Vì sao Trung Quốc chuộng ăn sầu riêng Việt Nam?
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 20:48, 13/06/2024
Vì sao Trung Quốc chuộng ăn sầu riêng Việt Nam?
Sầu riêng Việt Nam là một trong những mặt hàng trái cây bùng nổ ở Trung Quốc, trở thành mặt hàng nông sản nhập khẩu hàng đầu về số lượng và giá trị.
Theo số liệu từ Hải quan Trung Quốc, 4 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu quả sầu riêng tươi (mã HS 08106000) của Trung Quốc đạt 202,5 nghìn tấn, trị giá 1,09 tỷ USD. Việt Nam là thị trường cung cấp sầu riêng tươi lớn thứ 2 cho Trung Quốc. Đáng chú ý, Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu sầu riêng tươi từ thị trường Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2024, đạt 79,3 nghìn tấn, trị giá 369,8 triệu USD, tăng 91% về lượng và tăng 81,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023; chiếm 39,2% tổng lượng sầu riêng tươi Trung Quốc nhập khẩu, tăng 25,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2023.
Sầu riêng Việt Nam được đánh giá là có lợi thế sản lượng dồi dào, thu hoạch rải vụ quanh năm, đặc biệt khi vào vụ không bị cạnh tranh với sầu riêng Thái Lan. Ngoài ra, một lợi thế của sầu riêng Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc là thời gian vận chuyển nhanh và giá thành cạnh tranh. Đây là những yếu tố giúp cho sầu riêng Việt Nam tạo được bước tiến lớn tại thị trường Trung Quốc chỉ sau chưa đầy 2 năm được mở cửa tại thị trường này.
Theo số liệu của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), vào đầu năm 2023, diện tích sầu riêng ở các tỉnh Nam bộ là 47.208 ha, đến đầu năm 2024 đã là 62.173 ha, tăng gần 15.000 ha. Các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên hiện có 57.101 ha sầu riêng, tăng hơn 19.200 ha chỉ sau một năm.
Bộ Công Thương nhận định có thể thấy, cùng với công tác đẩy mạnh xuất khẩu, công tác xúc tiến thương mại trái sầu riêng tươi tại ngay thị trường nội địa và việc các doanh nghiệp đã đẩy mạnh khâu sơ chế, chế biến và giới thiệu cho người tiêu dùng trong nước, việc này góp phần tạo ra được nền tảng thị trường đầu ra ổn định hơn cho trái sầu riêng.
Ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: "Hiện nay, chúng ta đã xuất khẩu rất nhiều sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, nhưng để tạo ra nền tảng thị trường ổn định, bền vững, bên cạnh thị trường xuất khẩu, việc đẩy mạnh kết nối tiêu thụ tại thị trường trong nước cũng cần được chú trọng. Để người dân các tỉnh phía Bắc cũng được trải nghiệm trái sầu riêng".
Theo ông Tiến, hiện nay, thương mại điện tử đang là xu hướng phát triển nhanh chóng. Trong năm 2023, tổng giá trị thương mại tăng khoảng 7%, khi điện tử thương mại tăng lên 21%. Trong 5 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ thương mại điện tử trên thị trường nội địa đã tăng lên 24%, đặc biệt là sự phát triển của nền tảng thương mại điện tử trên mạng xã hội như TikTok đang rất mạnh.
Do đó, nhằm đa dạng hoá các hình thức xúc tiến thương mại, mở ra thị trường mới, gia tăng cơ hội tiếp cận khách hàng và mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội cho các địa phương, điểm nhấn chính là hoạt động livestream bán nông sản, sản phẩm OCOP trên nền tảng TikTok và các nền tảng mạng xã hội.
Bà Nguyễn Thị Xuyến - Tổng giám đốc Công ty cổ phần tư vấn công nghệ Enviva cho hay kết nối nhà vườn với người tiêu dùng nội địa giúp nhà vườn yên tâm phát triển sản xuất, người dùng được thưởng thức các trái sầu riêng chất lượng với giá thành hợp lý. Điều này giúp thị trường nông sản sầu riêng phát triển bền vững. Đẩy mạnh tiêu thụ nội địa giúp giảm rủi ro do phụ thuộc quá nhiều vào thị trường xuất khẩu, đặc biệt trong bối cảnh biến động kinh tế toàn cầu.
Các doanh nghiệp tham gia chương trình đã ứng dụng công nghệ nghiên cứu và xây dựng hệ sinh thái sản phẩm chế biến từ sầu riêng chia thành 4 loại sản phẩm chính: trái sầu riêng tươi, đồ ăn nhẹ, món tráng miệng và đồ uống.
Đắk Nông là tỉnh có diện tích và sản lượng sầu riêng tương đối lớn. Đến thời điểm hiện tại, qua thống kê sơ bộ, tổng diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh khoảng 10.309,7 ha, tăng 4.170,4 ha so với năm 2022; diện tích cho sản phẩm khoảng 4.105 ha.
Bà Trịnh Thị Ngọc Vân – Giám đốc Công ty MTV nông sản Hà Vân cho biết với thổ nhưỡng đặc biệt, giúp cơm sầu riêng Đắk Nông có một chất lượng khác biệt, vị ngọt béo, hạt lép, múi khô, khi ăn có cảm giác dẻo trong miệng. Bên cạnh hoạt động xuất khẩu, công tác xúc tiến thương mại luôn được địa phương chú trọng, quan tâm, nhất là tại thị trường Hà Nội. Nhờ đó, người tiêu dùng Thủ đô ngày càng tin và sử dụng sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Sau khi có Nghị định thư ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng Việt Nam sang Trung Quốc liên tục tăng. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng cho ngành hàng sầu riêng Việt Nam.
Vì thế, định hướng của ngành nông nghiệp đối với sầu riêng là tổ chức lại cấu trúc, trong đó phải gắn kết được nông dân với doanh nghiệp. Đối với mã số vùng trồng sầu riêng, Bộ NN&PTNT sẽ có văn bản yêu cầu phải đi vào tiêu chuẩn, quy chuẩn, xóa bỏ tình trạng tự phát.