Hệ thống tài chính Nga chao đảo sau khi Mỹ áp lệnh trừng phạt mới

Quốc tế - Ngày đăng : 17:00, 14/06/2024

Một loạt các biện pháp trừng phạt cứng rắn mới của Mỹ đã khiến hệ thống tài chính Nga rung chuyển và buộc nền tảng giao dịch tài chính chính của Moscow phải tạm dừng các giao dịch bằng đồng USD và euro.
Quốc tế

Hệ thống tài chính Nga chao đảo sau khi Mỹ áp lệnh trừng phạt mới

Hoàng Vũ (theo Washington Post) 14/06/2024 17:00

Một loạt các biện pháp trừng phạt cứng rắn mới của Mỹ đã khiến hệ thống tài chính Nga rung chuyển và buộc nền tảng giao dịch tài chính chính của Moscow phải tạm dừng các giao dịch bằng đồng USD và euro.

Theo Washington Post, các biện pháp trừng phạt mới sâu rộng được Bộ Tài chính Mỹ công bố hôm 12.6 nhằm vào Sở Giao dịch Moscow - thị trường tài chính chính của Nga do kiếm lợi từ “chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine”. Bộ Tài chính Mỹ khẳng định sẽ tiếp tục mở rộng trừng phạt thứ cấp đối với bất kỳ tổ chức tài chính nước ngoài nào đang kinh doanh với Nga.

so-giao-dich-moscow.png
Văn phòng Sở Giao dịch Moscow - Ảnh: Barrons

Sở Giao dịch Moscow hiện vận hành các thị trường giao dịch cổ phiếu, trái phiếu, công cụ phái sinh, tiền tệ và kim loại quý. Các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ cũng nhắm vào các công ty có trụ sở tại Trung Quốc bán chip bán dẫn cho Nga, cũng như hơn 300 cá nhân và tổ chức ở Nga, châu Âu, châu Á và châu Phi.

Trong thông báo cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Nga nêu rõ sẽ đình chỉ các giao dịch và công cụ thanh toán bằng USD và euro do các lệnh trừng phạt mới của Mỹ. Tuy nhiên, các công ty và cá nhân có thể tiếp tục mua, bán USD và euro thông qua các ngân hàng Nga. Tiền tiết kiệm bằng USD trong tài khoản vẫn an toàn.

Nga đã cố gắng tăng cường chi tiêu cho sản xuất quân sự kể từ khi cuộc chiến tại Ukraine nổ ra vào năm 2022, bất chấp phải đối mặt với hàng rào trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu lớn nhất mà phương Tây đưa ra. Để đối phó, Nga đã quay sang Trung Quốc, Ấn Độ và vô số nước trung gian để vượt qua các hạn chế, trong khi phương Tây cũng không thể từ bỏ hoàn toàn hàng hóa của Nga.

Chuyên gia chính sách đối ngoại Edward Fishman nhận định các nỗ lực mới nhất nhằm tăng cường trừng phạt Nga phản ánh sự công nhận ngày càng tăng của các nhà hoạch định chính sách rằng các biện pháp cho đến nay, bao gồm cả các chế tài kiểm soát xuất khẩu không đủ mạnh để ngăn chặn Moscow bổ sung chuỗi cung ứng quân sự của mình. Giới chức Ukraine đã ghi nhận hàng nghìn linh kiện nước ngoài trong vật tư quân sự của Nga được thu thập trên chiến trường, bất chấp những hạn chế của phương Tây.

“Có sự thất vọng to lớn khi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu không hoạt động tốt như mong đợi. Về cơ bản, nếu muốn cô lập Nga về mặt tài chính, cần phải khiến nước này gặp khó khăn hơn nhiều trong việc chi trả cho hàng nhập khẩu quân sự của mình”, Fishman nói.

Phản ứng trước các biện pháp mới của Mỹ, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh liên bang Nga Dmitry Medvedev đã kêu gọi người Nga “tìm kiếm những điểm yếu” trong các nền kinh tế phương Tây và “tấn công chúng trên mọi lĩnh vực”.

“Chúng ta phải tìm ra vấn đề trong những công nghệ quan trọng nhất của họ và tấn công chúng một cách không thương tiếc. Theo nghĩa đen, hãy tiêu diệt các dịch vụ năng lượng, công nghiệp, giao thông, ngân hàng và xã hội của họ”, ông ta nói.

