Chánh án Nguyễn Hòa Bình: 'Roi vọt, trại giam chỉ làm trẻ chai sạn với hình phạt'
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 15:50, 08/06/2024
Chánh án Nguyễn Hòa Bình: 'Roi vọt, trại giam chỉ làm trẻ chai sạn với hình phạt'
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định cần xây dựng một đạo luật riêng về tư pháp người chưa thành niên, gồm các quy định theo hướng nhân văn hơn với đối tượng này.
Sáng 8.6, kỳ họp 7 Quốc hội khóa XV tiếp tục làm việc. Các đại biểu thảo luận tại tổ về dự án luật Tư pháp người chưa thành niên. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình tham gia thảo luận.
Trong dự thảo, TAND tối cao đề xuất nhiều chính sách tư pháp theo hướng có lợi cho người dưới 18 tuổi phạm tội. Điển hình như giảm mức phạt tù tối đa từ 18 năm xuống 15 năm (với người từ 16 đến dưới 18 tuổi), từ 12 năm xuống 9 năm (với người từ 14 đến dưới 16 tuổi), bổ sung hàng loạt biện pháp xử lý chuyển hướng, thủ tục tố tụng thân thiện…
"Cứu các cháu ra khỏi nhà tù", tỷ lệ tái phạm sẽ giảm
Tham gia thảo luận, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, Công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em khuyến cáo các thành viên cần có đạo luật độc lập về tư pháp cho người thành niên. Dù thuộc nhóm tham gia công ước sớm nhất, nhưng đến nay Việt Nam vẫn chưa có. Tại khu vực ASEAN, chúng ta cũng là một trong 2 quốc gia còn lại chưa xây dựng luật này.
Ông Nguyễn Hòa Bình nói, trẻ em thuộc nhóm đối tượng chưa phát triển đầy đủ về tâm sinh lý, kinh nghiệm đời sống, kiến thức pháp luật; khả năng kiểm soát hành vi kém hơn người trưởng thành, thường bốc đồng, thậm chí là manh động. Trong khi đó, hệ thống pháp luật hình sự hiện hành còn quá nặng nề với người chưa thành niên.
Từ thực tiễn trên, dự thảo luật được xây dựng với nhiều chính sách nhân văn, tiệm cận với thông lệ quốc tế. Điển hình như việc không được giam giữ người chưa thành niên với người lớn, thay vào đó phải có trại giam riêng.
Theo Chánh án TAND tối cao, trại giam là nơi giam giữ người phạm tội, có những tội phạm chuyên nghiệp, nếu giam giữ trẻ em trong môi trường này, "có khi đứa trẻ được đào tạo thành tội phạm chuyên nghiệp".
Có ý kiến lo ngại nếu quá nhân văn với người dưới 18 tuổi phạm tội "không khác gì thả tội phạm ra đường", Chánh TAND tối cao dẫn nghiên cứu từ nhiều quốc gia cho thấy, nếu ưu tiên áp dụng các biện pháp chuyển hướng thay vì đưa trẻ vào trại giam, tỷ lệ tái phạm có thể giảm tới 85%.
"Nhà tù không bao giờ được coi là môi trường giáo dục tốt cả", ông Bình khẳng định. Nếu trẻ "hơi có lỗi gì đấy" mà đã sử dụng biện pháp nhà tù, Chánh án TAND tối cho rằng đây không phải là cách làm đúng. Thay vào đó, dự thảo luật tập trung vào các biện pháp xử lý chuyển hướng như cảnh cáo, xin lỗi, đi học tập…, nhằm hạn chế tối đa việc đưa trẻ vào trại giam.
"Roi vọt, trại giam sẽ làm các cháu trở lên chai sạn với hình phạt phạm tội. Từ việc làm quen như vậy sẽ không sợ nữa. Đó là lý do tội phạm tăng", Chánh án TAND tối cao nêu, và nhấn mạnh chỉ áp dụng biện pháp trừng phạt đưa vào nhà tù khi không còn giải pháp nào khác.
"Đừng có hy vọng tù thật nhiều, phạt thật nhiều thì tình hình tội phạm sẽ giảm. Đó là quan điểm sai", ông Nguyễn Hòa Bình nói.
Tư pháp chậm trễ là tư pháp bất công
Dự thảo của TAND tối cao còn quy định: vụ án hình sự có người bị buộc tội là người chưa thành niên và người đã thành niên thì phải tách vụ án đối với người chưa thành niên để giải quyết độc lập.
Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho biết, đa số ý kiến không tán thành đề xuất trên, thay vì quy định bắt buộc thì chỉ nên ưu tiên việc tách vụ án. Bởi lẽ, việc tách vụ án sẽ dẫn đến khó khăn trong đánh giá toàn diện vụ án, đồng thời người chưa thành niên phải tham gia vào quá trình giải quyết cả 2 vụ án, tác động tiêu cực đến tâm lý và sức khỏe.
Nêu quan điểm về nội dung trên, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định việc tách vụ án như đề xuất tại dự thảo là cần thiết.
Ông Bình nói, theo quy định hiện hành, thời hạn điều tra với người chưa thành niên áp dụng theo người trưởng thành. Có những vụ án phải kéo dài trình tự này, "hết 4 tháng, gia hạn thêm 4 tháng, thậm chí 4 tháng nữa".
Nhận định "tư pháp chậm trễ là tư pháp bất công", ông Bình nói nếu không tách vụ án để xử lý độc lập, mà vẫn xử lý chung và kéo dài như trên, trẻ sẽ rơi vào trạng thái tâm lý rất căng thẳng.
Ngược lại, nếu tách vụ án, người chưa thành niên sẽ được áp dụng các thủ tục pháp lý riêng biệt, đảm bảo quyền lợi tốt hơn.
Điển hình, cán bộ điều tra, truy tố, xét xử với nhóm đối tượng này phải có hiểu biết về người chưa thành niên. Việc tiến hành các hoạt động điều tra, xét hỏi phải thực hiện trong môi trường thân thiện.
Hay như việc thông tin liên quan đến hành vi phạm tội của người chưa thành niên cần được bảo mật, nếu công khai sẽ khiến trẻ tự ti, mặc cảm, ảnh hưởng rất lớn đến phần đời sau này…
Chưa kể, tâm lý các cháu. Trong vụ án có người phạm tội chuyên nghiệp, chỉ cần chừng mắt một cái các cháu sẽ ảnh hưởng tâm lý, thậm chí sợ quá có thể nhận tội thay.
Với những đòi hỏi từ thực tiễn nêu trên, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng nếu không tách vụ án mà xử lý chung với người trưởng thành thì rất khó để thực hiện, bảo đảm quyền lợi của người dưới 18 tuổi phạm tội.
Trước lo ngại tách vụ án sẽ khiến người chưa thành niên phải ra tòa 2 lần, một lần với tư cách người phạm tội, một lần với tư cách người làm chứng, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định việc này hoàn toàn có thể khắc phục.
Theo đó, lời khai của trẻ tại phiên tòa độc lập (lần một) sẽ được coi là lời khai đã qua thẩm định, được sử dụng trong phiên tòa xét xử người trưởng thành (lần 2). Cơ quan điều tra cũng có thể lấy lời khai của trẻ từ trước, sau đó công bố tại phiên tòa. Đồng thời, trẻ có thể tham gia phiên tòa dưới hình thức trực tuyến…
Như vậy, trẻ không nhất thiết phải trực tiếp ra tòa lần thứ 2, cũng không lo phải đối mặt trực tiếp với người trưởng thành phạm tội hoặc áp lực tham gia tố tụng.