TP.HCM: Quy hoạch được không gian ngầm sẽ tăng thêm nguồn tài nguyên rất lớn
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 22:11, 13/06/2024
TP.HCM: Quy hoạch được không gian ngầm sẽ tăng thêm nguồn tài nguyên rất lớn
Theo Trưởng ban Nội chính Thành ủy TP.HCM Ngô Minh Châu, quy hoạch không gian ngầm TP.HCM mang tính cấp thiết, nếu thực hiện tốt sẽ tăng thêm nguồn tài nguyên rất lớn cho TP.
Đó là nội dung được nêu ra tại Hội nghị lần thứ 31 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2020-2025 chiều 13.6.
Tại phiên thảo luận, vấn đề quy hoạch là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, nêu ý kiến. Chủ tịch UBND quận 7 Hoàng Minh Tuấn Anh đánh giá đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM lần này nhận rõ những việc chưa thực hiện được và có tính kế thừa quy hoạch chung trước đây. Đó là hình thành 5 thành phố trực thuộc TP.HCM trong tương lai để giải tỏa áp lực cho khu vực trung tâm.
Theo Chủ tịch UBND quận 7, phải định hình các khu lõi trung tâm của các thành phố ấy để tập trung nguồn lực phát triển ngay sau khi được phê duyệt. Đặc biệt là tập trung nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông. Có như vậy, khi TP.HCM chuyển các huyện thành thành phố thì mới có đủ cơ sở hạ tầng để phát triển.
Ông Hoàng Minh Tuấn Anh cho rằng điểm mới là quy hoạch chung lần này đã nghiên cứu áp dụng mô hình phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng (TOD). Đây là mô hình phù hợp với các đô thị lớn và được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Với mô hình này, TP phát triển giao thông công cộng, phát triển đô thị nén đa tầng sẽ giải quyết được vấn đề kết nối của TP.
Đô thị nén cũng sẽ góp phần giải quyết vấn đề lớn của TP.HCM hiện nay là phát triển nhà ở, di dời nhà ven kênh rạch. TP.HCM đã có nhiều dự án, chương trình để di dời nhà ven kênh rạch nhưng đến nay chưa có dự án nào được triển khai thành công, chưa giải quyết được vấn đề nhà ở cho người dân.
Chủ tịch UBND quận 7 khẳng định, nếu vẫn thực hiện theo lối mòn cũ về phương án giá bồi thường, hỗ trợ cho người dân thì sẽ không giải quyết được. Vì vậy, quan điểm của TP.HCM trong quy hoạch chung về phát triển đô thị nén áp dụng cho nhà ở ven kênh rạch là phù hợp, nhất là những địa phương có nhiều nhà ven kênh rạch.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, đầu nhiệm kỳ này, TP.HCM đặt mục tiêu di dời 6.500 nhà ven và trên kênh rạch. Tuy nhiên việc này gặp nhiều khó khăn và dự kiến đến cuối nhiệm kỳ thực hiện được khoảng hơn 4.000 căn.
Ông Phan Văn Mãi cho biết UBND TP đã thành lập tổ công tác để tháo gỡ khó khăn, tìm phương án, cơ chế giải quyết. Một trong những cơ chế được tính đến là áp dụng chính sách của nhà ở xã hội (thuê mua) để hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống. Ông Mãi cũng nhấn mạnh, nếu cứ loay hoay phương án bồi thường hỗ trợ thì sẽ không thể giải quyết được.
Góp ý về quy hoạch, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Ngô Minh Châu nhấn mạnh đây là nội dung có ý nghĩa rất quan trọng, là bước khởi đầu để chúng ta triển khai nhiều nội dung khác. Việc quy hoạch giao thông, đô thị của TP.HCM có thời gian chỉ vài chục năm là chưa ổn. Trong khi trên thế giới, các nước quy hoạch mảng này kéo dài và có tầm nhìn từ 70 - 100 năm.
Hiện tại, quy hoạch giao thông của TP cũng đang là vấn đề băn khoăn. Theo tài liệu ông Ngô Minh Châu nghiên cứu, diện tích dành cho giao thông của các TP phải đạt 12%. “Vậy hiện diện tích giao thông của TP.HCM đạt bao nhiêu phần trăm?”, ông Ngô Minh Châu đặt câu hỏi và cho biết phương tiện giao thông ở TP tăng rất nhanh và bài toán đặt ra là lượng xe này lưu thông ra sao? TP chịu áp lực ngày càng lớn về hạ tầng giao thông, do đó phải tính toán cho được về hạ tầng giao thông trong quy hoạch đô thị.
Đề cập thêm về tính cấp thiết của quy hoạch không gian ngầm TP.HCM, ông Ngô Minh Châu đánh giá nội dung này thực hiện tốt sẽ tăng thêm nguồn tài nguyên rất lớn cho TP.