Bị Mỹ và EU đánh thuế, các hãng xe điện Trung Quốc chuyển sang Ấn Độ

Chuyển động - Ngày đăng : 15:02, 19/06/2024

Đài Channel News Asia dẫn lời giới quan sát nhận định các hãng xe điện Trung Quốc có thể đẩy nhanh quá trình chuyển sang Ấn Độ sau khi lần lượt Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) quyết định đánh thuế xe điện nhập từ Trung Quốc.
Chuyển động

Bị Mỹ và EU đánh thuế, các hãng xe điện Trung Quốc chuyển sang Ấn Độ

Cẩm Bình {Ngày xuất bản}

Đài Channel News Asia dẫn lời giới quan sát nhận định các hãng xe điện Trung Quốc có thể đẩy nhanh quá trình chuyển sang Ấn Độ sau khi lần lượt Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) quyết định đánh thuế xe điện nhập từ Trung Quốc.

bi00.jpg

Ngày 12.6 vừa qua, EU thông báo áp dụng mức thuế lên đến 38,1% với xe điện nhập từ Trung Quốc để giải quyết tình trạng cạnh tranh không công bằng. Thuế mới sẽ có hiệu lực từ ngày 4.7.

Tháng trước, Nhà Trắng thông báo Tổng thống Joe Biden quyết định tăng thuế đối với 18 tỉ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong đó xe điện bị đánh thuế 100%.

Hai động thái trên đem lại cơ hội cho Ấn Độ. Theo giám đốc điều hành công ty tư vấn Bexley Advisors Utkarsh Sinha: “Diễn biến như vậy sẽ góp phần hình thành các trung tâm sản xuất mới, có thể là Ấn Độ, Indonesia hay Nhật Bản. Không gì ngăn được Ấn Độ trở thành trung tâm sản xuất xe điện, sẽ có cách xây dựng mối quan hệ cùng có lợi với Trung Quốc”. Ông còn nhận định liên doanh với đối tác Trung Quốc giúp cường quốc Nam Á này phát triển năng lực sản xuất nội địa. Ngoài ra New Delhi cũng cần đầu tư nước ngoài để phát triển lĩnh vực xe điện trong nước đồng thời giải quyết loạt vấn đề hiện tại (chẳng hạn chi phí phương tiện cao, thiếu hạ tầng sạc).

Tuy nhiên, giới quan sát dự đoán dù được hưởng lợi do đầu tư từ Trung Quốc tăng, Ấn Độ sẽ không cho đối thủ chiếm thị phần quá lớn. Ngoài ra họ còn phải đề phòng nguy cơ trở thành “bãi rác” cho xe điện Trung Quốc.

Lĩnh vực giàu tiềm năng phát triển

Thị trường xe điện Ấn Độ vẫn mới ở giai đoạn sơ khai mặc dù nước này là quốc gia đông dân nhất và là thị trường ô tô lớn thứ 3 thế giới. Trong năm ngoái chỉ có 2% số xe bán ra tại đây là xe điện (khoảng 900.000 chiếc). Chính phủ đặt mục tiêu nâng tỷ lệ này lên 30% vào năm 2030, nội địa hóa số xe sản xuất lẫn linh kiện đi kèm nhiều nhất có thể.

Để đạt mục tiêu trên, Ấn Độ áp dụng nhiều ưu đãi tài chính cho hãng sản xuất ngay tại nước này cũng như trợ cấp cho người mua xe điện. Thuế nhập khẩu xe điện hiện dao động từ 70 - 100% tùy giá trị phương tiện.

Tháng 3 vừa qua, New Delhi bất ngờ giảm thuế với ô tô cao cấp (trị giá ít nhất 35.000 USD) xuống 15%, động thái dường như nhằm mời gọi Tesla.

Tiềm năng của thị trường Ấn đã thu hút một số hãng xe điện Trung Quốc như BYD hay MG Motor. Nhưng nỗ lực xâm nhập thị trường bị đình trệ, năm ngoái BYD hủy kế hoạch đầu tư 1 tỉ USD vào đối tác liên doanh địa phương sau khi New Delhi xem xét kỹ lưỡng thương vụ. Một năm trước đó đơn vị sản xuất xe thể thao đa dụng lớn nhất Trung Quốc Great Wall Motors tuyên bố rời khỏi Ấn Độ, kết thúc 2 năm đầu tư mở rộng hoạt động.

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng do cuộc đụng độ chết người ở biên giới, chính phủ Ấn áp đặt không ít hạn chế đầu tư với quốc gia láng giềng. Đồng sáng lập kiêm giám đốc công ty khởi nghiệp xe điện Raptee Dinesh Arjun cho biết chính loạt hạn chế về thành lập công ty khiến các hãng xe Trung Quốc rút lui. Chỉ riêng MG Motor trụ lại nhờ hợp tác cùng đối tác địa phương.

Cẩm Bình