Viếng thăm mộ của vị vua cuối cùng triều Nguyễn giữa Paris
Văn hóa - Ngày đăng : 15:50, 08/06/2024
Viếng thăm mộ của vị vua cuối cùng triều Nguyễn giữa Paris
Những ai từng đến kinh đô ánh sáng Paris đều biết rằng nơi này "mỗi tấc đất là một tấc vàng". Và ngay trung tâm thủ đô nước Pháp, cách tháp Eiffel khoảng 10 phút đi bộ, là nghĩa trang Passy vắng lặng - nơi an nghỉ của vị vua cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam.
Nghĩa trang Passy được xây dựng vào năm 1820, là một trong những nghĩa trang nổi tiếng hàng đầu nước Pháp. Nằm bên bờ sông Siene, cách tháp Eiffel khoảng hơn 10 phút đi bộ, nơi đây có vị trí vô cùng đắt địa. Theo người dân địa phương, nghĩa trang hầu như chỉ chôn cất tầng lớp quý tộc giàu có và những người nổi tiếng. Ở nghĩa trang này có một người Việt Nam được chôn cất, đó là vua Bảo Đại - vị vua cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam.
Tháng 3, tiết trời Paris lành lạnh. Theo gợi ý của Trường Đặng, một sinh viên Việt Nam đang làm hướng dẫn viên du lịch địa phương tại Paris, chúng tôi đi tàu điện ngầm từ quận 9 đến nghĩa trang Passy thuộc quận 16. Chuyến viếng thăm này không có ý nghĩa gì khác ngoài sự tò mò muốn biết nơi an nghỉ của vua Bảo Đại và gửi đến vị vua quá cố lời chào của một hậu duệ người Việt đến Paris.
Paris là một trong những thành phố có lượng khách du lịch hàng đầu thế giới nên khu trung tâm luôn tấp nập người qua lại. Tuy nhiên, dù có vị trí gần các địa điểm du lịch nổi tiếng nhất nước Pháp, nhưng nghĩa trang Passy có vẻ vắng lặng và không có ai trông coi.
Passy được bao quanh bởi bức tường cao chừng 5m, giống bức tường thành xưa cũ. Phía trước cổng vào nghĩa trang là một tiệm hoa nhỏ. Chúng tôi ghé vào tiệm mua một lẵng hoa. Ông chủ tiệm khá hoạt bát và thân thiện, căn dặn chúng tôi cẩn thận túi tiền khi đi ở nơi công cộng vì Paris có vấn nạn móc túi.
Sau khi cảm ơn ông chủ tiệm hoa, chúng tôi bước vào trong và cảm nhận được một không gian yên tĩnh tuyệt đối. Chúng tôi đi trên con đường nhỏ lát đá dăm, mỗi bước đi tạo nên âm thanh xào xạc. Hai bên đường là hàng cây cổ thụ cao lớn, tỏa bóng im lìm. Hầu hết các ngôi mộ ở đây được xây bằng đá kiên cố với màu xám tro, trên mỗi ngôi mộ đều có tượng thánh giá.
Do không ai biết vị trí mộ vua Bảo Đại nên chúng tôi vừa đi vừa tìm. Lúc đến gần cuối nghĩa trang, chúng tôi bắt gặp một người đàn ông và một phụ nữ da trắng đang lau chùi mộ. Tôi bước đến hỏi người đàn ông bằng tiếng Anh nhưng ông ra dấu không nói được. Tôi liền nhờ Trường Đặng hỏi họ bằng tiếng Pháp.
Người đàn ông ngoài 60 tuổi ngạc nhiên khi biết chúng tôi là người Việt Nam. Khi biết chúng tôi muốn tìm mộ vua Bảo Đại, ông liền chỉ vào ngôi mộ màu đen ở gần đó chừng vài bước chân. Đó là một ngôi mộ không có cây thánh giá gắn phía trên giống các ngôi mộ xung quanh. Trên bia mộ có ghi dòng chữ tiếng Việt rất rõ ràng: "Hoàng đế Việt Nam Bảo Đại, húy Nguyễn Phước Vĩnh Thụy, 1913- 1997". Phía dưới bia mộ là hàng chữ tiếng Pháp: "Sa Majesté BAO DAI, Empereur du Viet Nam, Sa Majesté TÂY PHƯƠNG, née Monique BAUDOT, 1946 - 2021".
Người đàn ông cho biết tại nghĩa trang này, mỗi mảnh đất thường được dùng chôn cất cho một gia đình chứ không phải một người. Ví dụ trên diện tích ấy, người chồng qua đời trước sẽ được chôn ở vị trí đất sâu phía dưới. Khi người vợ qua đời sau này sẽ được chôn phía trên. Đó là lý do vì sao vua Bảo Đại và người vợ Pháp Monique BAUDOT được chôn chung vị trí.
Người đàn ông Pháp ấy cho biết rằng hồi sinh thời, cha ông và vua Bảo Đại gặp nhau mỗi ngày để đàm đạo. Tình bạn ấy kéo dài suốt nhiều năm. Giờ thì cả hai ông đều qua đời và nằm gần nhau trong cùng nghĩa trang. Theo lời ông, gần mộ vua Bảo Đại còn có ngôi mộ của một hoàng hậu và công chúa Iran. Ngoài ra, đây còn là nơi an nghỉ của danh họa Edouard Manet, gia đình Renault nổi tiếng với thương hiệu xe hơi, danh hài Fernandel, nhà soạn nhạc Claude Debussy…
Trò chuyện với hai ông bà người Pháp một lúc, chúng tôi thả bước tham quan từng ngôi mộ. Có một điều rất lạ, dù là nghĩa trang nhưng không khí nơi đây có nguồn năng lượng tươi sáng, không u ám. Nó khiến cho những người viếng thăm thực sự có cảm giác đây là nơi an nghỉ đúng nghĩa, dù cho người nằm xuống lúc còn sống có cuộc đời đầy thăng trầm hay vinh quang.
Chúng tôi ở nghĩa trang Passy khoảng 2 giờ thì quyết định rời đi. Chúng tôi đến mộ vua Bảo Đại cúi chào tạm biệt. Khi bước ra đường, một khung cảnh ồn ào đập vào mắt tôi. Sau đó, chúng tôi thả bộ đến một quảng trường lớn nhìn thẳng hướng về ngọn tháp nổi tiếng nhất thế giới. Tại đây, có vô số người nhập cư mưu sinh bằng việc bán quà lưu niệm, chơi nhạc, thậm chí là ăn xin... xen lẫn các du khách đến từ nhiều quốc gia. Trước mắt tôi là bức tranh một Paris hoa lệ, nhưng ở đó vẫn phảng phất những thân phận nghèo.