Trình Quốc hội quyết định tiếp tục giảm 2% thuế GTGT đến hết năm 2024
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 16:27, 13/06/2024
Trình Quốc hội quyết định tiếp tục giảm 2% thuế GTGT đến hết năm 2024
Ngày 13.6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí trình Quốc hội về việc tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ nay đến hết năm 2024 đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra về dự thảo nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế GTGT, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số nội dung.
Cụ thể: Sự cần thiết, căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn để ban hành nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế GTGT; đối tượng, phạm vi áp dụng; định mức giảm, thời gian giảm, hiệu lực thi hành tổ chức thực hiện.
Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định giảm thuế GTGT theo tờ trình số 300 ngày 8.6.2024 của Chính phủ.
Ông Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của cơ quan thẩm tra để báo cáo bổ sung, hoàn thiện dự thảo nghị quyết, tăng sự thuyết phục của việc giảm thuế trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý quá trình tổ chức thực hiện chính sách bảo đảm mục tiêu đề ra, không để xảy ra khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; chịu trách nhiệm điều hành thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, không ảnh hưởng đến dự toán thu và bội chi ngân sách nhà nước năm 2024 theo nghị quyết của Quốc hội; bảo đảm nguồn thu cho các nhiệm vụ chi đã được dự toán, cũng như yêu cầu cấp bách phát sinh; thực hiện đúng tiến độ, chỉnh sửa, bổ sung các luật thuế để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng, đáp ứng chiến lược cải cách thuế, trong đó có thuế GTGT.
Đặc biệt, Phó chủ tịch Quốc hội lưu ý quan điểm sửa đổi, bổ sung các luật thuế phí theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, gắn với cơ cấu lại nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế; áp dụng mức thuế suất hợp lý, định hướng tiến tới áp dụng một mức thuế suất và thực hiện tăng thuế theo lộ trình.
Theo dự thảo nghị quyết mà Chính phủ đề xuất, phạm vi áp dụng về giảm thuế giá trị gia tăng là giảm 2% thuế suất thuế GTGT, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội thống nhất với đề xuất tiếp tục cho phép áp dụng chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT với hình thức và phạm vi như nội dung thể hiện tại Nghị quyết số 110/2023/QH15 của Quốc hội. Thời hạn áp dụng chính sách từ ngày 1.7.2024 đến hết ngày 31.12.2024.
Theo số liệu của Bộ KH-ĐT, trong quý 1/2024, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là gần 74.000, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số rất đáng lo ngại, bởi doanh nghiệp chính là nguồn thu lâu dài của ngân sách nhà nước, là động lực của tăng trưởng kinh tế.
Hơn nữa, các dự báo đều có chung nhận định, tình hình thế giới và khu vực còn nhiều bất ổn, diễn biến phức tạp. Ở trong nước, nền kinh tế lẫn doanh nghiệp vẫn tiếp tục đối diện nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh đó, tổng cầu tiêu dùng trong nước được xem là động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do đó, cần tiếp tục có giải pháp về chính sách tài chính để thúc đẩy tổng cầu này. Việc thực hiện chính sách giảm 2% thuế GTGT đã cho thấy rõ tác động tích cực và đa chiều của chính sách này đối với doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế.
Mới đây, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đưa ra kiến nghị, giảm thuế GTGT xuống 8% đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ, thay vì chỉ một số hàng hóa, dịch vụ như trước đây. Lý do đưa ra là nhiều doanh nghiệp, cơ quan chức năng khó xác định hàng hoá, dịch vụ của doanh nghiệp thuộc mức thuế 8% hay 10%, điều này gây khó cho doanh nghiệp và làm gia tăng chi phí.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% rất phù hợp.
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng đây là chính sách tác động đa mục tiêu, bên cạnh việc hỗ trợ thúc đẩy cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ trong nước thì còn giúp ổn định kinh tế vĩ mô, giúp tạo thêm các nguồn lực cho doanh nghiệp vốn đang khó khăn.
Ngoài ra, việc giảm thuế GTGT cũng giảm áp lực cho người lao động thu nhập thấp, những người nghèo trong bối cảnh giá cả tăng lên.