Bạc Liêu: Hợp tác xã hướng tới sản xuất nông nghiệp khép kín

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 10:30, 20/06/2024

Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Vĩnh Cường (xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hoà Bình, tỉnh Bạc Liêu) đang hướng đến mô hình sản xuất nông nghiệp khép kín, giảm phát thải. Hiện vùng trồng cây của HTX này có mặt tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL với 72.000ha và chỉ tính riêng ở Bạc Liêu đã có 27.000ha.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Bạc Liêu: Hợp tác xã hướng tới sản xuất nông nghiệp khép kín

Trần Khải 20/06/2024 10:30

Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Vĩnh Cường (xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hoà Bình, tỉnh Bạc Liêu) đang hướng đến mô hình sản xuất nông nghiệp khép kín, giảm phát thải. Hiện vùng trồng cây của HTX này có mặt tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL với 72.000ha và chỉ tính riêng ở Bạc Liêu đã có 27.000ha.

Hướng đến sản xuất khép kín

Lâu nay, người dân địa phương hay gọi HTX nông nghiệp Vĩnh Cường là HTX có quy mô sản xuất không chỉ lớn nhất Bạc Liêu mà còn ở vùng ĐBSCL. Quy trình sản xuất của HTX này rất chặt chẽ, bài bản, khoa học từ khâu đầu cho đến đầu ra. Đơn vị cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm của nông dân và nhờ sự hiệu quả nên đến nay HTX Vĩnh Cường đã thu hút hơn 5.000 xã viên tham gia sản xuất.

Ông Trịnh Văn Cường, Giám đốc HTX nông nghiệp Vĩnh Cường cho hay, từ nhiều năm nay, đơn vị là cầu nối đưa lúa gạo miền Tây đi “xuất ngoại”. “Giờ HTX đã xây dựng được thương hiệu để đảm bảo uy tín của mình nên tôi chỉ chuyên về cung cấp lúa giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho bà con xã viên. Hiện vùng trồng cây của HTX là hơn 72.000ha, tập trung ở nhiều tỉnh miền Tây như: An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Hậu Giang”, ông Cường nói.

2.jpg
Vùng trồng của HTX nông nghiệp Vĩnh Cường rất rộng lớn, tập trung ở nhiều tỉnh vùng ĐBSCL

Theo Giám đốc HTX Vĩnh Cường, giờ HTX đã lớn mạnh, ông chỉ tập trung vào phát triển vùng nguyên liệu liên kết bao tiêu sản phẩm là đã đủ mệt. “Nông dân giờ khỏe re, từ khâu cải tạo đất, gieo sạ, phân thuốc, thu hoạch đều được HTX trang bị đầy đủ hết. Bà con chỉ việc “chắp tay” đi quanh ruộng nhà rồi chờ đến ngày thu hoạch lấy tiền. Tất cả công đoạn sản xuất đều đã có người làm hết. Đời sống nông dân được nâng lên, lợi nhuận cao hơn nhiều so với trước”, ông Cường cho biết thêm.

Cuối tháng 6, thời tiết vùng ĐBSCL trở nên mát mẻ, tần suất những cơn mưa đầu mùa diễn ra ngày càng nhiều. Thời tiết thuận lợi, bà con xã viên trên cánh đồng sản xuất lúa khép kín của HTX nông nghiệp Vĩnh Cường tất bật công việc thường nhật là cải tạo ruộng đồng chuẩn bị cho mùa vụ mới. Nhìn xa xa là cánh đồng điện gió ở huyện Hòa Bình đang hoạt động, tạo ra một không gian bình yên ở vùng quê đang đổi thay và phát triển từng ngày.

Chuẩn bị cải tạo ruộng đồng, ông Hiền, một nông dân ở địa phương chỉ tay về phía xa nói: “Khu này là của HTX, từ khi bà con chúng tôi tham gia vào đây để sản xuất thì đời sống được nâng lên rõ rệt. Chúng tôi làm gì cũng có HTX định hướng, hỗ trợ kỹ thuật canh tác. Đặc biệt, bà con không còn sợ cảnh bị thương lái ép giá vì tất cả đã có HTX bao tiêu với giá cao hơn thị trường”.

