Âm thanh ảnh hưởng đến sự tập trung, việc học tập và giấc ngủ
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 11:05, 16/06/2024
Âm thanh ảnh hưởng đến sự tập trung, việc học tập và giấc ngủ
Đài Channel News Asia chỉ ra mỗi người lại cảm thấy thoải mái với âm thanh khác nhau, và âm nhanh giống nhau lại dẫn đến phản ứng khác nhau trong từng trường hợp cụ thể.
Hiện tượng trên đặt ra câu hỏi: Điều gì khiến âm thanh trở nên êm tai hay khó chịu? Liệu ta có thể khai thác sức mạnh của âm thanh để tập trung tốt hơn, ngủ nhanh hơn hay học hiệu quả hơn không?
Âm thanh tác động đến não
Tiến sĩ John Shepherd Lim (Trung tâm Phúc lợi Singapore) cho biết một số vùng não được kích hoạt khi ta tiến hành hoạt động trí óc như đọc, viết hay phân tích dữ liệu. Chẳng hạn vỏ não trước trán liên quan nhiều đến việc ra quyết định và khả năng chú ý.
Nhà tâm lý học lâm sàng Annabelle Chow (Trung tâm tư vấn Annabelle Psychology) bổ sung thùy đỉnh (nằm ngay sau thùy trán) xử lý thông tin cảm giác, số học, toán học. Hồi hải mã nằm ở thái dương trái rất quan trọng với việc hình thành và phục hồi trí nhớ.
Theo tiến sĩ Lim, âm thanh tác động đến các vùng não nêu trên bằng cách tăng cường hoặc làm mất tập trung. Minh chứng rõ nhất là nhạc êm dịu giúp tập trung cao độ hơn và âm thanh lớn bất ngờ gây giật mình.
Hồi hải mã hưởng lợi từ âm nhạc. Âm nhạc thúc đẩy vùng não này sản sinh tế bào thần kinh mới, qua đó củng cố trí nhớ.
Còn căng thẳng do tiếng ồn gây ra làm giảm lượng dopamine sẵn có ở vỏ não trước trán, dẫn đến suy giảm chức năng não, khả năng học tập lẫn trí nhớ.
Chế độ chú ý có chọn lọc
Ta thường có thể bỏ qua một số âm thanh nhất định ở công sở (tiếng máy in, tiếng gõ bàn phím, tiếng trò chuyện…) nhưng lại thấy khó chịu nếu ai đó gõ bút bất thường. Nhà tâm lý học Chow lý giải đó là vì não ở chế độ chú ý có chọn lọc: không chú ý âm thanh không quan trọng để tập trung vào hoạt động mà não đang tập trung.
“Nếu não xác định một âm thanh là quan trọng thì vỏ não trước trán và thùy đỉnh sẽ vô tình chuyển sự chú ý đến âm thanh đó. Theo một cách nào đó giống như vô hiệu hóa chế độ chú ý có chọn lọc vậy. Toàn quá trình làm tăng lượng nhận thức mà não phải xử lý, khiến khả năng ghi nhớ suy giảm dẫn đến giảm hiệu suất công việc”, theo nhà tâm lý học Chow.
Bà Chow nói thêm: “Cảm xúc của chúng ta với âm thanh cũng bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác như khả năng kiểm soát sự chú ý, trạng thái cảm xúc vào thời điểm đó. Ví dụ lúc tức giận ta không muốn cười nói mà chỉ muốn yên tĩnh”.
Tiến sĩ Lim cho biết âm lượng, cao độ và nhịp điệu đóng vai trò trong cách não phản ứng. Tiếng ồn lớn gây khó chịu, âm thanh nhịp nhàng hoặc theo giai điệu giúp tăng tập trung. Tuy nhiên phản ứng ở mỗi người có thể khác nhau tùy thuộc quá trình xử lý thính giác cũng như sở thích cá nhân.
Đặc biệt một số người cần yên tĩnh hoàn toàn lúc học tập hay làm việc. Tiến sĩ Lim giải thích đó là do họ nhạy cảm với kích thích thính giác hoặc não lọc tiếng ồn kém hiệu quả.
Dễ buồn ngủ khi xem tivi
Nhiều người thích dùng tiếng ồn trắng giảm thiểu tác động do tiếng ồn không mong muốn đem lại. Tiếng ồn trắng là bất kỳ âm thanh nào chứa tất cả tần số ở phổ âm thanh nghe được ở mức độ bằng nhau.
Liệu loại tiếng ồn này có thực sự hiệu quả? Theo nhà tâm lý học Chow: “Nghiên cứu chỉ ra rằng tiếng ồn trắng ít ảnh hưởng đến chức năng nhận thức, trong khi âm thanh tự nhiên dường như giúp giảm mức độ căng thẳng và cải thiện hiệu suất nhận thức ở một số hoạt động nhất định”.
Ta cũng chẳng cần mở tiếng ồn trắng nào cả, xem tivi đủ khả năng gây buồn ngủ hoặc thúc đẩy làm việc tốt hơn. Giáo sư Vikas Jain (Đại học Stanford) cho biết âm thanh từ tivi có thể giúp thư giãn hoặc buồn ngủ, đặc biệt khi bộ phim hoặc chương trình đang mở làm giảm lo lắng.
Nếu làm việc tại nhà, âm thanh từ tivi sẽ phát huy tác dụng làm phân tâm khỏi suy nghĩ khó chịu. Hệ thống limbic của não phụ trách điều khiển cảm xúc dễ bị ảnh hưởng bởi kích thích thính giác, âm thanh dễ chịu điều chỉnh tâm trạng bằng cách giảm mức cortisol và tăng serotonin.
Tuy nhiên cũng có nghiên cứu chỉ ra xem tivi khi làm việc làm giảm khả năng ghi nhớ. Vì vậy mỗi người cần tự tìm hiểu xem loại âm thành nào hữu hiệu với bản thân.
Âm thanh nào tốt cho công việc, học tập và giấc ngủ?
Tiến sĩ Lim cho biết âm thanh tốt cho công việc, học tập và giấc ngủ thường có giai điệu nhất quán, âm lượng thấp, không thay đổi đột ngột, chẳng hạn nhạc không lời nhẹ nhàng.
Còn theo nhà tâm lý học Chow, âm thanh ít thay đổi về âm sắc lẫn hình thức phát ít gây hưng phấn nên đem lại cảm giác an tâm trong tiềm thức. Bà lưu ý nếu đang đọc hay viết (hoạt động liên quan đến từ ngữ) thì nên tránh nhạc có lời vì chúng kích thích vùng não xử lý thông tin thính giác.
Đôi lúc việc học sẽ hiệu quả hơn nếu tài liệu được trình bày ở dạng âm thanh, do một số người phát triển kỹ năng xử lý thính giác tốt hơn.
Còn với giấc ngủ và thư giãn, nhà tâm lý học Chow khuyến nghị nghe nhạc giai điệu chậm vì chúng đồng bộ hóa với hệ thần kinh phó giao cảm, theo đó cơ thể điều chỉnh theo nhịp độ môi trường. Não nhận ra rằng nó không cần ở trạng thái nhạy cảm quá độ.