xuất phương án xử lý, khắc phục hậu quả bước đầu các gói trái phiếu của công ty liên quan đến tập đoàn này.
Tại bản kết luận điều tra vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền, vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan (giai đoạn 2), Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đề cập tới việc khắc phục hậu quả trong vụ án của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Theo kết luận điều tra, ngày 22.5.2024, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có văn bản về việc đề xuất phương án xử lý, khắc phục hậu quả bước đầu các gói trái phiếu của công ty liên quan đến tập đoàn này, với tổng trị giá hơn 1.000 tỉ đồng.
Cụ thể, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng 13 công ty liên quan cam kết tự nguyện nộp tiền khắc phục hậu quả số tiền hơn 519 tỉ đồng.
Đối với những tài khoản của các công ty đang bị ngăn chặn giao dịch, phía tập đoàn đề xuất sử dụng toàn bộ số tiền bị ngăn chặn để khắc phục hậu quả cho vụ án.
Đối với Công ty cổ phần Bông Sen và Công ty TNHH một thành viên Khách sạn quốc tế Thiên Phúc đang có nghĩa vụ trả nợ trái phiếu có tài sản đảm bảo đang lưu hành, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đang tìm kiếm nhà đầu tư nhận chuyển nhượng các tài sản đảm bảo để tạo nguồn thu hoàn trả nghĩa vụ nợ trái phiếu.
Phía tập đoàn cũng cam kết sử dụng số tiền gần 70 tỉ đồng của Công ty Bông Sen và hơn 133 tỉ đồng của Công ty Thiên Phúc dùng để khắc phục cho các trái chủ sở hữu trái phiếu của 2 công ty này.
Theo kết luận điều tra, ngày 27.5.2024, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có văn bản cập nhật tiến độ nộp tiền khắc phục hậu quả. Qua kiểm tra chứng từ, xác định các công ty thuộc Vạn Thịnh Phát đã hoàn tất nộp hơn 221 tỉ đồng.
Đối với số tiền hơn 291 tỉ đồng trong những tài khoản được Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các công ty xin sử dụng để tự nguyện khắc phục hậu quả, Cơ quan CSĐT Bộ Công an duy trì việc ngăn chặn tài khoản và thống kê, chuyển tòa án để giải quyết theo quy định pháp luật.
Kết quả điều tra và tài liệu thu thập được đã chứng minh phương thức thủ đoạn gian dối của các bị can trong việc tạo lập trái phiếu của 4 Công ty An Đông, Quang Thuận, Sunny World và Setra.
Theo kết luận điều tra, họ thành lập công ty “ma”, không có bộ máy nhân sự, thuê người đứng tên thành lập công ty, sở hữu cổ phần… phục vụ cho hoạt động tài chính của tập đoàn.
Chưa hết, các bị can còn ra chủ trương phát hành trái phiếu, lựa chọn tổ chức phát hành, trái chủ sơ cấp, chạy dòng tiền “khống” để tạo lập 25 gói trái phiếu “khống” bán cho các nhà đầu tư để chiếm đoạt, sử dụng. Tiếp đó, rút tiền, “cắt đứt”, che giấu dòng tiền để sử dụng.
Với chuỗi hành vi, thủ đoạn trên, theo cơ quan điều tra, các bị can đã hoàn thành hành vi gian dối trong hoạt động phát hành 25 gói trái phiếu “khống” của 4 công ty kể trên, bán cho nhà đầu tư, thu về số tiền hơn 30.800 tỉ đồng để sử dụng. Đến nay còn dư nợ hơn 30.000 tỉ đồng của hơn 35.000 nhà đầu tư và không có khả năng thu hồi.
Theo kết luận điều tra, Trương Mỹ Lan đã xin chịu trách nhiệm về sai phạm của mình.
Về việc trả nợ trái phiếu cho các trái chủ, bà Lan xin được sử dụng toàn bộ tiền, tài sản đã bị kê biên, phong tỏa, thu giữ và toàn bộ các tài sản mà TAND TP.HCM đã tuyên các cá nhân/tổ chức phải trả lại cho Lan để ưu tiên thanh toán nợ, lãi trái phiếu cho các trái chủ.