Vì sao Hezbollah dọa tấn công Cộng hòa Cyprus?

Góc nhìn - Ngày đăng : 20:49, 21/06/2024

Đài CNN chỉ ra lý do Cộng hòa Cyprus bất ngờ nhận phải lời đe dọa tấn công từ nhóm Hezbollah ở Lebanon.
Góc nhìn

Vì sao Hezbollah dọa tấn công Cộng hòa Cyprus?

Cẩm Bình {Ngày xuất bản}

Đài CNN chỉ ra lý do Cộng hòa Cyprus bất ngờ nhận phải lời đe dọa tấn công từ nhóm Hezbollah ở Lebanon.

Tuần qua, thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah tuyên bố cuộc chiến toàn diện giữa nhóm này với Israel đang đến rất gần. Ông đe dọa nhắm mục tiêu vào Cộng hòa Cyprus nếu quốc gia Địa Trung Hải này để cho lực lượng Israel sử dụng sân bay và căn cứ quân sự của nước mình. Đáp lại, Tổng thống Cộng hòa Cyprus Nikos Christodoulides phủ nhận ý muốn can dự vào cuộc chiến.

Giới chuyên gia nhận định một cuộc chiến toàn diện như lời thủ lĩnh Nasrallah khó lòng xảy ra, tuy nhiên lời đe dọa mà Cộng hòa Cyprus nhận được phản ánh nguy cơ một thành viên Liên minh châu Âu (EU) bị cuốn vào căng thẳng ở Trung Đông.

vi00.jpg
Thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah - Ảnh: AP

Vị trí quan trọng của Cộng hòa Cyprus

Cyprus nằm phía đông Địa Trung Hải, giữa Đông Âu với Trung Đông. Hòn đảo có diện tích gấp đôi bang Delaware (Mỹ) và được chia thành hai phần: phần phía nam nói tiếng Hy Lạp là Cộng hòa Cyprus, phần còn lại nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ mang tên Cộng hòa Bắc Cyprus thuộc Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là kết quả của tình trạng đối đầu giữa Hy Lạp với Thổ Nhĩ Kỳ hàng thập kỷ nay. Phần lớn cộng đồng quốc tế công nhận Cộng hòa Cyprus.

Cộng hòa Cyprus là thành viên EU nhưng chưa gia nhập NATO. Nước này chỉ có khoảng 920.000 dân, thủ đô là Nicosia.

vi01.jpg
Vị trí địa lý khiến Cộng hòa Cyprus dễ bị cuốn vào căng thẳng Trung Đông - Ảnh: CNN

Quan hệ Cộng hòa Cyprus - Israel

Quan hệ ngoại giao giữa hai nước bắt đầu từ năm 1960, sau khi Cộng hòa Cyprus thoát khỏi ách thống trị của thực dân Anh. Đến năm 1994 họ mới mở đại sứ quán tại Tel Aviv.

Trong những năm 1980 và 1990, quan hệ dần căng thẳng vì Israel trở nên thân thiết với Thổ Nhĩ Kỳ cộng thêm xung đột Ả Rập - Israel (Cộng hòa Cyprus đứng về phía khối Ả Rập và ủng hộ nhà nước Palestine).

Đến những năm cuối thập niên 1990 và năm 2000, mối quan hệ này được phục hồi khi Israel chuyển hướng sang phía đông Địa Trung Hải tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh tế. Giới chuyên gia cho rằng Israel còn xem Cộng hòa Cyprus như đối tác giúp ngăn chặn nhiều mối đe dọa trong khu vực, đặc biệt là các nhóm vũ trang được Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Iran hậu thuẫn.

Israel vài năm gần đây thường tổ chức huấn luyện binh sĩ chuẩn bị cho tình huống nổ ra chiến tranh với Hezbollah tại Cộng hòa Cyprus. Theo quân đội Israel, địa hình ở Cyprus giống địa hình ở Lebanon.

Năm 2022, hai nước tiến hành tập trận chung. Truyền thông đưa tin một số cuộc diễn tập tập trung vào chiến đấu nhiều mặt trận, đối phó Hezbollah. Lần tập trận chung mới nhất là tháng 5.2023.

Lập trường của Cộng hòa Cyprus với xung đột ở Dải Gaza

Cộng hòa Cyprus bác bỏ mọi ý kiến cho rằng nước này can dự xung đột, đồng thời nhấn mạnh họ có góp sức đưa hàng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza.

Vào tháng 3, Cộng hòa Cyprus cho phép sử dụng các cảng của mình để tập kết hàng viện trợ rồi vận chuyển đến Gaza bằng đường biển. EU cũng lập nên trung tâm hậu cần tại đây để điều phối công tác vận chuyển.

Ngoài ra, Cộng hòa Cyprus còn chỉ trích một số hành động của Israel tại Gaza, chẳng hạn như cản trở phân phối hàng viện trợ. Vào tháng 4, quốc gia Địa Trung Hải cùng Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) ra tuyên bố chung lên án đợt tấn công khiến 7 nhân viên tổ chức từ thiện World Central Kitchen thiệt mạng. Nước này cũng nhiều lần lên án vụ tập kích Israel ngày 7.10.2023 do Hamas thực hiện.

Khả năng Cộng hòa Cyprus bị cuốn vào căng thẳng Trung Đông

Do nằm gần Trung Đông đầy biến động nên Cộng hòa Cyprus từng vướng vào xung đột. Năm 2019, một tên lửa do Nga sản xuất phát nổ trên bầu trời phía bắc Nicosia. Giới chức Cyprus xác định tên lửa có liên quan đến hoạt động quân sự ở Syria.

Lần này Cộng hòa Cyprus bất ngờ nhận lời đe dọa từ Hezbollah. Theo nhà phân tích Iran Mohammad Ali Shabani (trang Amwaj.media), kịch bản Israel dùng căn cứ trên lãnh thổ quốc gia Địa Trung Hải tấn công Hezbollah sẽ khiến căng thẳng Trung Đông lan sang châu Âu.

Tuy nhiên tiến sĩ Lina Khatib (tổ chức nghiên cứu Chatham House) nhận định khả năng nổ ra một cuộc chiến toàn diện giữa Hezbollah với Israel không cao vì cả hai đều không muốn. Mỹ cũng không muốn Israel “lưỡng bề thọ địch”, đem lại cái cớ cho Iran hành động.

Cẩm Bình