Một gam màu khác của Paris và Rome!

Du lịch - Ngày đăng : 14:18, 12/06/2024

Paris và Rome là hai thành phố có nhiều thứ để mê hoặc lòng người. Thế nhưng, ngoài vẻ hào nhoáng lung linh thì thành phố còn có những tệ nạn mà du khách Việt cần biết.
Du lịch

Một gam màu khác của Paris và Rome!

Huy Nguyễn {Ngày xuất bản}

Paris và Rome là hai thành phố có nhiều thứ để mê hoặc lòng người. Thế nhưng, ngoài vẻ hào nhoáng lung linh thì thành phố còn có những tệ nạn mà du khách Việt cần biết.

Euro 2024 sắp diễn ra tại Đức từ 15.6 – 15.7. Thế vận hội mùa hè 2024 (Olymic 2024) sẽ diễn ra tại Paris, Pháp từ ngày 26.7 – 11.8. Thời điểm diễn ra 2 sự kiện này sẽ có rất nhiều du khách Việt đến châu Âu để thưởng thức những trận đấu thể thao đỉnh cao.

Do hộ chiếu châu Âu cho phép du khách được đi nhiều nước trong Liên minh châu Âu, nên từ Đức nhiều người sẽ sang Paris (Pháp) và viếng thăm Roma (Ý). Quả thực, đây là hai thành phố có nhiều thứ để mê hoặc lòng người từ những giá trị xưa cũ đến hiện đại. Mọi thứ ở hai thành phố này rất “long lanh” và hào nhoáng, tuy nhiên, bên cạnh đó còn có một gam màu khác mà du khách cần phải biết và đề phòng, đó là nạn móc túi, lừa đảo.

Bẫy cờ bạc bịp dưới chân tháp Eiffel

Chúng tôi đặt chân đến sân bay quốc tế Charles-de-Gaulle của Paris vào một ngày tháng 3 với tiết trời lạnh nhưng mọi thứ tươi sáng và rất lãng mạn. Tôi không đi theo tour đặt sẵn từ Việt Nam mà mua vé bay sang Paris, rồi đặt một bạn hướng dẫn viên địa phương đưa đi tham quan. Đi theo cách này, tuy không tiết kiệm được nhiều chi phí, nhưng chúng tôi được đi theo lịch trình riêng của mình và đến được những nơi độc đáo, không có trong lịch trình phổ biến của các công ty lữ hành. Phương tiện mà chúng tôi chọn là xe buýt và tàu điện ngầm.

img_0381.jpg
Người vô gia cư ngủ gần chân tháp Eiffel - Ảnh: Nguyễn Huy

Buổi sáng đầu tiên ở Paris, chúng tôi đến đại lộ Champs-Élysées và bách bộ đến Khải Hoàn Môn. Khi đứng ở dưới cổng thành to lớn và chiêm ngưỡng đường nét điêu khắc tinh xảo này, tôi thực sự ngưỡng mộ trí thông minh của con người vào năm 1802. Đó là thời điểm mà kỹ thuật xây dựng còn rất thô sơ so với ngày nay. Rời nơi này, chúng tôi ghé bảo tàng Louvre. Hơn 2 tiếng ở chốn này, chúng tôi chỉ như cưỡi ngựa xem hoa trước vô vàng các cổ vật của nhân loại được trưng bày tại đây. Tôi bị choáng ngợp trước những danh tác hội họa, những bức tượng, những đồ vật có tuổi đời vài trăm năm đến ngàn năm, và lâu hơn nữa. Tôi tự hỏi, nếu có một tháng chỉ để tham quan riêng bảo tàng này một cách đúng mức, thì liệu tôi có nhìn thấy hết được vẻ đẹp đầy bí ẩn của nó không?

Paris thực sự mang những giá trị văn minh vô giá. Đi thuyền dọc sông Seine, cơn gió lành lạnh phủ quanh, nhìn quanh cảnh hai bên, tôi như lạc vào một bản hòa tấu du dương của quá khứ. Bờ sông được xây kiên cố bằng đá đã nhuốm màu thời gian, rong rêu bám dính. Phía sau nó là những công trình kiến trúc kỳ vĩ như nhà thờ Đức Bà Paris, vườn thượng uyển, những nhà thờ hàng trăm năm tuổi, và nhiều công trình kiến trúc cổ kính khác nữa. Tôi cảm thấy mình thật sự đi lạc về dĩ vãng và hiểu vì sao thành phố này đã truyền cảm hứng cho biết bao thi nhân, nghệ sĩ, danh họa sáng tác nên nhiều tác phẩm kinh điển đến thế.

Tàu trở lại bến sông ngay dưới chân tháp Eiffel, chúng tôi đi bộ trở lại bến xe buýt. Chúng tôi thấy một nhóm người đang tụ tập chơi một trò cờ bạc, giống như bầu cua của Việt Nam. Tôi và nhiều người vì hiếu kỳ nên dừng lại xem. Lát sau, có nhiều người bỏ tiền vào đặt cược. Số người chơi ngày càng đông lên sau đó. Tôi lấy điện thoại ra quay lại. Một người đàn ông có vẻ phong trần đến nói với tôi bằng thứ tiếng gì đó mà tôi đoán là ông ta mời tôi đặt tiền vào trò chơi. Trường Đặng, cậu hướng dẫn viên đi chung đã ngăn tôi lại và thì thầm:“Anh đừng chơi, đám này là dân nhập cư giăng bẫy du khách. Những người xung quanh là chim mồi. Rất nhiều người sạch túi vì bọn họ”.

