Đường vành đai 4 vùng thủ đô đang bị vướng giải phóng mặt bằng

Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 17:20, 13/06/2024

Hiện nay, dự án đường vành đai 4 vùng thủ đô còn vướng mắc về giải phóng mặt bằng, nhà thầu phải thi công cầm chừng nên ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Hạ tầng và bất động sản

Đường vành đai 4 vùng thủ đô đang bị vướng giải phóng mặt bằng

Tuyết Nhung {Ngày xuất bản}

Hiện nay, dự án đường vành đai 4 vùng thủ đô còn vướng mắc về giải phóng mặt bằng, nhà thầu phải thi công cầm chừng nên ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Ngày 13.6, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng - Trưởng ban Chỉ đạo dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 vùng thủ đô kiểm tra tình hình thi công dự án trên.

Dự án thành phần 2.1 đầu tư xây dựng hệ thống đường song hành (đường đô thị) với tổng chiều dài 58,2km. Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.Hà Nội (Ban QLDA), đến nay tiến độ triển khai dự án cơ bản đáp ứng yêu cầu, tuy nhiên, đối với phạm vi xử lý nền đất yếu chưa được bàn giao mặt bằng (đất nông nghiệp, đất ở, đất nhà xưởng, mộ chí, hạ tầng ngầm - nổi hiện trạng... trên địa bàn quận Hà Đông và huyện Thanh Oai) rất khó đảm bảo tiến độ hoàn thành công tác đắp gia tải của các đoạn xử lý đất yếu trước mùa mưa năm 2024.

du-an-vanh-dai-4.jpg
Dự án đường vành đai 4 vùng thủ đô còn vướng mắc về giải phóng mặt bằng - Ảnh: IT

Cụ thể, đối với phạm vi trên địa bàn các huyện Sóc Sơn, Mê Linh đã được bàn giao mặt bằng, không vướng công trình hạ tầng kỹ thuật và không phải xử lý nền đất yếu, Ban QLDA đã chỉ đạo các nhà thầu tập trung thi công đồng loạt các mũi ngay từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và phấn đấu đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo. Còn đối với phạm vi xử lý nền đất yếu, xác định việc hoàn thành xử lý nền đất yếu là đường găng, mốc tiến độ quan trọng của dự án, Ban QLDA đã chỉ đạo các nhà thầu tập trung thi công hạng mục đắp cát trong tháng 6 và cố gắng hoàn thành công tác gia tải trong tháng 7.2024.

Về tiến độ công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), đối với đất nông nghiệp, đến nay cơ bản đáp ứng tiến độ (trừ phạm vi phải xử lý nền đất yếu chưa GPMB), tuy nhiên GPMB đất ở, tái định cư và di chuyển công trình ngầm - nổi chưa đáp ứng theo tiến độ chỉ đạo.

Hiện tại các địa phương chưa hoàn thành lựa chọn nhà thầu di chuyển ngầm - nổi dẫn đến không thể áp dụng được cơ chế đặc thù về chỉ định thầu của dự án theo nội dung tại Nghị quyết số 56 của Quốc hội. Về công tác di chuyển điện cao thế, đến nay Ban QLDA chưa triển khai công tác di chuyển các tuyến cáp điện, đấu nối đóng điện đáp ứng tiến độ.

Đối với đất ở, đất nông nghiệp và di chuyển mộ của các địa phương, đến nay dự án đã GPMB được 774,26/791,21ha (đạt 97,86%), tăng thêm được 10,4ha, tương đương 1,32%; di chuyển 10.104/10.346 ngôi mộ, tăng di chuyển thêm 2.205 ngôi mộ (còn lại 242 ngôi mộ); hoàn thành 13/13 khu tái định cư (tăng thêm được 12 khu) và một số địa phương đã phê duyệt giá đất đầu đi - đầu đến, thực hiện tái định cư cho các hộ dân.

Sở Tài nguyên - Môi trường đã phê duyệt phương án cắm mốc, Ban QLDA đã tổ chức cắm mốc và bàn giao mốc cho các địa phương vào ngày 11.1.2024. Các địa phương đã thu hồi và phê duyệt được 1,368/9,96ha và diện tích còn lại các địa phương đang triển khai công tác lập phương án bồi thường hỗ trợ.

Đối với công tác di chuyển hạ tầng kỹ thuật, công trình ngầm - nổi, hiện nay, ngoài huyện Sóc Sơn đã hoàn thành lựa chọn nhà thầu di chuyển, các huyện Mê Linh, Đan Phượng, Thường Tín đang lựa chọn nhà thầu, các địa phương còn lại vẫn chưa tiến hành lựa chọn nhà thầu. Ban QLDA đã khởi công di chuyển tuyến cáp điện cao thế từ tháng 1.2024, đã nhận mặt bằng và hoàn thành 14/36 vị trí móng cột cần thu hồi đất bổ sung.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng ghi nhận, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và nỗ lực việc GPMB, thi công đường vành đai 4 của các đơn vị, địa phương với khối lượng công việc rất lớn. Tuy nhiên, đến nay kết quả chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương đều phải tiếp tục vào cuộc mạnh mẽ, đã quyết liệt rồi, phải quyết liệt hơn nữa.

Nhấn mạnh những khó khăn trong phần còn lại của công tác GPMB, đặc biệt là liên quan đến đất ở, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng lưu ý các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện với tinh thần bảo đảm nơi ở mới phải bằng và hơn nơi ở cũ để người dân yên tâm. Công tác GPMB hiện nay có vướng mắc chính là cơ chế chính sách và thủ tục hành chính nên để tháo gỡ phải tập trung vào 2 vấn đề này, phải tập trung, tạo bước đột phá từ 2 vướng mắc này.

Về các nhiệm vụ cụ thể, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng yêu cầu các địa phương phải tập trung GPMB dứt điểm 242 ngôi mộ còn lại để bảo đảm tiến độ thi công đường song hành; tiếp tục giải quyết các vướng mắc, chế độ, xác định xong đầu đi, đầu đến đối với các trường hợp đất ở, tinh thần là bảo đảm đầy đủ chế độ chính sách, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân. Các sở ngành phải chủ động vào cuộc, tháo gỡ vướng mắc, không để công việc chậm trễ kéo dài vì chủ quan.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị các đơn vị tiếp tục đẩy nhanh các phần việc, chủ động phối hợp với các bộ ngành, địa phương để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn GPMB các công trình ngầm - nổi, nhất là đường dây 500kV, phấn đấu xong trong quý 3 năm nay.

Đối với đường song hành, ông Dũng lưu ý phải tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công, vì hiện nay nguyên vật liệu cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu, bảo đảm tháng 12.2024 hoàn thành đoạn Sóc Sơn - Mê Linh, phấn đấu quý 3/2025 xong các đoạn còn lại như các nhà thầu cam kết.

Đường vành đai 4 vùng thủ đô dài 112km, đi qua các tỉnh thành Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh. Điểm đầu dự án tại điểm nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai, điểm cuối nối cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 85.000 tỉ đồng, khởi công tháng 6.2023, mục tiêu cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027. Việc hoàn thiện đường này sẽ góp phần giải tỏa ách tắc giao thông, kết nối giữa các tỉnh và tạo không gian phát triển mới cho cả vùng thủ đô, trong đó có Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh.

Tuyết Nhung