Lần tìm đàn voọc quý hiếm tại vùng núi An Giang
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 11:42, 07/06/2024
Lần tìm đàn voọc quý hiếm tại vùng núi An Giang
Những ngày đầu tháng 6, phóng viên Một Thế Giới lần đầu tiên "ăn rừng ngủ núi" để theo dấu chân voọc tại núi Cô Tô (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang). Tuy nhiên, hành trình bám tìm loài động vật có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới không hề đơn giản.
Ăn rừng ngủ núi theo dấu chân voọc
Thông tin đầu tiên về vọoc chà vá mà chúng tôi có được từ ông Trần Văn Thành sinh sống ở núi Cô Tô (gọi tắt là núi Tô). Theo ông Thành, năm 1996, ông vào mé rừng hái rau phát hiện vài con voọc đang núp trên cây, nó có lông màu xám tiệp với đá núi và cây rừng nên rất khó nhìn thấy.
Biết chúng tôi đang tìm hiểu về voọc chà vá, ông Trần Văn Hiền (thợ leo núi kỳ cựu, ngụ núi Tô) đã dành hẳn 1 đêm 2 ngày để dẫn đi thực địa tại đỉnh núi Tô và cung cấp thêm những thông tin mới nhất do ông và người dân địa phương hằng ngày bảo vệ loài động vật quý hiếm này nắm được.
Theo lời hẹn, 9 sáng ngày 4.6, tôi bắt đầu nhập đoàn. Điểm tập kết là nhà ông Hiền. Do đã chuẩn bị trước, mọi người lên đường mang theo toàn bộ lương thực, thực phẩm cho cả hành trình. Hành lý nặng cả chục ký.
Người chưa từng leo núi như tôi được nhắc phải mặc áo dài tay chống muỗi và cây gai độc trên đường đi. Tôi đi giày da được khuyến cáo phải chuyển sang đi giày vải hoặc giày thể thao vì đường đi toàn dốc đá cheo leo.
Đang loay hoay tính chuyện đi mua giày vải, rất may anh Ngô Duy Anh (thành viên đi cùng đoàn) nói dư một đôi giày thể thao để trong xe có thể đi vừa. Thế là cuối cùng tôi cũng có được đôi giày đúng chất leo núi.
Đi cạnh ông Hiền, tôi có điều kiện hiểu hơn về núi Tô đầy bí ẩn. Theo ông Hiền, tại núi Tô có rất nhiều loài thực vật và động vật. Sâu trong núi vẫn còn nhiều cây gỗ to đường kính 30 - 50cm mọc ở các thung đất xen vách đá.
Về các loài vật thì rất nhiều, từ cua đá, đến tắc kè, rắn (có cả rắn hổ mây), chim muông, khỉ, voọc. Đi núi hàng chục năm nên ông Hiền nắm đường đi như lòng bàn tay.
Ông nói: “Bầy voọc trên đỉnh núi được người dân địa phương và cán bộ kiểm lâm biết đến. Lên núi kiểm tra, cán bộ kiểm lâm nhìn thấy bầy thú có lông viền mặt màu xám đã xác định chúng thuộc loài voọc chà vá quý hiếm.
Ai cũng ngạc nhiên không hiểu lũ voọc đến từ đâu vì lâu nay vùng núi An Giang rất hiếm gặp loài này. Ngành kiểm lâm đã tuyên truyền cho người dân rõ đây là thú quý hiếm cần bảo vệ, cấm săn bắt hay nuôi nhốt dưới mọi hình thức.
Ý thức được trách nhiệm, tôi cùng cư dân trên núi tự nguyện chăm sóc không công đàn voọc này. Khi phát hiện bóng dáng thợ săn, kẻ xấu mang súng săn, bẫy thú lên núi thì chúng tôi gọi báo lực lượng chức năng”.
Hành trình vượt núi để đến nơi bầy voọc sinh sống là hơn chục cây số đường rừng mới thật sự là thử thách khủng khiếp. Những con dốc cao, có khi lên đến 50 - 60 độ mà chỉ có một con đường mòn nhỏ len lỏi giữa cây lá um tùm.
Những đoạn đi cheo leo vách núi mà bề rộng chỉ khoảng 15cm như thử thách sự tập trung của chúng tôi bởi chỉ cần sẩy chân sẽ rơi xuống vực sâu.
Vào tới điểm tập kết, việc đầu tiên là các thành viên phải lập tức nhanh chóng căng lên những túp lều dã chiến màu xanh. “Căn nhà” thô sơ và ọp ẹp đến độ, đêm nằm ngủ, gió tứ bề rin rít thổi lùa vào, mang theo hơi núi đá lạnh buốt.
“Sở dĩ phải căng lều, căng bạt ngủ lại do voọc tại núi Tô thường kiếm ăn vào ban đêm. Thoáng thấy tiếng chân, tiếng nói của người là chúng sẽ tản đi hoặc chui tọt vào hang”, ông Hiền giải thích.