Tôi giật mình nhớ lại cái trò đánh bài cào bẫy người trên xe đò mà tôi thấy ở Việt Nam hồi tôi còn bé. Họ bày ra cuộc chơi và đó chính là một cái bẫy. Chúng tôi đi nhanh trong ánh mắt nhìn “lành lạnh” của người đàn ông. Trên đường đi, chúng tôi thấy một người ăn xin nằm dài trên đường cách tháp Eiffel chỉ vài chục bước chân. Theo Trường Đặng, vấn đề người nhập cư bất hợp pháp đang làm đau đầu các nước châu Âu. Những cư dân bất hợp pháp ấy mưu sinh và ăn ngủ ngoài đường, nhưng cảnh sát không bắt bớ vì rất khó có bằng chứng họ phạm pháp.

Nạn móc túi tại Rome

Trong khi nhiều người chọn cách đi xe buýt từ Pháp sang Ý, còn chúng tôi vì có ít thời gian lưu trú nên chọn máy bay. Chúng tôi đến Venice trước. Thành phố ngập trong nước này đúng là một bức tranh thiên nhiên kết hợp nhân tạo tuyệt mỹ. Những ngôi nhà có kiến trúc đặc biệt, những chiếc xuồng độc mộc kiểu Ý uốn lượn theo những dòng kênh ôm lấy những tòa nhà này khiến tôi xúc động mãnh liệt. Hải sản và rượu vang ở Venice là thứ níu chân du khách. Từ Venice chúng tôi đi xe lửa về Rome. Chúng tôi được dặn dò kỹ lưỡng trước khi ra ga rằng hãy chú ý cao độ bóp tiền và hành lý vì nạn móc túi ở Ý đã nổi tiếng khắp thế giới. Chúng tôi cẩn trọng hết sức lúc chờ ở bến, lúc vào chỗ ngồi thì thoải mái. Xe lửa cao tốc chạy nhanh và êm. Cảnh quang xung quanh phần lớn là đồi núi. Đến bến xe lửa Rome, chúng tôi vẫn đề cao cảnh giác và người đón chúng tôi là một em sinh viên Việt Nam tên Mai Nguyễn. Mai đưa chúng tôi về chỗ trú ngụ rồi cả nhóm đi xe điện ngầm đến đấu trường La Mã.

1-5053-1691470685-1691480132-5682-1691480266.jpg
Bức ảnh nhóm người móc túi (đánh dấu bằng mũi tên đỏ) được hướng dẫn viên chuyên dẫn tour tại Rome Lý Dật Thụ chụp khi đang chờ tàu ở bến Đấu trường La Mã Colosseo - Ảnh: Vnexpress

Mai trông hiền lành đến nhút nhát nhưng giàu kinh nghiệm ở Rome. Em đứng quan sát xung quanh, khi xe đến mọi người chen nhau ào vô, Mai giữ chúng tôi lại. Em nói: “Hãy đợi chuyến sau”, vì có một nhóm móc túi quen mặt đang quan sát chúng tôi, họ vừa ào lên toa tàu điện ngầm. Mai giải thích thêm rằng đa số người châu Á du lịch sang Ý họ mang theo tiền mặt, vì vậy, đây là đối tượng chính của các băng nhóm móc túi. Đám người này đi theo từng nhóm rồi dàn cảnh, va chạm và móc túi “nhanh không tưởng”. Người Âu và Mỹ xài thẻ nên móc được cũng không sử dụng được. Khi vào toa tàu tôi nhận ra rằng có quá đông người đến mức không còn chỗ đứng nên việc móc túi rất dễ dàng.

Theo Mai, các băng nhóm móc túi đều đến từ Đông Âu, chủ yếu là dân Di gan. Họ hành nghề này một cách có tổ chức tinh vi nên cảnh sát cũng bất lực.

Điểm cuối cùng chúng tôi viếng thăm tại Rome là Tòa thánh Vatican, thánh địa của người Công giáo. Có quá nhiều điều kỳ diệu tại đây từ nghệ thuật kiến trúc đến giá trị tâm linh. Tham quan Vatican xong, chúng tôi trở lại Rome. Chúng tôi băng qua một đường hầm để đến tiệm ăn. Tôi thấy vài người đàn bà có vẻ như là dân vô gia cư đang ngồi đọc sách và hút thuốc. Tôi chỉ nhìn lướt qua họ và họ không nhìn chúng tôi. Ăn xong, chúng tôi trở lại đường hầm đó để ra bến xe buýt. Lúc ấy tôi đeo túi cóc trên ngực. Một người đàn bà miệng ngậm thuốc lá, tay cầm chiếc áo chạy lại hướng tôi đang đi. Mắt chị nhìn vào mắt tôi với tia nhìn rất lạ, miệng chị ta nói liên tục gì đó mà tôi không hiểu, hai tay chị chạm liên tục vào ngực tôi. Ánh mắt của chị ta khiến tôi chú ý và phải cố gắng trả lời câu hỏi. Tôi nghĩ chị ấy xin tiền nên lắc đầu. Chị lại nói tiếp và mắt nhìn tôi. Tôi bối rối một chút. Lúc ấy, Mai nói lớn: “Anh cẩn thận coi chừng móc túi”.

Tôi giật mình, sờ lên túi cóc trên ngực thì thấy dây kéo đã tuột ra. May mà tôi để cuốn sổ tay ghi chép chèn trên túi đựng tiền nên không bị mất gì. Những du khách đi phía sau tôi lắc đầu lè lưỡi.

Chuyến đi đã giúp tôi có hai bài học quý tại Paris và Rome. Bây giờ ai đó hỏi tôi có dám quay lại đây không, tôi trả lời nhanh là rất muốn vì còn quá nhiều thứ hay đẹp ở nơi này mà chưa khám phá, và cũng vì, tôi đã có ít nhiều kinh nghiệm ứng phó với bất trắc rồi.

Huy Nguyễn