Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành: Kêu gọi đầu tư phải hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 11:18, 17/06/2024
Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành: Kêu gọi đầu tư phải hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro
Đại biểu Trình Lam Sinh (An Giang) cho rằng khi kêu gọi nhà đầu tư tham gia dự án theo phương thức đối tác công tư phải tính đến việc hài hòa lợi ích cũng như là chia sẻ rủi ro hợp lý của hai bên.
Sáng 17.6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về “Chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước)”.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) có ý nghĩa quan trọng trong kết nối đường cao tốc, kết nối huyết mạch vùng Tây và Đông Nam Bộ.
Theo ông Hòa, về quy mô và dự án đầu tư, cơ quan hữu quan đã hết sức cầu thị, ngoài đầu tư từ ngân sách nhà nước, phải sử dụng từ phương thức đối tác công tư theo quy định và áp dụng cơ chế đặc thù cho đoạn đường này.
Tuy nhiên, đại biểu cho biết, đoạn đường Chơn Thành – Đức Hòa hiện chỉ quy hoạch xây dựng đường cấp 3 đồng bằng, cần nghiên cứu, xem xét nâng cấp đoạn đường này cùng tuyến 4 làn xe như đoạn Gia Nghĩa – Chơn Thành.
Theo quy hoạch, đường sẽ có 6 làn xe, tuy nhiên theo kế hoạch trước mắt sẽ xây dựng 4 làn xe do điều kiện còn hạn chế về nguồn vốn đầu tư, 2 làn xe còn lại sẽ tiếp tục giải phóng mặt bằng, phân kỳ để đầu tư tiếp khi có điều kiện.
Về tác động của dự án tới đường giao thông BOT, theo báo cáo, hiện đã có 2 đường hiện hữu thực hiện BOT, giờ tiếp tục thực hiện theo phương thức BOT thì sẽ dẫn đến bất cập, gây ảnh hưởng đến 2 đường BOT đã hiện hữu. Do vậy, Chính phủ, Bộ GTVT cần nghiên cứu để đảm bảo công bằng, thuận lợi cho các đối tác đầu tư.
Theo đại biểu Trần Văn Tiến, quy mô đầu tư giai đoạn 1 với tổng chiều dài tuyến là 128,8km, quy mô 4 làn xe có làn dừng khẩn cấp, có dải phân cách giữa đáp ứng lưu lượng xe đến năm 2040 và đến năm 2045 sẽ không còn phù hợp.
Về tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư giai đoạn 1, ông Tiến đề nghị xem xét lại lãi suất vay 10,7% để phù hợp với quy định lãi suất vay hiện hành.
Đại biểu Trình Lam Sinh (An Giang) cho rằng khi kêu gọi nhà đầu tư tham gia dự án này theo phương thức đối tác công tư phải tính đến việc hài hòa lợi ích cũng như là chia sẻ rủi ro hợp lý của hai bên. Trong đó Nhà nước cần tạo điều kiện cho nhà đầu tư có phương án thu hồi vốn hiệu quả.
“Điều này rất quan trọng bởi dự án không đủ hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư thì có khi chúng ta phải chuyển dự án sang phương thức đầu tư công thì là lại gây chậm tiến độ, ảnh hưởng đến ngân sách Nhà nước, việc huy động nguồn đóng xã hội để xây dựng các công trình hạ tầng giao thông”, ông Sinh nêu.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Long An) đề cập đến một số vướng mắc liên quan đến quy định về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
Ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết thực tiễn triển khai Điều 4 Nghị quyết 106/2023/QH15 cho thấy còn nhiều vướng mắc về trình tự, thủ tục liên quan đến việc cấp phép các mỏ cát, mỏ đất làm vật liệu san lấp phục vụ thi công đường cao tốc.
Ví dụ, liên quan đến quy hoạch, khoản 1 Điều 4 Luật Khoáng sản quy định khai thác khoáng sản phải phù hợp với quy hoạch khoáng sản, nhưng trên thực tế một số mỏ vật liệu thuộc hồ sơ khảo sát nhưng lại không nằm trong quy hoạch khoáng sản.
Về thủ tục hành chính, dự thảo nghị quyết đã quyết định cơ chế đặc thù không phải cấp giấy phép khai thác khoáng sản, không phải thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, dự thảo nghị quyết chưa tính đến các thủ tục hành chính khác vẫn phải làm như: cấp giấy phép thăm dò khoáng sản; phê duyệt kết quả thẩm định đánh giá tác động môi trường; giấy phép môi trường.
“Như vậy, nếu dự thảo nghị quyết không quy quy định cơ chế đặc thù cho phép miễn những thủ tục này, cả nhà thầu thi công và cơ quan quản lý nhà nước nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với rủi ro pháp lý sau này”, ông Tuấn Anh nêu.
Một vướng mắc nữa là việc điều chỉnh giấy phép khai thác khi nâng công suất, dự thảo nghị quyết chưa có cơ chế đặc thù cho phép được miễn thủ tục điều chỉnh giấy phép khai thác đối với các mỏ đang hoạt động được phép nâng công suất khai thác để phục vụ dự án.
Nếu phải thực hiện điều chỉnh giấy phép khai thác sẽ mất rất nhiều thời gian dẫn đến không đáp ứng được tiến độ, khối lượng vật liệu phục vụ cho dự án.
Theo đại biểu Tuấn Anh, về xử lý khoáng sản làm vật liệu xây dựng dư thừa là cần thiết, nhưng chưa đầy đủ trong thực tế; chưa có quy định xử lý trường hợp đào đắp, san nền có đất, đá, cát dư thừa dự án không có nhu cầu sử dụng, nhưng dự thảo nghị quyết không quy định để xử lý trường hợp này.
Đại biểu nhấn mạnh những vướng mắc nêu trên chắc chắn sẽ gây khó khăn ảnh hưởng lớn đến tiến độ dự án Gia Nghĩa – Chơn Thành. Do vậy đại biểu kiến nghị sửa đổi bổ sung một số cơ chế chính sách đặc biệt tại Điều 3 dự thảo nghị quyết. Trong đó, cần quy định rõ nguyên tắc việc khai thác khoáng sản phục vụ cho dự án thu hồi khoáng sản khi thi công dự án không bắt buộc phải phù hợp với quy hoạch khoáng sản, quy hoạch tỉnh đối với các mỏ vật liệu thuộc hồ sơ khảo sát.
Quy định đối với khối lượng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường dư thừa trong quá trình thi công tuyến đường, thì cho phép nhà thầu thi công cung cấp cho các công trình khác kèm theo các nghĩa vụ tài chính.
Ngoài ra, cần giao quyền cho Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh các quy hoạch khu vực có liên quan để đảm bảo tiến độ thiết kế của dự án. Khi thi công trên đường nếu phát hiện khoáng sản cần phân biệt thành hai loại, một là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; hai là khoáng sản có giá trị cao hơn khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để có cách tiếp cận, xử lý phù hợp với từng loại khoáng sản…