Euro 2024: Tuyển Thổ Nhĩ Kỳ là 'đội nhà' thứ hai

Thể thao - Ngày đăng : 16:30, 24/06/2024

Tờ The New York Times ghi nhận nhiều người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ không chọn ủng hộ đội tuyển nước chủ nhà.
Thể thao

Euro 2024: Tuyển Thổ Nhĩ Kỳ là 'đội nhà' thứ hai

Cẩm Bình 24/06/2024 16:30

Tờ The New York Times ghi nhận nhiều người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ không chọn ủng hộ đội tuyển nước chủ nhà.

Erkan Aykan lớn lên trong một gia đình Thổ Nhĩ Kỳ sống tại thành phố công nghiệp Gelsenkirchen - cùng quê với tiền vệ nổi tiếng Ilkay Gundogan. Ông khoe rằng mình quen người nhà của đội trưởng tuyển Đức. Người anh trai Talha cũng nói với The New York Times rằng mình từng chơi bóng với Gundogan lúc nhỏ.

Cả hai tỏ rõ niềm tự hào và đều mong muốn Gundogan thi đấu tốt. Nhưng giống như hàng triệu người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ khác, họ không cổ vũ tuyển Đức.

Với hơn 7 triệu người, cộng đồng người gốc Thổ Nhĩ Kỳ là nhóm thiểu số lớn nhất ở Đức - quốc gia lớn nhất châu Âu. Không ít người cũng đối mặt với lựa chọn bản sắc như anh em nhà Aykan và đều đưa ra quyết định tương tự.

Giám đốc kỹ thuật Liên đoàn Bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ Hamit Altintop chia sẻ: “Lúc chúng tôi vượt qua vòng loại Euro 2024, tôi nói với những người bạn Đức của mình rằng giờ đây có hai nước chủ nhà. Thổ Nhĩ Kỳ là chủ nhà thứ hai”.

euro.jpg

Cộng đồng người gốc Thổ Nhĩ Kỳ là di sản thời Đức chào đón lao động nước ngoài sang giúp tái thiết đất nước hậu Thế chiến thứ hai. Nhiều lao động ở lại, lập gia đình rồi sinh ra thế hệ sau. Mỗi thành phố lớn cùng hàng loạt thành phố nhỏ đều có ít nhất một khu phố Thổ Nhĩ Kỳ - nơi trẻ em lớn lên trong gia đình như nhà Aykan.

Vì vậy, chẳng có gì ngạc nhiên khi tuyển Thổ Nhĩ Kỳ ra quân trận đầu tiên gặp đối thủ Georgia, có cảm giác họ đang thi đấu trên sân nhà. Khi đó, một góc sân vận động Westfalenstadion là “biển người” màu đỏ trắng (quốc kỳ Thổ Nhĩ Kỳ).

Trước trận đấu, hàng nghìn người gồm cả anh em nhà Aykan mặc trang phục in hình quốc kỳ Thổ Nhĩ Kỳ đến điểm hẹn cách sân vận động chưa đầy 2km, hát và nhảy điệu múa dân gian Thổ Nhĩ Kỳ. Thế nhưng, họ cổ vũ và trò chuyện bằng tiếng Đức, thưởng thức bia Đức.

Theo giáo sư xã hội học Aladin El-Mafaalani (Đại học Kỹ thuật Dortmund): “Có hai trái tim trong một lồng ngực chẳng phải điều bất thường đối với người di cư ở bất cứ đâu trên thế giới. Bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ cấp câu lạc bộ lẫn cấp đội tuyển quốc gia kết nối các thế hệ người Thổ Nhĩ Kỳ nhập cư, là một phần bản sắc lẫn liên kết xã hội. Hầu hết người gốc Thổ Nhĩ Kỳ chọn ủng hộ tuyển Thổ Nhĩ Kỳ nhưng như vậy không có nghĩa họ chống lại tuyển Đức”.

Từ thành phố Koblenz đến xem tuyển Thổ Nhĩ Kỳ thi đấu cùng 10 người bạn khoảng 20 tuổi, Salih Halil cho biết: “Đức là quê hương của chúng tôi, nhưng trái tim chúng tôi dành cho Thổ Nhĩ Kỳ”.

Trong Bảo tàng bóng đá Đức có bức ảnh thành viên tuyển Đức vô địch World Cup 2014 Mesut Özil chụp ảnh cùng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan năm 2018. Thời điểm đó bức ảnh làm dấy lên tranh cãi đến mức tiền vệ tài hoa quyết định rút khỏi đội tuyển quốc gia kèm lời phát biểu: “Chúng tôi được xem như người Đức khi giành chiến thắng, còn khi thất bại thì là người nhập cư”.

Gundogan từng bị chế giễu nhiều tháng vì một bức ảnh tương tự chụp năm ngoái. Nhân viên bảo tàng Zeynep Bakan nói rằng đây là lý do người gốc Thổ Nhĩ Kỳ thế hệ thứ hai, thứ ba thậm chí thứ tư lại gắn bó với quê hương tổ tiên họ hơn.

Tuyển Thổ Nhĩ Kỳ dự Euro năm nay còn có một điểm thu hút khác: 5 thành viên đội tuyển sinh ra ở Đức, đặc biệt đội trưởng Hakan Calhanoglu cùng quê với Gundogan. Vài cầu thủ khác sinh ra ở Hà Lan hoặc Áo.

Cẩm Bình