'Bạn đang nghịch gì với đời mình': Đi tìm căn nguyên của mọi nỗi lo sợ
Văn hóa - Ngày đăng : 10:40, 13/06/2024
'Bạn đang nghịch gì với đời mình': Đi tìm căn nguyên của mọi nỗi lo sợ
Bạn có biết nỗi sợ đã làm gì chúng ta không? Nó che mờ và khiến tâm trí chúng ta trở nên trì độn. Vì sợ hãi mà ta đâm ra bạo lực. Vì sợ hãi mà ta bắt đầu tôn sùng một điều gì đó.
Có những nỗi sợ bên ngoài như sợ thất nghiệp, sợ nghèo đói, sợ đánh mất địa vị, sợ bị sếp đối xử tệ bạc. Và rất nhiều nỗi sợ bên trong, như sợ mình không thật sự hiện hữu, sợ gặp phải thất bại, sợ cái chết, sợ cô đơn, sợ mình không được yêu thương, sợ sự chán chường đến tột cùng…
Phản ứng thường gặp ở động vật
Chúng ta được thừa hưởng rất nhiều đặc tính của động vật, một phần lớn trong cấu trúc não bộ của chúng ta là di sản kế thừa từ động vật. Đây là một sự thật mang tính khoa học, không phải là một lý thuyết.
Động vật hung dữ, và con người cũng vậy. Động vật rất háu đói, chúng thích được vuốt ve, cưng nựng, được tận hưởng cảm giác dễ chịu, và con người cũng vậy. Động vật sống theo bầy đàn, con người thì thích là thành viên của một nhóm. Động vật có một cấu trúc xã hội, và con người cũng thế. Chúng ta có thể kể chi tiết hơn nữa về vô số điểm tương đồng giữa con người và động vật, nhưng điều quan trọng ở đây là ta nhận ra được loài người chúng ta sở hữu rất nhiều đặc tính bắt nguồn từ động vật.
Liệu chúng ta có thể được tự do khỏi những đặc tính có nguồn gốc từ động vật, thậm chí vượt qua chúng hay không? Để khám phá ra một chiều kích hoàn toàn khác biệt, ta phải thoát khỏi sự sợ hãi trước đã.
Người ta phải được tự do khỏi nỗi sợ, đó là một trong những việc khó khăn nhất bạn phải làm. Hầu hết chúng ta không nhận biết được rằng lúc nào thì chúng ta sợ hãi, và sợ hãi điều gì; và cho dù biết được thì chúng ta lại không rõ phải ứng phó như thế nào. Do đó, chúng ta chạy trốn khỏi chính mình, cũng là nỗi sợ hãi; không may là ta chạy càng xa thì nỗi sợ càng gia tăng.
Nỗi lo sợ – sợ khi nghĩ đến tương lai, sợ mất việc, sợ cái chết, sợ bệnh tật, sợ khổ đau… đã đến với ta như thế nào? Nỗi lo sợ bao hàm một tiến trình suy nghĩ về tương lai hay về quá khứ. Tôi lo sợ về ngày mai và về những gì có thể xảy ra. Tôi lo sợ về cái chết dù vẫn đang cách xa nó một khoảng nhất định. Nỗi lo sợ luôn tồn tại trong mối tương quan; thế nên người ta lo sợ về ngày mai, vì những gì đã xảy ra và vì cả những gì sẽ xảy ra. Vậy đâu là nguồn gốc của nỗi lo sợ?
Nguồn gốc của nỗi sợ
Nếu tôi nghĩ về chuyện mình thất nghiệp hoặc có thể thất nghiệp, chính ý nghĩ đó tạo ra nỗi lo sợ của tôi. Tôi nghĩ về căn bệnh mà mình từng mắc phải và tôi sợ phải đối diện với cảm giác đau đớn đó lần nữa. Khi ta có một trải nghiệm xấu, việc nghĩ về nó và không muốn nó lặp lại đã tạo ra nỗi lo sợ. Đó là do nỗi lo sợ vốn liên quan mật thiết đến cảm giác thỏa mãn. Phần lớn chúng ta bị dẫn dắt bởi sự thỏa mãn; đối với chúng ta, cũng như đối với các loài động vật, cảm giác thỏa mãn là điều quan trọng bậc nhất và nó cũng là một phần của suy nghĩ.
