Giá vàng vào đà tăng mạnh, vọt lên mốc 49 triệu đồng/lượng

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 11:03, 23/06/2020

Mở cửa phiên giao dịch 23.6, giá vàng trong nước tăng mạnh và vọt lên mốc 49 triệu đồng/lượng. Nhiều chuyên gia dự báo giá vàng tuần này sẽ còn tăng cao do số người nhiễm COVID-19 trên toàn cầu đang gia tăng trở lại.
Giá vàng trong nước chạm mốc 49 triệu đồng/lượng - Ảnh: Internet

Lúc 10 giờ trưa ngày 23.6, giá vàng miếng SJC tại thị trường Hà Nội theo niêm yết của Tập đoàn DOJI là 48,76 triệu đồng/lượng (mua vào) và 48,95 triệu đồng/lượng (bán ra). Tại thị trường TP.HCM, giá vàng miếng cùng thương hiệu theo niêm yết của Công ty SJC là 48,7 triệu đồng/lượng và 49,05 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và bán.

So với giá đóng cửa ngày hôm qua, giá vàng miếng đang tăng từ 100.000 – 150.000 đồng/lượng. Chênh lệch giá bán cũng đang cao hơn giá mua 350.000 đồng/lượng.

Không riêng gì vàng miếng, giá sản phẩm vàng 999,9 của các doanh nghiệp kim hoàn lớn cũng đang được điều chỉnh tăng. Chẳng hạn, vàng Rồng Thăng Long của Công ty Bảo Tín Minh Châu có giá tương ứng là 48,75 triệu đồng/lượng và 48,93 triệu đồng/lượng. Còn vàng Mi Hồng là 48,4 – 48,65 triệu đồng/lượng.

Như vậy, giá vàng trong nước tiếp tục giữ được sự ổn định tốt và lại chạm mốc 49 triệu đồng/lượng sau một thời gian ngắn khá trầm lắng.

Trên thị trường thế giới, giá vàng đang giao dịch ở mức 1.752 USD/ounce. Trong đêm 22.6 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đã tăng lên trên ngưỡng 1.756 USD/ounce. Vàng giao tháng 8 năm 2020 trên sàn Comex New York ở mức 1.769 USD/ounce. Mức giá này cao hơn 36,9% (473 USD/ounce) so với đầu năm 2019. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 48,6 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn 300.000 đồng so với vàng trong nước.

Vàng thế giới tăng vọt lên đỉnh 5 tuần do những lo ngại gia tăng về sự lây nhiễm COVID-19 trên phạm vi toàn cầu. Việc số ca nhiễm COVID-19 tăng mạnh trở lại ở Trung Quốc và Mỹ khiến nhiều nhà đầu tư chuyển vốn sang những kênh đầu tư an toàn. Ngoài đại dịch, một vấn đề lớn khác thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư là diễn biến quan hệ Mỹ-Trung.

Ông Peter Spina, Chủ tịch GoldSeek.com cho rằng giá vàng đang tìm cách để bứt phá, với các mục tiêu tiếp theo trong dài hạn có thể là mức 1.900 - 2.000 USD/ounce. “Các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đang triển khai mọi công cụ nới lỏng tiền tệ. Điều này khiến cho vàng ngày càng trở nên hấp dẫn hơn với tư cách một kênh lưu trữ giá trị có mức độ rủi ro thấp. Vàng đang phát huy vai trò truyền thống là lưu trữ giá trị”, ông Peter Spina nói.

Trong khi đó, ông Afshin Nabavi, Phó chủ tịch của MKS SA nói với Kitco News rằng thị trường vàng đang bị kẹt trong một khoảng hẹp. “Nếu vàng phá được mốc 1.750 USD/ounce, chúng ta có thể chứng kiến một đợt tăng mạnh. Không có gì đáng ngạc nhiên nếu giá vàng tiếp tục tăng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và căng thẳng Mỹ-Trung. Sẽ đến lúc giá vàng hướng đến mốc 1.800 USD/ounce hoặc thậm chí cao hơn vào cuối năm nay”.

Ngoài ra, báo cáo của Godlman Sachs phân tích việc nhu cầu vàng của Trung Quốc đang tăng trở lại cũng khiến nhu cầu tiêu thụ vàng tại các thị trường mới nổi sẽ trở thành lực hỗ trợ cho triển vọng tăng giá của vàng trong nửa cuối của 2020, thay vì là trở ngại như trong nửa đầu năm.

Về triển vọng giá vàng tuần này, trang Kitco News cho biết giới chuyên gia nhận định rằng mức 1.750 USD/ounce đang là một ngưỡng kháng cự mạnh mà vàng cần phá vỡ để mở ra khả năng tăng cao hơn. Về mặt hỗ trợ, mốc 1.700 USD/ounce đang là một ngưỡng cản then chốt của giá vàng.

Phan Diệu