Đài NBC dùng phiên bản AI của BLV thể thao kỳ cựu ở Thế vận hội Mùa hè Paris gây lo lắng
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 17:39, 28/06/2024
Đài NBC dùng phiên bản AI của BLV thể thao kỳ cựu ở Thế vận hội Mùa hè Paris gây lo lắng
Đài NBC (Mỹ) quyết định dùng phiên bản trí tuệ nhân tạo (AI) của một bình luận viên thể thao còn sống trong Thế vận hội Mùa hè Paris khiến nhiều người lo lắng.
NBC, đài truyền hình phát sóng Thế vận hội Mùa hè vào tháng tới, là nơi quy tụ nhiều huyền thoại bình luận thể thao. Họ xuất hiện trên truyền hình Mỹ vài năm một lần tại các kỳ Thế vận hội.
Năm nay, NBC đang tạo ra phiên bản AI của Al Michaels (79 tuổi), một trong những bình luận viên được đánh giá cao.
"Thành thật mà nói, điều đó thật đáng kinh ngạc. Nó thật tuyệt vời và có một chút đáng sợ", Al Michaels nói với trang Vanity Fair.
Phiên bản AI của Michaels sẽ tạo ra các bản tóm tắt hàng ngày trên Peacock - dịch vụ phát trực tuyến thuộc NBC. Michaels nói với Vanity Fair rằng ban đầu ông "rất hoài nghi" về ý tưởng này khi các sếp lớn NBC nói về nó, nhưng bình luận viên kỳ cựu này đã bị thuyết phục khi nghe giọng nói nhân tạo của mình.
"Nó không chỉ gần giống, mà còn gần như hoàn hảo đến 98%. Nó nghe giống như những gì tôi có thể nói trong những tình huống nhất định", Michaels chia sẻ với Vanity Fair.
Tin tức này xuất hiện trong bối cảnh ngành truyền thông đang lo ngại về việc AI thay thế con người trong nhiều việc. Các nhà biên kịch Hollywood đã đình công gần 150 ngày trong năm 2023, một phần để bảo vệ công việc của họ khỏi bị AI thay thế. Một phát ngôn viên của NBC nói rằng Michaels đã được trả tiền cho việc sử dụng giọng nói của ông để đào tạo AI.
Một số người không hào hứng với việc này. Nhà làm phim và diễn viên Justine Bateman đã chia sẻ ảnh chụp màn hình tin tức về Michaels và gắn thẻ kênh NBC Sports trong bài đăng trên mạng xã hội X kèm bình luận: "Điều này thật tệ". Nằm trong số những người đình công ở Hollywood, Justine Bateman trước đó nói với trang The Hollywood Reporter rằng việc đưa AI vào nghệ thuật là "hoàn toàn sai hướng".
Những người khác trên X chỉ ra rằng Michaels "vẫn còn sống rất khỏe mạnh", đặt câu hỏi về sự cần thiết từ việc tạo ra một phiên bản AI của ông.
NBC cho biết trong thông cáo báo chí rằng AI sẽ "cung cấp cho người hâm mộ danh sách phát tùy chỉnh của riêng họ, gồm cả nội dung nổi bật các sự kiện liên quan nhất đến họ từ ngày hôm trước".
"Mỗi bản tổng hợp sẽ có các clip từ chương trình Thế vận hội Paris của NBCUniversal (công ty mẹ NBC) và được tường thuật lại bởi phiên bản AI chất lượng cao của Michaels. Phiên bản AI này được đào tạo bằng cách sử dụng các lần xuất hiện trước đó của Michaels trên NBC và phù hợp với chuyên môn lẫn cách diễn đạt đặc trưng của ông", NBC cho biết.
Các clip được cá nhân hóa sẽ có khoảng 10 phút nội dung và những bản tóm tắt sẽ được biên tập viên NBCUniversal xem xét "để đảm bảo chất lượng cùng độ chính xác trước khi chúng được cung cấp cho người dùng".
Thế vận hội Paris khai mạc vào hôm 26.7 và bế mạc ngày 11.8, có 32 môn thể thao với 329 nội dung thi đấu. Đây sẽ là lần thứ 3 Pháp đăng cai Thế vận hội Mùa hè, đánh dấu 100 năm kể từ Thế vận hội Paris 1924.
Trào lưu dùng AI dẫn chương trình truyền hình thay người thật
Nhiều đài truyền hình tại châu Á đang sử dụng AI dẫn chương trình (được tạo bằng phần mềm) để thay thế cho người thật.
Tháng 11.2018, hãng thông tấn Tân Hoa Xã (Trung Quốc) đã giới thiệu AI dẫn chương trình truyền hình đầu tiên trên thế giới.