Khi ta nghĩ về điều đã khiến chúng ta thỏa mãn, cảm giác thỏa mãn ấy càng được gia tăng. Chẳng hạn sau khi bạn trải nghiệm cảm giác hài lòng – trong một chiều hoàng hôn đẹp đẽ hoặc một hoạt động tình dục chẳng hạn – bạn nhớ về nó và điều này làm dấy lên cảm giác thỏa mãn, cũng giống như khi bạn nhớ về nỗi đau đớn và cảm thấy lo sợ. Vậy, chẳng phải ý nghĩ tạo ra cảm giác thỏa mãn và nỗi lo sợ đấy sao? Người ta hoàn toàn có thể nhận ra điều này khi nhìn vào trải nghiệm thực tế.
Đối với chúng ta, ý nghĩ rất quan trọng, đó là phương tiện duy nhất mà chúng ta có. Ý nghĩ là sự hồi đáp của ký ức được tích lũy qua kinh nghiệm, kiến thức, và truyền thống; ký ức lại là kết quả của thời gian. Với nền tảng này, chúng ta phản ứng và phản ứng đó là sự suy nghĩ. Nhưng khi ý nghĩ phóng chiếu chính nó thành tương lai và quá khứ trong tâm lý của bạn, thì kéo theo đó là nỗi lo sợ cũng như cảm giác thỏa mãn.
Vì tiến trình này mà tâm trí trở nên trì độn, và trạng thái thụ động là điều khó tránh khỏi. Nỗi lo sợ được mang đến bởi ý nghĩ, về sự thất nghiệp, về việc vợ tôi sẽ bỏ đi theo người khác, về cái chết, về chuyện đã xảy ra… Liệu ý nghĩ có thể dừng việc suy nghĩ về quá khứ hoặc tương lai trong tâm tưởng như một cách tự phòng vệ hay không?
Người ta tự hỏi liệu mình có thể chấm dứt suy nghĩ để sống một cách toàn vẹn, đầy đủ hơn hay không. Vậy bạn đã bao giờ để ý đến những lúc bạn dành hết tâm sức để làm một việc gì đó chưa? Khi bạn đặt trọn tâm trí mình vào đó thì không hề có chủ thể quan sát, do đó không hề có một người suy tưởng nào và cũng không hề tồn tại một trọng tâm quan sát nào cả.
Khi bạn có được sự chú ý toàn diện và cao độ như thế thì không còn tồn tại một chủ thể quan sát nào để nuôi dưỡng nỗi lo sợ nữa. Chủ thể quan sát chính là trung tâm của ý nghĩ, đó là tôi, là bản ngã; chủ thể đó đóng vai trò kiểm duyệt. Nếu không có suy nghĩ thì sẽ không có chủ thể quan sát; đó không phải là một trạng thái trống rỗng mà đòi hỏi ở ta một trình độ chất vấn nhất định – đừng bao giờ dễ dàng chấp nhận bất cứ điều gì.
Sự lệ thuộc vào sự vật xung quanh, lệ thuộc vào người khác hay vào những ý tưởng sẽ nuôi dưỡng nỗi lo sợ; sự lệ thuộc phát sinh từ sự thiếu hiểu biết chính mình, từ sự nghèo nàn của tâm hồn. Nỗi lo sợ khiến tâm hồn luôn bất an, nó ngăn cản quá trình giao tiếp và tìm hiểu. Nhờ tự nhận thức về chính mình mà chúng ta bắt đầu khám phá để từ đó hiểu được căn nguyên của nỗi lo sợ, không chỉ trên bề mặt mà còn từ sâu thẳm bên trong.
Nỗi lo sợ vừa tự nó sinh sôi, vừa được tích lũy dần theo thời gian; vì nó liên hệ với quá khứ nên để suy nghĩ có thể tự do thì quá khứ phải được nhận thức thông qua hiện tại. Quá khứ sinh ra hiện tại và trở thành những ký ức đồng nhất với cái tôi và cái của tôi. Cái tôi ấy chính là căn nguyên của mọi nỗi lo sợ.