Điện Kremlin dự đoán tương lai của tổng thống Ukraine
Quốc tế - Ngày đăng : 17:33, 07/06/2024
Điện Kremlin dự đoán tương lai của tổng thống Ukraine
Điện Kremlin nhận định phương Tây sẽ buộc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phải ra đi một khi ông hoàn thành sứ mệnh của mình.
Phát biểu trong cuộc họp báo bên lề Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg (SPIEF) hôm 6.6, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Mỹ và các đồng minh sẽ chỉ chấp nhận nhà lãnh đạo Ukraine cho đến khi hoàn thành sứ mệnh của mình, sau đó ông Zelensky sẽ bị thay thế.
“Dĩ nhiên, ông Zelensky sẽ bị thay thế. Việc hạ độ tuổi nhập ngũ ở Ukraine sẽ làm làn sóng tiêu cực ngày càng gia tăng trong xã hội Ukraine”, Hãng tin RT dẫn lời ông Peskov cho hay.
Bình luận phát ngôn Điệm Kremlin được xem là làm rõ tuyên bố được Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra một ngày trước đó. Trong cuộc họp với những người đứng đầu các hãng thông tấn quốc tế kéo dài hơn ba giờ ngày 5.6, ông Putin cáo buộc Mỹ đang gây áp lực để Ukraine hạ độ tuổi nhập ngũ để bổ sung thêm lực lượng chiến đấu. Theo ông Putin, Ukraine có khả năng hạ tuổi nhập ngũ thêm xuống 23 từ 25, rồi 20 hoặc thậm chí là hạ hẳn xuống 18.
“Luật phải được thông qua và phải thực hiện một số bước nhất định. Bây giờ là tháng 6 năm 2024 và để làm được điều này, tôi nghĩ sẽ phải mất một năm để Kyiv tiếp tục hạ độ tuổi nhập ngũ. Ông Zelensky sẽ chỉ chịu đựng được đến mùa xuân, ít nhất là đến đầu năm sau. Khi xong việc, họ (phương Tây) sẽ nói lời tạm biệt với ông ấy”, ông Putin nói
Tổng thống Nga tiết lộ Ukraine đang tổn thất tới 50.000 binh sĩ mỗi tháng trong khi chỉ có thể huy động thêm 30.000 quân thay thế, đặt ra vấn đề nan giải với Kyiv.
Ông chủ Điện Kremlin cũng nêu ra một số ứng viên mà phương Tây sẵn sàng thay thế một khi ông Zelensky không còn nắm quyền. Tổng thống Putin khẳng định việc ông Zelensky tiếp tục làm tổng thống khi kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 20.5 là bất hợp pháp ở Ukraine.
Về phần mình, Zelensky đã khẳng định luật pháp Ukraine cấm bầu cử trong tình trạng thiết quân lập nên ông vẫn tại vị cho đến khi xung đột với Nga kết thúc. Tuy nhiên, phía Nga cho rằng hiến pháp Ukraine không có điều khoản nào như vậy, và rằng thực tế quy định người đứng đầu quốc hội phải nắm quyền chính phủ sau khi nhiệm kỳ tổng thống kết thúc.
Ukraine nhận nhiều cam kết mới từ các nước phương Tây
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 6.6 nhấn mạnh rằng Ukraine được phép sử dụng vũ khí do Mỹ sản xuất để tấn công bên trong lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, Kyiv chỉ có thể tấn công các mục tiêu ở khu vực gần biên giới - nơi Moscow sử dụng vũ khí để tấn công các khu vực của Ukraine.
“Vũ khí Mỹ sẽ chỉ được phép sử dụng đối với các mục tiêu ở biên giới - những nơi Nga dùng để tấn công lãnh thổ Ukraine. Washington không cho phép cuộc tấn công trong phạm vi sâu 300km trong lãnh thổ Nga. Chúng tôi cũng không cho phép Ukraine tấn công thủ đô Moscow và Điện Kremlin”.
Theo AP, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng ngày khẳng định Paris và các đồng minh sẽ luôn sát cánh cùng Ukraine, đồng thời cam kết mới về kế hoạch cung cấp dòng máy bay chiến đấu Mirage 2000 cho Ukraine và giúp huấn luyện phi công.
Nhà lãnh Pháp ủng hộ việc thành lập một “lữ đoàn” gồm 4.500 binh sĩ Ukraine do Pháp huấn luyện và trang bị. Ông Macron sau đó lặp lại tuyên bố của ông vào tuần trước rằng Ukraine có thể sử dụng tên lửa của Pháp để tấn công tầm xa vào lãnh thổ Nga, trừ việc tấn công nhằm vào dân thường.
Phản ứng trước các tuyên bố trên, Điện Kremlin đã đưa ra cảnh báo đối với các quốc gia phương Tây cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine để tấn công lãnh thổ Nga, rằng Moscow cũng có thể cung cấp vũ khí cho các lực lượng khác chống lại những nước này.
“Tôi tin rằng cảnh báo trước đó của Tổng thống Vladimir Putin đã được phương Tây nghe thấy và các quốc gia này cần phải tính đến lập trường của Nga. Nga sẽ không thỏa hiệp về lợi ích quốc gia của mình”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev nhấn mạnh Mỹ và đồng minh cần cảm nhận được việc bên thứ 3 sử dụng trực tiếp vũ khí Nga để chống lại các nước này.