Apple là thương hiệu đầu tiên vượt mốc 1.000 tỉ USD về giá trị, Nvidia tăng gấp 3 lần
Thế giới số - Ngày đăng : 20:30, 12/06/2024
Apple là thương hiệu đầu tiên vượt mốc 1.000 tỉ USD về giá trị, Nvidia tăng gấp 3 lần
Theo báo cáo của công ty Kantar BrandZ, Apple đã trở thành thương hiệu đầu tiên vượt qua mốc 1.000 tỉ USD về giá trị, tăng 15% so với năm ngoái. Trong khi giá trị thương hiệu của Nvidia tăng gần gấp 3.
Apple giữ vững ngôi vương thương hiệu giá trị nhất thế giới ba năm liên tiếp tính đến 2024, tiếp theo là Google (753) tỉ USD và Microsoft (713 tỉ USD).
Hôm 10.6 theo giờ Mỹ, Apple đã tiết lộ các tính năng AI mới tại hội nghị các nhà phát triển toàn cầu (WWDC), dự kiến sẽ giúp phục hồi nhu cầu với iPhone và đảo ngược tình trạng sụt giảm doanh số sản phẩm bán chạy nhất của hãng do người tiêu dùng hạn chế chi tiêu và các đối thủ trỗi dậy, đặc biệt là Huawei ở Trung Quốc.
"Apple có khả năng cung cấp các sản phẩm, dịch vụ và thông điệp truyền thông phù hợp với người tiêu dùng, tạo ra sự ủng hộ mạnh mẽ của người hâm mộ cho thương hiệu", nhà phân tích Varun Mishra tại hãng nghiên cứu thị trường Counterpoint nhận xét.
Cổ phiếu Apple đã tăng hơn 7% hôm 10.6 lên mức cao kỷ lục là 207,15 USD sau khi công bố các tính năng AI mới. Nhờ đó, vốn hóa thị trường của Apple đã tăng lên 3.180 tỉ USD, vượt qua Nvidia (2.970 tỉ USD) để trở lại vị trí công ty có giá trị lớn thứ hai thế giới và hiện chỉ đứng sau Microsoft (3.220 tỉ USD).
Bắt kịp làn sóng nhiệt tình với AI và nhu cầu chip tăng vọt, Nvidia lần đầu tiên lọt vào danh sách 10 thương hiệu giá trị nhất thế giới của Kantar BrandZ.
"Nvidia, dẫn đầu bởi bố già AI Jensen Huang và là người tạo ra cuộc cách mạng AI này, giờ đây đã trở thành một thương hiệu quen thuộc vì GPU (bộ xử lý đồ họa) của họ là vàng và dầu mỏ mới trong thế giới công nghệ", theo Dan Ives - nhà phân tích tại hãng Wedbush Securities.
Jensen Huang là Giám đốc điều hành Nvidia, hiện có tài sản ròng 106 tỉ USD, theo Bloomberg Billionaires Index (bảng xếp hạng tỉ phú của Nvidia).
Giá trị thương hiệu Nvidia đã tăng hơn 200 tỉ USD so với cùng kỳ năm ngoái, đưa hãng chip lớn nhất thế giới trở thành thương hiệu giá trị thứ 6, Kantar BrandZ cho biết.
"Điều tạo nên sự khác biệt cho Nvidia là niềm tin từ các nhà đầu tư bán lẻ và tổ chức vào vai trò trung tâm của công ty trong những câu chuyện đột phá lớn nhất trong công nghệ", Kantar BrandZ bình luận.
Oracle, hãng cung cấp dịch vụ đám mây nổi tiếng, lần đầu tiên góp mặt trong top 10 của Kantar BrandZ ở vị trí thứ 9. Giá trị thương hiệu Oracle tăng 58% lên 145 tỉ USD.
Kantar BrandZ cung cấp công cụ đo lường toàn cầu để đánh giá giá trị thương hiệu và định lượng mức độ đóng góp của sức mạnh thương hiệu vào hiệu quả tài chính cho doanh nghiệp. Họ thực hiện điều này bằng cách:
- Phỏng vấn hơn 4,3 triệu người tiêu dùng trên 532 danh mục và 21.000 thương hiệu khác nhau trên 54 thị trường.
