Bầu cử Nghị viện châu Âu: Phe cực hữu thắng thế

Chuyển động - Ngày đăng : 09:45, 10/06/2024

Theo kết quả sơ bộ, các đảng cực hữu đang thắng thế trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP). Đây là cú sốc đối với các đảng chính thống đang cầm quyền ở châu Âu và có thể gây thêm sự bất ổn cho định hướng tương lai trên lục địa già.
Chuyển động

Bầu cử Nghị viện châu Âu: Phe cực hữu thắng thế

Cẩm Bình 10/06/2024 09:45

Theo kết quả sơ bộ, các đảng cực hữu đang thắng thế trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP). Đây là cú sốc đối với các đảng chính thống đang cầm quyền ở châu Âu và có thể gây thêm sự bất ổn cho định hướng tương lai trên lục địa già.

phe.jpg
Hàng loạt đảng, liên minh cầm quyền tại nhiều nước châu Âu như Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Bỉ, Slovakia và Séc đã phải chịu cú sốc thất bại trong bầu cử Nghị viện châu Âu (EP)

Theo CNN, sau 3 ngày bỏ phiếu ở 27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU), một cuộc thăm dò ý kiến ​​cho thấy các đảng cực hữu dự kiến ​​sẽ giành được khoảng 150 trong số 720 ghế của quốc hội, điều này có thể sẽ khiến các đảng chính thống gặp khó khăn hơn trong việc hình thành đa số cần thiết để thông qua luật.

Hầu hết chiến thắng của phe cực hữu đều diễn ra ở quốc gia giữ lượng lớn ghế như Pháp, Đức, Ý.

Tại Pháp, đảng Mặt trận Quốc gia (RN) cực hữu dự kiến giành được 31,5% số phiếu bầu, gấp đôi đảng Phục hưng của Tổng thống Emmanuel Macron. Đương kim lãnh đạo lập tức giải tán quốc hội để tổ chức một cuộc bầu cử chớp nhoáng (vòng đầu tiên vào ngày 30.6). Chính trị gia lãnh đạo RN Jordan Bardella tuyên bố: “Thất bại chưa từng có với chính phủ đương nhiệm đánh dấu sự kết thúc của một chu kỳ cũng như ngày đầu tiên của kỷ nguyên hậu Macron”.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng hứng chịu thất bại đau đớn khi đảng Dân chủ Xã hội (SD) của ông chỉ có 14% số phiếu bầu – tệ nhất từ trước đến nay. Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) trung lập dẫn đầu với 29,5% phiếu, theo sau là đảng Alternative für Deutschland (AfD) cực hữu với 16,5% phiếu.

Dù đây là bầu cử EP mang tính định hướng về chính trị cho toàn khối trong 5 năm tới, nhưng hoạt động bỏ phiếu ở từng quốc gia thành viên cũng giống như cuộc trưng cầu dân ý với chính phủ cầm quyền. Kết quả báo hiệu rắc rối lớn cho Tổng thống Macron và Thủ tướng Scholz khi nước họ tiến hành bầu cử trong thời gian tới.

Cuối ngày Chủ nhật (9.6), Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tuyên bố đảng Nhân dân châu Âu (EPP) - được dự đoán sẽ giành nhiều ghế nhất - vẫn đủ sức giữ vai trò “mỏ neo của sự ổn định”, nhưng bà vẫn kêu gọi tất cả đồng minh chính trị hành động để ngăn chặn các đảng mang tư tưởng cực đoan.

“Lực lượng trung lập vẫn đang nắm quyền. Tuy nhiên, phe cực hữu lẫn bảo thủ đang nhận được sự ủng hộ. Kết quả như vậy đi kèm với trách nhiệm của lực lượng trung lập”, theo Chủ tịch Leyen.

EU trải qua nhiều biến động kể từ lần bầu cử EP năm 2019. Anh rời khỏi khối vào năm 2022, đến năm 2022 cuộc chiến Ukraine nổ ra khiến khối rơi vào thế đối đầu với Nga. Bên trong khối, phe cánh hữu không ngừng củng cố lực lượng.

Một nghị viện tập hợp nhiều người theo cánh hữu cùng chủ nghĩa hoài nghi sẽ cản trở loạt chương trình nghị sự ôn hòa của EU, đồng thời thúc đẩy lực lượng cánh hữu tại các cường quốc như Đức hay Pháp thêm lớn mạnh. Viện trợ cho Ukraine, trừng phạt áp đặt với Nga, hạn chế nhập cư, chính sách khí hậu, thay đổi chính sách Trung Quốc cũng sẽ đối mặt nguy cơ bị xáo trộn.

Cẩm Bình