Chính phủ vào cuộc gỡ khó cho ngành vật liệu xây dựng

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 16:00, 15/06/2024

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành tìm giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng thời gian tới.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Chính phủ vào cuộc gỡ khó cho ngành vật liệu xây dựng

Tuyết Nhung 15/06/2024 16:00

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành tìm giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng thời gian tới.

Tại Hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng ngày 15.6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá những năm gần đây, hoạt động sản xuất xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng suy giảm do tác động của nhiều yếu tố bất lợi cùng với việc thị trường bất động sản chưa phục hồi.

anh-dai-dien.png
Theo Thủ tướng, hoạt động sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng thời gian qua đã đạt những kết quả rất đáng trân trọng, mang lại hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội - Ảnh: VGP

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong 10 năm gần đây, tổng năng lực sản xuất các vật liệu xây dựng chủ lực của Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao với khoảng 120 triệu tấn xi măng, 830 triệu mét vuông gạch ốp lát, 26 triệu sản phẩm sứ vệ sinh, 330 triệu mét vuông kính xây dựng, 20 tỉ viên gạch đất sét nung, 12 tỉ viên gạch không nung (quy tiêu chuẩn).

Trong đó, sản lượng xi măng, gạch ốp lát thuộc nhóm tốp đầu trên thế giới. Trình độ công nghệ, tổ chức sản xuất, kinh doanh, môi trường của ngành công nghiệp vật liệu xây dựng Việt Nam đứng tốp đầu trong các nước ASEAN. Tổng giá trị doanh thu hàng năm ngành vật liệu xây dựng chưa bao gồm thép xây dựng ước đạt khoảng 600.000 tỉ đồng (tương đương hơn 24 tỉ USD), chiếm gần 6% GDP quốc gia.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do tác động của nhiều yếu tố bất lợi trong và ngoài nước cùng với việc thị trường bất động sản chưa phục hồi dẫn đến sản xuất xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng suy giảm.

Trong đó, tổng sản lượng sản xuất xi măng và clinker cả năm 2023 chỉ đạt 92,9 triệu tấn, dây chuyền hoạt động trung bình toàn ngành chỉ đạt 75% tổng công suất thiết kế. Tổng sản lượng tiêu thụ năm 2023 đạt 87,8 triệu tấn, bằng 88% so với năm 2022. Đối với sản xuất thép xây dựng, năm 2023 đạt 10,655 triệu tấn (giảm 12,2% so với năm 2022), tiêu thụ đạt 10,905 triệu tấn (giảm 11,2% so với năm 2022).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân trong sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng như: Chi phí nhiên liệu, nguồn cung nguyên liệu phục vụ sản xuất, sức ép bảo vệ môi trường, cơ chế chính sách, về thị trường, tình hình tài chính...

Theo đó, lãnh đạo Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan liên quan tổ chức hội nghị để đánh giá, xem xét nguyên nhân, tìm giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng trong thời gian tới.

"Đặc biệt là đẩy mạnh cung cấp cho các dự án đầu tư công, nhà ở xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các công trình quan trọng khác", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng đề nghị tập trung đánh giá, phân tích kỹ lưỡng tình hình sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng thời gian qua; nhận diện các khó khăn, thách thức, như về sản xuất, tiêu thụ trong nước, xuất khẩu, tài chính; đồng thời đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá trong giải quyết các điểm nghẽn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ, phát triển bền vững ngành này tại Việt Nam.

Bộ Xây dựng kiến nghị giải pháp là đẩy mạnh đầu tư công, kết cấu hạ tầng, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhà ở, tăng cường triển khai xây dựng đề án đầu tư ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội; tăng sử dụng cầu cạn bê tông cốt thép với dự án đường bộ cao tốc, sử dụng công nghệ gia cố đất bằng xi măng, sử dụng đường bê tông xi măng cho xây dựng các công trình giao thông...

Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nâng cấp cải tạo công nghệ, thiết bị, sử dụng triệt để nhiệt dư, rác thải để thay thế nguyên liệu đốt nhằm hạ giá thành; đa dạng hóa sản phẩm vật liệu xây dựng, nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng; tăng cường tiêu thụ vật liệu xây dựng trong nước, tiết giảm chi phí, tìm kiếm mở rộng thị trường, tháo gỡ khó khăn về tài chính, cơ cấu nợ và các khoản vay...

Tuyết Nhung