- Sử dụng kết hợp các phương pháp nghiên cứu, gồm khảo sát trực tuyến, phỏng vấn cá nhân và nhóm thảo luận.
- Phân tích dữ liệu tài chính để hiểu hiệu quả của thương hiệu với doanh thu và lợi nhuận của công ty.
Kết quả của nghiên cứu Kantar BrandZ được công bố hàng năm trong các báo cáo và bảng xếp hạng, cung cấp thông tin chi tiết về giá trị các thương hiệu hàng đầu thế giới lẫn xu hướng thị trường.
Tại WWDC 2024, Apple đã công bố hàng loạt tính năng AI trên các ứng dụng và hệ điều hành, đồng thời hợp tác với OpenAI để đưa ChatGPT và công nghệ khác từ công ty khởi nghiệp này lên các thiết bị của mình.
Apple cho biết xây dựng AI với "quyền riêng tư là cốt lõi" và sẽ kết hợp giữa xử lý trên thiết bị lẫn điện toán đám mây để cung cấp năng lượng cho các tính năng đó.
Gã khổng lồ công nghệ Mỹ đóng gói bộ công cụ AI thành Apple Intelligence và sẽ mang đến trải nghiệm liền mạch với những thứ có sẵn trên thiết bị đầu cuối. Mức độ ứng dụng của AI trên các thiết bị Apple cao hơn so với Android, Windows đã ra mắt trước đó.
So với kính thực tế hỗn hợp Vision Pro ra mắt năm ngoái, Apple Intelligence mang đến sự gần gũi và tính thực tiễn cao hơn.
Giám đốc điều hành Apple - Tim Cook gọi đây là hệ thống trí thông minh cá nhân, giúp thiết bị trở nên hữu ích và thú vị hơn. Craig Federighi, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách Kỹ thuật Phần mềm của Apple, gọi Apple Intelligence là "AI cho phần còn lại của chúng ta". Từ khóa mà các lãnh đạo Apple muốn nhấn mạnh ở đây là khả năng xử lý tự động trên thiết bị đầu cuối gồm iPhone, iPad và MacBook. Apple làm được điều này bởi họ quản lý từ phần cứng đến hệ điều hành.
Nguồn dữ liệu phục vụ Apple Intelligence được lấy từ chính thiết bị của người dùng. Hãng thiết kế công cụ để thực hiện những tác vụ rắc rối mà khách hàng phải thực hiện hàng ngày. Các giải pháp AI di động trước đó chưa thể chạm đến điều này. Công cụ gần giống nhất là Recall của Microsoft, nhưng nó chỉ dừng lại ở việc tìm kiếm.
Tuy nhiên, việc AI có quyền tiếp cận luồng thông tin cá nhân tạo ra mối lo về bảo mật dữ liệu. Nổi tiếng với việc tập trung vào sự an toàn của người dùng, Apple cũng báo hiệu rằng có kế hoạch tạo sự khác biệt với các đối thủ Microsoft và Google bằng cách đặt quyền riêng tư "làm cốt lõi" trong các tính năng của mình.
Apple đảm bảo việc xử lý hầu hết tính năng của Apple Intelligence chỉ diễn ra trên thiết bị để tránh rò rỉ thông tin, trừ một số tác vụ phức tạp, yêu cầu năng lực xử lý mạnh hơn mới được đưa lên đám mây.
Từ lâu đã phản đối việc xử lý dữ liệu người tiêu dùng trên nền tảng đám mây vì những lo ngại về quyền riêng tư, Apple cho biết cách tiếp cận của họ sẽ mang lại nhiều biện pháp bảo vệ quyền riêng tư hơn khi lên kế hoạch sử dụng chip nội bộ trong các trung tâm dữ liệu kèm theo các tính năng bảo mật.
Để hỗ trợ các tính năng AI, Apple sẽ kết hợp xử lý trên thiết bị và điện toán đám mây. Điều đó đồng nghĩa các tính năng AI mới sẽ chỉ có trên những chiếc iPhone mới là iPhone 15 Pro cũng như dòng iPhone 16 trở về sau.
Apple cho biết việc tích hợp ChatGPT sẽ ra mắt vào cuối năm nay và các tính năng AI khác sẽ trình làng sau đó, đồng thời cho biết thêm rằng có thể truy cập chatbot của OpenAI miễn phí và thông tin người dùng sẽ không được ghi lại.