Tác động của lệnh trừng phạt

Cổ phiếu trên Sở Giao dịch Moscow ban đầu giảm mạnh trong phiên 13.6 và sau đó đã phục hồi. Các nhà kinh tế và cựu quan chức cấp cao Mỹ cảnh báo rằng các biện pháp mới cấm giao dịch bằng USD và euro sẽ tác động đáng kể đến chi phí kinh doanh đối với nền kinh tế dựa trên xuất nhập khẩu của Nga, có thể khiến lạm phát gia tăng vốn hiện đang ở mức cao 8%.

Các doanh nghiệp Nga hiện phải chuyển đổi USD và euro tại các ngân hàng Nga thay vì trên sàn giao dịch tập trung, cho phép các ngân hàng tính phí hoa hồng cao cho mỗi giao dịch và tăng chênh lệch mua bán hai đồng tiền này.

Mặc dù người Nga đang có xu huớng chuyển sang sử dụng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc kể từ khi xung đột bùng nổ, với 54% tổng giao dịch tiền tệ trên Sở Giao dịch Moscow hiện được thực hiện bằng đồng tiền Trung Quốc, song đồng USD và euro vẫn rất quan trọng đối với nền kinh tế Nga.

“Nga vẫn phụ thuộc vào việc sử dụng tiền tệ phương Tây để giao dịch với tất cả các nước, ngoại trừ Trung Quốc. Nhu cầu giao dịch các loại tiền tệ này rất lớn”, Janis Kluge, nhà kinh tế tại Viện An ninh và quốc tế Đức cho biết. Theo ông Kluge, các lệnh trừng phạt mới của Mỹ “sẽ làm tăng chi phí cho các nhà nhập khẩu và xuất khẩu” và tạo thêm “các lớp phức tạp” mới cho các giao dịch kinh doanh của Nga.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov kêu gọi người dân và doanh nghiệp bình tĩnh, đồng thời khẳng định Ngân hàng Trung ương Nga là một “cơ quan quản lý lớn có khả năng đảm bảo sự ổn định”. Ngân hàng Trung ương Nga cho biết sẽ ấn định tỷ giá hối đoái hằng ngày của đồng USD và euro dựa trên dữ liệu tổng hợp từ hoạt động mua bán của các ngân hàng thương mại.

Một cựu quan chức tài chính cấp cao Nga giấu tên cho Washington Post biết nền kinh tế Nga sẽ không cạn kiệt USD hay euro, song các lệnh trừng phạt mới rõ ràng sẽ làm tăng thêm chi phí cho cuộc chiến và tác động tiêu cực vào nền kinh tế.

“Đây không phải là vấn đề về sự ổn định tài chính mà là vấn đề về chi phí tài chính. Chi phí nhập khẩu sẽ tăng và đây sẽ là một yếu tố bổ sung dẫn đến giá cả tăng cao”, vị quan chức nói, và nhấn mạnh sự gia tăng lớn trong chi tiêu của Moscow cho ngành công nghiệp quốc phòng đang thúc đẩy lạm phát.

Ông nhận định ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy Điện Kremlin đã nhận thức được điều này, đó là lý do tại sao việc tăng thuế vào năm tới đã được thông qua thành luật.

“Nếu giá dầu không tăng nữa thì sớm muộn ngân sách cũng sẽ chạm mức trần và không thể tiếp tục chi tiêu nếu không in tiền. Nhưng có một công cụ khác, đó là thuế, và không phải ngẫu nhiên mà một đạo luật được thông qua nhằm tăng thuế đối với các doanh nghiệp”, vị cựu quan chức nói thêm.

Trước đó, chính phủ Nga đã công bố các mức thuế mới cho năm 2025, gồm cả tăng thuế lợi nhuận doanh nghiệp từ 20 lên 25%, cũng như tăng thuế thu nhập.

Alexandra Prokopenko, cựu cố vấn Ngân hàng Trung ương Nga cho rằng Moscow có rất nhiều cách để tiếp tục tài trợ cho cuộc chiến trong tại Ukraine năm nay và năm tới, nhưng sau đó “mọi việc trở nên khó khăn hơn”.

Hoàng Vũ (theo Washington Post)