Khủng hoảng dân số có thể làm tổn thương các cường quốc quân sự châu Á?
Quốc tế - Ngày đăng : 15:08, 15/06/2024
Khủng hoảng dân số có thể làm tổn thương các cường quốc quân sự châu Á?
Tỷ lệ sinh giảm mạnh ở Đông Á đã đặt ra câu hỏi về khả năng duy trì hàng ngũ của các cường quốc quân sự trong khu vực những năm tới.
Đông Á có tỷ lệ sinh thấp nhất toàn cầu, với Trung Quốc là 1,0; Nhật Bản là 1,2 và Hàn Quốc là 0,72 trẻ em trên một phụ nữ. Nhật Bản cũng là một xã hội “siêu già”, theo sau là Trung Quốc và Hàn Quốc.
Tỷ lệ sinh giảm mạnh đã thúc đẩy Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc điều chỉnh các tiêu chuẩn tuyển dụng quân nhân. Một số quốc gia cũng tập trung vào phát triển công nghệ với mục tiêu làm giảm bớt ảnh hưởng về nhân khẩu học.
Hàn Quốc đã quy định 18 tháng nghĩa vụ quân sự đối với những người đàn ông khỏe mạnh, duy trì lực lượng tại ngũ khoảng nửa triệu binh sĩ. Nhưng xét đến tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, một số chuyên gia cho rằng điều này có thể gây ra vấn đề lâu dài đối với quy mô quân đội Hàn Quốc.
Choi Byung-ook, giáo sư an ninh quốc gia tại Đại học Sangmyung (Hàn Quốc), nói với CNN: “Tương lai đã được định trước. Việc giảm quy mô lực lượng là điều không thể tránh khỏi”.
Su Tzu-yun, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu quốc phòng và an ninh hàng đầu của Đài Loan, dự đoán thời gian phục vụ nghĩa vụ quân sự của các cường quốc quân sự châu Á có thể giảm hơn nữa “để cho phép những người trẻ tuổi quay trở lại xã hội và tham gia thị trường lao động sớm hơn”.
“Tác động của già hóa dân số được thể hiện theo những cách khác nhau ở các quốc gia này. Ở Trung Quốc, tác động nghiêm trọng nhất sẽ là một thảm họa kinh tế, trầm trọng hơn do chiến tranh thương mại và sự biến mất của lợi tức dân số, trong khi Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ phải vật lộn nhiều hơn với nhân lực quân sự.
Điều này sẽ có tác động lớn hơn đến lực lượng chính quy dẫn đến các hạn chế về số lượng binh lính trong biên chế. Nhật Bản - quốc gia dựa vào nghĩa vụ quân sự tự nguyện, hiện phải đối mặt với tình hình thậm chí còn khó khăn hơn”, ông Su nhận định.
Tờ Japan Times hồi tháng 11 năm ngoái tiết lộ số lượng người đăng ký vào Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) đã giảm khoảng 30% trong 10 năm qua, ít hơn 4.000 người tham gia so với năm 2022.
Trung Quốc với lực lượng binh sĩ nhiều nhất thế giới, cũng đã hạ thấp tiêu chuẩn tuyển dụng, bao gồm các yêu cầu về chiều cao, cân nặng và thị lực.
Theo Andrew Oros, giáo sư môn Chính trị Khoa học và Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Washington (Mỹ), bất chấp những thách thức về nhân khẩu học, Trung Quốc trong nhiều thập kỷ đã cố gắng xây dựng một quân đội có năng lực hơn và công nghệ tiên tiến hơn.
“Tôi không nghĩ nhân khẩu học là yếu tố quan trọng giải thích tại sao Trung Quốc theo đuổi công nghệ tiên tiến. Họ làm điều đó vì họ muốn có một quân đội sánh ngang với Mỹ. Trong khi đó, Nhật Bản và Hàn Quốc hiện phải đối mặt với tình trạng số người trong độ tuổi chiến đấu nhập ngũ ngày càng giảm. Điều này thúc đẩy các quốc gia này đầu tư nhiều hơn vào công nghệ tiết kiệm lao động”, ông Oros cho biết.
Chuyên gia này dự đoán rằng nhân khẩu học sẽ ảnh hưởng đến an ninh quân sự đến năm 2050, đồng thời nhấn mạnh đến nhiều lĩnh vực đang thay đổi trong chiến tranh, với nhiều hoạt động mạnh mẽ trên mạng, không gian.