Giải pháp của Apple vẫn được xây dựng trên xu hướng AI tạo sinh và các ứng dụng của nó. Tuy nhiên, Apple Intelligence được tích hợp sâu và hữu dụng hơn hẳn, nhờ khả năng khai thác và tương tác với nhiều ứng dụng trên các thiết bị.
Vẫn dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn (công nghệ làm nền tảng cho AI tạo sinh), công ty tối ưu hóa Apple Intelligence bằng cách tích hợp sâu AI vào các ứng dụng của họ.
Ví dụ, Smart Reply có cốt lõi vẫn là một mô hình khởi tạo văn bản từ câu lệnh. Tuy nhiên, giải pháp lại nằm trong ứng dụng Mail mặc định trên iPhone, cho người dùng lấy tùy chọn như đáp án trắc nghiệm thay vì phải gõ. Mỗi khi bổ sung thông tin, mẫu phản hồi được tùy chỉnh ngay lập tức. Cách tương tác mà Apple cung cấp đơn giản và hiệu quả hơn hẳn phương pháp AI truyền thống.
Một ứng dụng khác là tổng hợp email. Phải kiểm tra lượng lớn thư điện tử mỗi ngày là vấn đề với nhiều người, nhưng những bộ lọc của Gmail hay Outlook không hoàn toàn đáng tin cậy. Apple cung cấp giải pháp dùng AI tổng hợp nội dung email tự động, chỉ cần lướt qua cũng nắm đầy đủ thông tin để dễ dàng phân loại.
Giải pháp tương tự cũng được áp dụng cho phần thông báo. Toàn bộ nội dung của các cuộc trò chuyện nhóm dài sẽ được tóm tắt trong vài dòng để người dùng nắm rõ. Điều tưởng chừng đơn giản này sẽ giúp tiết kiệm thời gian cho nhiều người.
AI cũng hiểu nội dung thông báo, để cung cấp các nội dung quan trọng, ngay cả lúc thiết bị được đặt ở chế độ Tập trung, Không làm phiền.
Ngoài các giải pháp mới, Apple Intelligence cũng học hỏi không ít tính năng đã phổ biến trước đó ở Microsoft Copilot hay Galaxy AI. Công cụ hỗ trợ soạn thảo nội dung với câu lệnh có sẵn, cho phép lựa chọn văn phong phù hợp nhu cầu. Tóm tắt nội dung hay sửa lỗi chính tả cũng cũng nằm trong khả năng của các AI tạo sinh hiện đại.
Tính năng nghe bản ghi âm, cuộc gọi để chuyển thành văn bản trên iOS 18 đã có mặt trước đó trong Galaxy AI của Samsung.
Việc tạo ảnh, tùy biến sticker là những giải pháp thú vị trên Apple Intelligence, nhưng mức độ ứng dụng không cao.
Tại WWDC 2024, các lãnh đạo Apple, gồm cả Tim Cook, đã giới thiệu cách trợ lý giọng nói Siri có thể tương tác với tin nhắn, email, lịch cũng như các ứng dụng của bên thứ ba. Siri sẽ có thể viết email và thay đổi giọng nói cho phù hợp với hoàn cảnh.
Siri được cải tiến sẽ có nhiều quyền kiểm soát hơn, giúp thực hiện những việc đã được chứng minh là khó khăn trong quá khứ vì trợ lý này cần hiểu chính xác ý định của người dùng cũng như cách ứng dụng hoạt động.
Ngoài ra, Siri sẽ khai thác kiến thức chuyên môn của ChatGPT và xin phép người dùng trước khi truy vấn dịch vụ OpenAI như một phần trong mối quan hệ hợp tác giữa Apple với công ty khởi nghiệp được Microsoft hậu thuẫn. Đó là một tính năng bảo mật mà Apple nhấn mạnh.
Apple Intelligence hỗ trợ chip A17 Pro của iPhone 15 Pro/Pro Max, A18 Pro trên dòng iPhone 16 sắp ra mắt cùng toàn bộ dòng chip M trên iPad và MacBook, nhưng hiện chỉ cung cấp tùy chọn tiếng Anh.