Meta muốn giảm bớt hàng chục phó chủ tịch, quản lý cấp cao chịu áp lực vì Mark Zuckerberg
Thế giới số - Ngày đăng : 18:00, 13/06/2024
Meta muốn giảm bớt hàng chục phó chủ tịch, quản lý cấp cao chịu áp lực vì Mark Zuckerberg
Meta Platforms đang tìm cách giảm bớt hàng chục phó chủ tịch của mình, theo ba nguồn tin thân cận với trang Insider.
Mark Zuckerberg, Giám đốc điều hành Meta Platforms, đang biến chiến lược "năm hiệu quả" thành một phần vĩnh viễn trong cách vận hành công ty. Các nhà quản lý sẽ không được bảo vệ khỏi các tiêu chuẩn đánh giá hiệu suất khắt khe hơn và những đợt tái tổ chức liên tục dẫn đến việc cắt giảm nhân sự theo từng đợt.
Số lượng phó chủ tịch tại Meta Platforms đạt đỉnh vào năm 2023 với khoảng 300 cá nhân có chức danh đó, theo nguồn tin của trang Insider. Con số này tăng từ khoảng 180 cá nhân trong những năm trước.
Một số ít phó chủ tịch năm ngoái rời Meta Platforms trước thềm làn sóng sa thải hàng loạt thứ hai. Mark Zuckerberg đang tìm cách giảm tổng số phó chủ tịch tại Meta Platforms xuống gần mức 250 người. Điều đáng nói là có 5 cấp độ phó chủ tịch ở công ty mẹ Facebook.
"Mục tiêu tổng thể vẫn là giảm số lượng người ở cấp trung và cấp cao, tăng số lượng người ở cấp thấp hơn. Công ty lại đang trở nên nặng nề ở cấp trung và cấp cao", nguồn tin của trang Insider cho hay.
Người phát ngôn Meta Platforms từ chối bình luận, trích dẫn các bình luận công khai trước đó của Mark Zuckerberg về việc nỗ lực cải thiện hiệu quả trong công ty.
Năm ngoái, Mark Zuckerberg tuyên bố ông không còn muốn một công ty "toàn là người quản lý" và Meta Platforms đã tiến hành "làm phẳng" một số cấu trúc báo cáo.
Song trong năm 2023, Meta Platforms vẫn tiếp tục thực hiện cái gọi là "thăng tiến chậm". Trong đó những người được thăng chức lên cấp bậc mới thường làm việc một năm ở vai trò đó trước khi chức danh của họ thay đổi. Điều này dẫn đến sự tăng số lượng trong hàng ngũ quản lý và điều hành mà không hoàn toàn được lên kế hoạch trong kỷ nguyên mới của "năm hiệu quả", hai người quen thuộc cho biết.
Số lượng phó chủ tịch ở Meta Platforms đang giảm dần thông qua các đợt hiệu chỉnh giữa năm (các đợt đánh giá hiệu suất mềm diễn ra giữa năm tại Meta Platforms) và quy trình đánh giá hiệu suất chính thức diễn ra mỗi năm một lần, thường là vào quý 1.
Các phó chủ tịch Meta Platforms phải tuân theo "xếp hạng chồng chéo", một quy trình phổ biến trong lĩnh vực công nghệ, trong đó đồng nghiệp được đánh giá dựa trên nhau để xem ai có thành tích tốt hơn. Công việc và tác động của họ đang được "thực sự kiểm tra kỹ lưỡng", theo một nguồn tin khác của Insider.
Họ cũng phải tuân theo một yêu cầu toàn công ty về đánh giá hiệu suất, theo đó các nhà quản lý phải xếp từ 10% đến 12,5% nhân viên trong nhóm của họ vào danh mục hiệu suất thấp hơn, thường dẫn đến việc phải tham gia kế hoạch cải thiện hiệu suất (PIP).
Dù Meta Platforms đã giảm số lượng nhân viên có hiệu suất thấp hơn so với thời kỳ cắt giảm nhân sự hàng loạt (14,5% đến 16,5%), tỷ lệ này vẫn chưa trở về mức thấp như trước khi thực hiện sa thải (7% đến 10,5%).
Đánh giá hiệu suất thấp hơn như vậy thường dẫn đến việc bị sa thải. Trong trường hợp một số phó chủ tịch thì sẽ nhận thông báo trước rằng vị trí của họ sắp bị loại bỏ.
"Một số người rời đi vì có việc khác, một số người bị sa thải vì hiệu suất kém. Một số người đang gặp khó khăn với những thay đổi hoặc gặp rắc rối vì các ưu tiên công việc thay đổi liên tục, dẫn đến khó khăn trong việc tập trung và hoàn thành nhiệm vụ của mình", một trong những người quen thuộc với vấn đề tiết lộ.