Ngủ đã khổ, chuyện kiếm nguồn nước còn gian nan hơn. Địa hình rừng mọc trên núi khiến cho nước rút sâu vào trong địa mạo. Để sinh tồn, ông Hiền buộc phải đỏ mắt tìm những vũng ít ỏi còn sót lại, dùng từng ca múc, hứng đem về sử dụng.
Ăn rừng, ngủ núi, canh giấc voọc có lẽ là cách miêu tả chính xác nhất công việc của chúng tôi giai đoạn này. Tuy nhiên, đêm đó chúng tôi thất vọng vì không thấy voọc.
Sáng hôm sau, chúng tôi phải dậy từ tờ mờ sáng rồi leo tít lên các ngọn cây cả chục mét, ngồi thu lu chĩa ống kính về phía các vách đá phía đối diện. Chừng một lát sau, không thấy tiếng người, bầy voọc mới ló đầu ra khỏi các hang núi, rồi vun vút chuyền sang những tán cây kiếm ăn.
Chiều về, tôi và anh Duy Anh lại lặp lại quá trình “ẩn nấp” như thế chỉ để ghi lại những hình ảnh xác thực nhất về một trong những loài động vật quý hiếm ở núi Tô.
Bảo vệ đàn voọc quý hiếm
Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh An Giang ghi nhận bầy voọc trên núi Tô năm 2014 có 6 cá thể, năm 2016 có 3 cá thể, năm 2020 ghi nhận 9 cá thể. Theo đánh giá, núi Tô với rừng tự nhiên gồm cây gỗ lớn nhỏ kết hợp và cây bụi lá là điều kiện khá thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của loài voọc.
Nghiên cứu hoạt động của loài này cho thấy núi Tô có các hang động với các hốc nhỏ và các tán cây rừng có bóng mát làm nơi chúng ẩn náu. Tuy nhiên, với số lượng quần thể loài hiện đang tồn tại rất ít, thì nguy cơ bị tuyệt chủng rất cao, cho nên chúng cần được bảo vệ ở mức cao nhất.
Theo Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh An Giang, mức độ đe dọa đối với sự tồn tại của voọc chà vá theo IUCN (2016) xếp vào nhóm nguy cấp. Theo Nghị định số 6.2019/NĐ-CP của Chính phủ, loài voọc được xếp nhóm IB - động vật rừng nguy cấp, quý hiếm. Trong Công ước quốc tế về buôn bán các loài động thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), loài này có trong phụ lục II.
Trước đó vào tháng 4 vừa qua, lửa cháy trên núi Tô nhiều ngày liền nên số phận bầy voọc bị đe dọa. Những cán bộ kiểm lâm cho biết khu vực cháy cách xa nơi chúng sinh sống và cháy chủ yếu là cây tạp, tre, tầm vông, lớp thực bì, dây leo và đây không phải là nguồn thức ăn của voọc. Thức ăn của chúng chủ yếu là lá, chồi cây, quả. Sau khi xử lý đám cháy, không phát hiện xác thú rừng bị chết cháy.
“Điều đáng ghi nhận là, từ khi xuất hiện đàn voọc quý hiếm này, cùng với việc tuyên truyền của các cơ quan chức năng trước đó, bà con ở đây đã hiểu và có ý thức bảo vệ đàn voọc rất cao”, một cán bộ kiểm lâm cho biết.
Voọc chà vá chân đỏ hay còn gọi là voọc chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus) thuộc họ khỉ cựu thế giới (để phân biệt với loài khỉ tân thế giới), và là loài có màu sắc rực rỡ nhất trong số các loài linh trưởng.
Danh lục đỏ IUCN năm 2008 xếp hạng loài này ở mức nguy cấp (EN), tuy nhiên, trong báo cáo cập nhật mới nhất của Ben Rawson, FFI về tình trạng bảo tồn linh trưởng của Việt Nam thì IUCN sẽ đưa loài chà vá chân nâu lên mức cực kỳ nguy cấp vì những lo ngại về các mối đe dọa ngày càng lớn đối với sự tồn tại của loài này ngoài tự nhiên.
Ở ngoài tự nhiên, loài này được dự đoán là sẽ bị suy giảm quần thể hơn 50% trong vòng 35 năm đến trong vòng 3 vòng đời sinh sản (mỗi vòng đời sinh sản khoảng 10 - 12 năm) bởi sự suy giảm về diện tích vùng sống và nạn săn bắt, buôn bán bất hợp pháp.
Riêng núi Cô Tô còn gọi tắt là núi Tô, còn có tên gọi khác là Phụng Hoàng Sơn, tên Khmer là Phnom-Ktô, nằm trong dãy Thất Sơn, thuộc xã Cô Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.
Núi Tô có chiều cao 614m, dài 5.800m và rộng 3.700m, nơi đây được tạo hóa ban tặng hàng trăm hệ thống hang động ngầm rộng lớn và vững chắc, đây cũng chính là điểm thu hút hàng ngàn lượt du khách đến tham quan mỗi năm.