Nhìn lại quá trình tham gia HTX so với thời gian trước đó, nhiều xã viên của HTX đánh giá rằng, từ kỹ thuật sản xuất, quy trình bón phân, thu hoạch lúa, tiêu thụ… đều được cơ giới hóa nên việc sử dụng sức người trong sản xuất là gần như không còn.

“Chẳng còn ai sử dụng sức người nữa, đó là bước tiến nhảy vọt trong sản xuất lúa hiện nay ở HTX nông nghiệp Vĩnh Cường. Trước đây, từ khâu gieo sạ đến thu hoạch khiến người nông dân mất rất nhiều thời gian và chi phí sản xuất. Hiện nay, phần việc đó đã được Ban giám đốc HTX lo hết, nông dân chẳng mất tiền mà còn tăng thu nhập như vậy ai mà không khoái. Thấy được lợi ích đó, nhiều người đã chủ động xin tham gia vào quy trình sản xuất của HTX”, một xã viên chia sẻ.

Theo Giám đốc HTX nông nghiệp Vĩnh Cường, trước đây cứ một công đất thì nông dân thu lãi từ 1 - 2 triệu đồng là mừng. Còn bây giờ, mỗi công họ có thể thu về khoản lợi nhuận từ 4 - 5 triệu đồng nên bà con ai cũng vui và phấn khởi. Khoa học kỹ thuật tiên tiến được áp dụng nên việc sản xuất nông nghiệp nhẹ nhàng; phun xịt phân thuốc thì bằng máy bay, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp nên việc làm ruộng bây giờ không còn cơ cực, vất vả như ngày trước.

Sắp tới, HTX sẽ định hướng bà con xã viên sản xuất theo mô hình khép kín, phân chia khu vực để tiện quản lý. “Cái khó hiện nay là thay đổi tư duy, tập quán sản xuất của nông dân. Nhưng dù khó mấy thì HTX cũng phải cố gắng tuyên truyền, định hướng cho bà con xóa bỏ tư duy sản xuất cũ và áp dụng kỹ thuật mới trong sản xuất. Hiện HTX Vĩnh Cường tập trung sản xuất lúa giảm phát thải, để bán tín chỉ carbon theo đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao theo chủ trương của Bộ NN-PTNT”, ông Cường cho hay.

Xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, được cấp mã vùng trồng

Ông Trịnh Văn Cường, Giám đốc HTX nông nghiệp Vĩnh Cường đánh giá, trong đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp, ở khâu thực hiện nhỏ nhất chính là việc không đốt rơm rạ đã rất khó.

lua.jpg
HTX hướng đến vùng nguyên liệu ổn định, được cấp mã vũng trồng

“Cứ 10 người làm ruộng thì có 9 người đốt rơm rạ rồi. Muốn thay đổi tư duy của bà con là cả quá trình dài. Tôi thấy ở An Giang, tư duy sản xuất của bà con rất hiện đại, chưa bao giờ họ đốt một cọng rơm nào. Khi thu hoạch, người ta sử dụng máy gặt đập, sau đó vùi rơm rạ xuống bùn đất để tạo ra phân hữu cơ.

Còn ở Bạc Liêu mình, bà con nông dân vẫn còn phong tục hay đốt rơm rạ sau mùa vụ. Riêng về quy trình sản xuất theo đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp thì hầu hết người dân đã có ý thức tốt. Muốn bán tín chỉ carbon mà đốt rơm thì còn gì đâu để làm. Nếu không đốt, bà con sẽ có thêm nguồn thu nhập từ việc bán rơm. Thuốc, phân bón và các quy trình liên quan đến sản xuất đa phần đã được nông dân ở HTX áp dụng đúng và đi vào nền nếp”, ông Cường cho biết thêm.

Chia sẻ về ý tưởng của mình, Giám đốc HTX nông nghiệp Vĩnh Cường khẳng định, ông sẽ hướng đến việc xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, được cấp mã vùng trồng. Tất cả quy trình sản xuất đều được đưa lên hệ thống quản lý của ngành nông nghiệp để được kiểm soát chặt chẽ theo quy định.

Trần Khải