Mark Zuckerberg nêu lý do nhiều hãng công nghệ sa thải nhân viên
Mark Zuckerberg đưa ra lý thuyết giải thích tại sao việc sa thải nhân viên công nghệ không dừng lại: Các công ty đang nhận ra rằng dù đau đớn nhưng việc trở nên “tinh gọn” hơn cũng có những lợi ích.
Trong cuộc phỏng vấn trên podcast Morning Brew Daily hồi tháng 2, Mark Zuckerberg cho biết các công ty vẫn đang điều chỉnh để thích nghi với thời kỳ hậu đại dịch COVID-19.
Trong thời kỳ đại dịch COVID-19, doanh số bán lẻ trực tuyến tăng vọt, điều này đã mang lại lợi nhuận lớn cho quảng cáo trực tuyến. Song khi người tiêu dùng bắt đầu quay trở lại mua sắm tại cửa hàng và nền kinh tế bắt đầu thích ứng với sự biến động cùng thách thức mà đại dịch tạo ra, sự tăng trưởng doanh số bán hàng giảm và giá quảng cáo trở lại mức bình thường. Nhiều công ty, gồm cả Meta Platforms, nhận ra rằng đã tuyển dụng quá mức và phải thực hiện các đợt cắt giảm nhân sự lớn.
Đó là làn sóng sa thải nhân viên đầu tiên.
“Về việc sa thải nhân viên và những thứ tương tự, tôi thực sự nghĩ rằng nguyên nhân nhiều hơn là do các công ty đang cố gắng thích ứng để vượt qua những khó khăn và thay đổi do tác động từ đại dịch COVID-19”, Mark Zuckerberg trả lời trong cuộc phỏng vấn khi được hỏi liệu việc sa thải có liên quan đến sự bùng nổ trí tuệ nhân tạo (AI) hay không.
Mark Zuckerberg nói rằng các công ty ban đầu không muốn thu hẹp quy mô nhân viên vì tuyển dụng quá nhiều, nhưng giờ đây họ nhận ra rằng việc tinh gọn hơn có thể mang lại lợi ích.
Theo Giám đốc điều hành Meta Plaforms, nhiều hãng công nghệ cuối cùng hiểu rằng việc thực hiện cắt giảm nhân sự không phải là dấu hiệu cho sự kết thúc hay thất bại, mà ngược lại có thể mang lại những lợi ích và làm cho bộ máy trở nên linh hoạt và hiệu quả hơn.
Tỷ phú 40 tuổi người Mỹ nói trong cuộc phỏng vấn: “Rõ ràng là rất khó khăn, Meta đã chia tay rất nhiều người tài năng mà chúng tôi quan tâm. Song ở một khía cạnh nào đó, việc trở nên tinh gọn hơn thực sự lại giúp công ty hoạt động hiệu quả hơn”.
Sau khi Meta Platforms cắt giảm hàng chục ngàn nhân viên bắt đầu từ “năm hiệu suất (2023)” của Mark Zuckerberg, cổ phiếu công ty đã trở lại với mức cao nhất từ trước đến nay.
Mark Zuckerberg đã cắt giảm các lớp quản lý như một phần của nỗ lực nâng cao hiệu quả này. Instagram đang loại bỏ những người quản lý chương trình kỹ thuật và vai trò đó cũng đang bị cắt giảm trên các bộ phận khác của Meta Platforms.
Trong podcast Morning Brew Daily, Mark Zuckerberg cho biết các công ty ngày nay vẫn đang trong giai đoạn suy nghĩ về tính hiệu quả. Nhiều hãng đang cân nhắc việc tái cơ cấu công ty, san phẳng các cấp quản lý và chuyển sang mô hình tinh gọn hơn.
Các công ty như Microsoft và Google tiếp tục thu hẹp quy mô dù có doanh thu vững chắc. Một số giám đốc điều hành, gồm cả ở Amazon, đã đề cập đến kế hoạch tái cơ cấu công ty và đầu tư vào các lĩnh vực có AI.
Thế nhưng, Mark Zuckerberg không nghĩ AI là một yếu tố lớn dẫn đến quá trình điều chỉnh và cắt giảm nhân sự hiện tại.
“Ít nhất với chúng tôi, AI không phải là động lực chính cho điều đó. Đầu tiên là việc tuyển dụng quá mức so với nhu cầu thực tế của công ty và sau đó là cảm giác như chúng ta hãy làm công việc tốt nhất có thể bằng cách tạo ra một công ty tinh gọn", ông nói.