Cước tin nhắn ngân hàng cao gấp 3, nhà mạng vẫn không chịu giảm

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 19:39, 20/07/2020

Thời gian qua, các ngân hàng đã miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng dịch vụ với tổng số tiền giảm ước khoảng 1.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, các ngân hàng lại bị doanh nghiệp viễn thông áp dụng cước phí tin nhắn cao gấp 3 lần thông thường.
Cước tin nhắn ngân hàng cao gấp 3 tin nhắn thông thường - Ảnh: Internet

Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19, ngành ngân hàng đã nhiều lần giảm mạnh phí hỗ trợ khách hàng. Tuy nhiên, ngành ngân hàng lại chưa được các đối tác hỗ trợ giảm phí.

Hiện tại, MobiFone và VinaPhone đang áp dụng mức 820 đồng/tin nhắn giao dịch tài chính, 500 đồng/tin nhắn quảng cáo chăm sóc khách hàng. Tương tự, Viettel là 500 đồng/tin nhắn (không phân biệt loại tin nhắn), song từ năm 2019 Viettel đã nâng mức giá cước lên 785 đồng/tin nhắn đối với tin nhắn giao dịch tài chính.

Trường hợp sử dụng đầu số thuê bao cung cấp dịch vụ tin nhắn của đơn vị trung gian, các ngân hàng đều chịu phí SMS trực tiếp từ nhà mạng hoặc đối tác của nhà mạng, mức phí SMS Branding khoảng 720 đồng/tin nhắn.

Như vậy, mức giá cước tin nhắn mà các doanh nghiệp viễn thông đang áp dụng đối với các ngân hàng cao gấp gần 3 lần so với tin nhắn thông thường (tin nhắn giữa các cá nhân đơn lẻ ở mức 250-300 đồng/tin nhắn).

Tính toán của Hiệp hội Ngân hàng cho biết trong cơ cấu phí thu từ khách hàng, phí SMS Banking được ngân hàng thu ở mức thấp và chỉ thu 1 lần/tháng (từ 5.500 đồng/tháng đến 8.800 đồng/tháng, một vài ngân hàng thu 11.000 đồng/tháng). Nhiều ngân hàng đang áp dụng chính sách miễn phí cho khách hàng nhằm tăng tiện ích công nghệ cho khách hàng, người dân và đẩy mạnh chuyển đổi sang giao dịch trực tuyến.

Mỗi giao dịch chuyển tiền, thanh toán đều cần gửi ít nhất 2 tin nhắn cho khách hàng. Thực tế một ngân hàng miễn phí cho khách hàng đang phải chi trả và chịu lỗ chi phí tin nhắn bình quân là 1.640 đồng/giao dịch thanh toán.

Bình quân mỗi khách hàng có từ 15-20 giao dịch/tháng, tương đương 25-30 tin nhắn/tháng, tương đương khoảng 20.000-25.000 đồng/tháng. Trong khi đó, giá cước tin nhắn mà các doanh nghiệp viễn thông đang áp dụng đối với ngân hàng cao gấp 3 lần so với tin nhắn thông thường. Hàng tháng, một ngân hàng quy mô nhỏ phát sinh khoảng 9 - 11 triệu tin nhắn/tháng thì phải trả doanh nghiệp viễn thông từ 7,5 - 9 tỉ đồng/tháng.

Đơn cử, tại BIDV, sản lượng SMS tăng qua các năm, như năm 2017 là 365,58 triệu tin; năm 2018 là 473,62 triệu tin; năm 2019 là 635,48 triệu tin; 5 tháng đầu năm 2020 là 320,38 triệu tin. Như vậy, tổng sản lượng 3 năm và 5 tháng đầu năm 2020 xấp xỉ 1.900 triệu tin nhắn, chi phí khoảng gần 1.200 tỉ đồng. Căn cứ nhịp độ sản lượng tin nhắn năm nay, BIDV ước tính sẽ phải bù lỗ khoảng 500 tỉ đồng.

Trước tình hình đó, Hiệp hội Ngân hàng vừa có công văn tới Bộ Thông tin - Truyền thông về việc đề nghị doanh nghiệp viễn thông giảm cước tin nhắn đối với các dịch vụ tài chính ngân hàng. Đây là lần thứ 3 trong năm Hiệp hội này đề nghị Bộ chỉ đạo quyết liệt các doanh nghiệp viễn thông thực hiện điều chỉnh giảm giá phí (cước) tin nhắn SMS đối với dịch vụ tài chính ngân hàng. Mức giảm được kiến nghị xuống bằng giá cước tin nhắn thông thường, hoặc bằng 50% giá cước tin nhắn hiện nay, hoặc bằng mức giá của Vietnammobile (280-400 đồng/tin nhắn giao dịch tài chính, 500 đồng/tin nhắn quảng cáo chăm sóc khách hàng).

Đáng chú ý, sau công văn gửi đi lần thứ nhất vào ngày 9.4.2020 của Hiệp hội Ngân hàng, ngày 20.4, Cục Viễn thông cũng có văn bản đề nghị các doanh nghiệp nghiên cứu, xem xét giảm giá cước tin nhắn đối với các dịch vụ tài chính ngân hàng để chia sẻ, giảm bớt gánh nặng chi phí cho các ngân hàng khi thực hiện chính sách miễn, giảm phí sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Tiếp đó, ngày 17.6, Hiệp hội Ngân hàng lại có kiến nghị về nội dung này. Tuy nhiên, đến nay Hiệp hội Ngân hàng vẫn chưa nhận được thông tin kết quả xử lý của Bộ Thông tin - Truyền thông. Còn các doanh nghiệp viễn thông di động vẫn chưa có động thái giải quyết yêu cầu của các ngân hàng.

Phan Diệu