TP.HCM chạy đua để hiện thực hóa ‘giấc mơ’ thành phố phía đông

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 20:15, 05/06/2020

Việc chuẩn bị thành lập thành phố phía đông đã được TP.HCM gấp rút chuẩn bị từ nhiều năm nay. Đề án này sẽ được TP.HCM trình ra Quốc hội trong năm 2020. Nếu được thông qua, từ năm 2021 trở đi thành phố sẽ bắt tay triển khai.
TP.HCM kỳ vọng đột phá từ thành phố phía đông - Ảnh: Internet

Văn phòng UBND TP.HCM vừa thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tại cuộc họp nghe báo cáo về đề án thành lập thành phố phía đông và đề án không tổ chức HĐND cấp quận, phường diễn ra gần đây.

Theo đó, ông Nguyễn Thành Phong thống nhất tách nội dung đề án thành lập thành phố phía đông và chuyển một số huyện thành quận giai đoạn 2021- 2030 thành 2 nội dung thành phần. Trong đó, ông giao Sở Nội vụ thực hiện cập nhật lồng ghép nội dung thành lập thành phố phía đông trong phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2019 - 2021 để thành lập thành phố phía đông. Chủ tịch UBND TP.HCM lưu ý phải có căn cứ, lý giải thuyết phục về tính hiệu quả của việc sáp nhập 3 quận thành thành phố trực thuộc TP.HCM thay vì thành một quận.

Riêng đề án chuyển một số huyện thành quận giai đoạn 2021 – 2030, ông cũng giao Sở Nội vụ tiếp tục nghiên cứu, thu thập dữ liệu, đảm bảo tính khả thi đề án hoàn thành, trình UBND TP.HCM trong quý 4/2020.

Đáng chú ý, tại cuộc họp kinh tế - xã hội diễn ra chiều 5.6, Chủ tịch UBND TP.HCM cũng chỉ các cấp các ngành cần “chạy đua” theo thời gian để hoàn thành đề án sắp xếp lại đơn vị hành chính quận, phường xã. Hiện tại, Sở Nội vụ đã chuẩn bị xong kế hoạch để báo cáo lên Bộ Nội vụ và lập đề án. Trong tháng 10 năm nay, vấn đề này sẽ được báo cáo tại Quốc hội.

Ông Phong cho biết theo đề án này, TP.HCM sẽ giảm xuống còn 16 quận so với 19 quận hiện hữu. Thành phố sẽ không tổ chức hội đồng nhân dân ở quận, nhưng riêng thành phố phía đông thì vẫn có hội đồng nhân dân. Thành phố phía đông với tâm điểm là quận 2, 9, Thủ Đức sẽ lấy nền tảng là khu đô thị đổi mới sáng tạo. Sau khi thành lập “thành phố trong thành phố”, thành phố này sẽ nhập vào quy hoạch chung.

Việc chuẩn bị thành lập thành phố phía đông đã được TP.HCM gấp rút chuẩn bị từ nhiều năm nay. Năm 2018, thành phố đã tổ chức cuộc thi tuyển quốc tế ý tưởng quy hoạch phát triển khu đô thị sáng tạo tương tác cao TP.HCM, thu hút nhiều chuyên gia quốc tế tham dự.

Trong buổi làm việc giữa Chính phủ và lãnh đạo TP.HCM diễn ra ngày 8.5 vừa qua, đề án này đã nhận được sự ủng hộ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, động lực phát triển kinh tế trong 10 năm tới của TP.HCM chính là khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông thành phố, tích hợp ba lợi thế của 3 quận 2, 9 và Thủ Đức. Trong đó, lợi thế của quận 9 là Khu công nghệ cao, quận Thủ Đức là đào tạo đại học và nghiên cứu khoa học với 15 trường đại học gồm trên 100.000 sinh viên, còn quận 2 là trung tâm tài chính. Khu đô thị này sẽ có quy mô dân số hơn 1 triệu người (chiếm khoảng 10% dân số thành phố), diện tích 21.000ha (chiếm 10% diện tích thành phố).

Nếu sáp nhập 3 quận Thủ Đức, quận 2, quận 9 thành khu đô thị sáng tạo phía đông thì đây sẽ là quả đấm kinh tế, dự báo đóng góp đến 30% GRDP của TP.HCM. Điều này đồng nghĩa thành phố phía đông sẽ đóng góp kinh tế gấp 3 lần so với mức bình quân của toàn thành phố.

Cuối tháng 4 vừa qua, UBND TP.HCM quyết định thành lập ban chỉ đạo về xây dựng đô thị sáng tạo, tương tác cao phía đông thành phố. Ban chỉ đạo gồm 22 thành viên do Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong làm trưởng ban.

Ông Nguyễn Thành Phong cho biết thời gian tới, thành phố sẽ xúc tiến, ký kết hợp đồng với các đơn vị tư vấn để cụ thể hóa ý tưởng thành bộ khung pháp lý về quy hoạch. Thành phố sẽ rà soát cơ sở pháp lý hiện nay, xây dựng các quy định mới, tạo điều kiện thuận lợi nhất hình thành khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông. Đây là tiền đề cho ra đời thành phố phía đông thuộc TP.HCM trong tương lai gần.

Theo lộ trình, đề án khu đô thị sáng tạo phía đông sẽ được TP.HCM trình ra Quốc hội trong năm 2020. Nếu được thông qua, từ năm 2021 trở đi TP.HCM có thể bắt tay triển khai.

Phan Diệu