AI dẫn chương trình này được dựng thành mô hình kỹ thuật số dựa trên hình ảnh của một người thật, sau đó sử dụng kỹ xảo máy tính để tạo khẩu hình, biểu cảm khuôn mặt… khi lên sóng. Giọng đọc của nó được tạo ra bằng AI.
Đến tháng 2.2019, Tân Hoa Xã tiếp tục giới thiệu AI dẫn chương trình khác với gương mặt và giọng đọc nữ. Tân Hoa Xã cho biết giọng nữ khi xử lý bằng AI có thể tạo được sự hấp dẫn và lôi cuốn hơn khi đọc nội dung.
Hai AI dẫn chương trình là sản phẩm hợp tác giữa Tân Hoa Xã với hãng công nghệ Sogou (công ty con của Tencent), có trụ sở tại thủ đô Bắc Kinh.
Khi AI gây sốt trên toàn cầu, trào lưu AI dẫn chương trình đã xuất hiện tại nhiều đài truyền hình ở châu Á.
Vào tháng 4.2023, kênh truyền hình India Today Group giới thiệu AI dẫn chương trình có tên Sana, sở hữu làn da trắng, mái tóc đen dài. Nó dẫn những chương trình truyền hình bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.
India Today Group cho biết Sana có thể dẫn chương trình bằng 75 ngôn ngữ, gồm cả tiếng Anh, Pháp, Hindi…
Không lâu sau đó, một kênh truyền hình khác của Ấn Độ là Odisa TV cũng giới thiệu AI dẫn chương trình có tên Lisa. Nó xuất hiện trong bộ sari truyền thống của Ấn Độ, dẫn chương trình bằng tiếng Hindi và tiếng Odia, một ngôn ngữ địa phương tại Ấn Độ.
Hai AI dẫn chương trình này có những biểu cảm trên gương mặt nhưng không thực hiện các động tác tay như người thật.
Cũng trong tháng 4, tvOne (một trong những mạng lưới truyền hình miễn phí được xem nhiều nhất tại Indonesia) đã giới thiệu ba AI dẫn chương trình là Sasya, Nadira và Bhoomi.
Quốc gia láng giềng Malaysia cũng giới thiệu hai AI dẫn chương trình có tên Joon và Monica. Trong khi Joon xuất hiện với hình ảnh một người đàn ông châu Á và đọc bản tin bằng tiếng Malaysia, Monica lại có gương mặt của cô gái phương Tây và đọc tin tức bằng tiếng Anh.
Sau đó, kênh truyền hình FTV News (Đài Loan) giới thiệu AI dẫn chương trình thời tiết. Nó là sản phẩm được tạo bởi công ty AIGC.
Không nằm ngoài trào lưu AI dẫn chương trình, hãng truyền thông Kuwait News (Kuwait) cũng giới thiệu AI dẫn chương trình thời sự có tên Fedha. Nó có hình dạng cô gái với phong cách thời trang và gương mặt phương Tây, thay vì mặc những bộ trang phục truyền thống của Kuwait.
Fedha được sử dụng để đọc các bản tin thời sự bằng tiếng Anh và tiếng Ả Rập. Nó có biểu cảm gương mặt và mấp máy miệng như người thật, nhưng phần cơ thể vẫn chưa có được sự chuyển động.
Việc sử dụng AI dẫn chương trình đã gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận lẫn các chuyên gia về truyền thông.
Ưu điểm không thể chối cãi của AI dẫn chương trình đó là có thể làm liên tục mà không cần nghỉ ngơi, giúp nâng cao hiệu quả công việc và giảm chi phí sản xuất chương trình truyền hình.
Tuy nhiên, nhiều người lo ngại rằng việc sử dụng AI dẫn chương trình với giọng đọc bằng máy sẽ làm mất đi sự hấp dẫn và lôi cuốn của các chương trình truyền hình, khiến người xem sẽ cảm thấy nhàm chán khi không còn nhìn thấy biểu cảm thực sự của con người trước những tin tức chấn động hoặc gây sốc.
Chắc chắn đối tượng lo ngại nhất khi xuất hiện AI dẫn chương trình là những nhân viên tại các đài truyền hình, khi họ đối mặt với nguy cơ bị AI chiếm mất công việc.
Dù vậy, vẫn cần rất nhiều thời gian để AI có thể thay thế hoàn toàn con người trong công việc dẫn chương trình truyền hình.
AI dẫn chương trình làm rung chuyển ngành truyền thông Ấn Độ
Khán giả đã đưa ra nhiều ý kiến trái chiều khi đài truyền hình Odisha TV (Ấn Độ) vào năm ngoái giới thiệu AI dẫn chương trình mang tên Lisa , từ "phá cách" đến "máy móc" và "vô cảm".
Jagi Mangat Panda, người đứng đầu Odisha TV, đã ca ngợi màn ra mắt của Lisa là "cột mốc quan trọng trong việc phát sóng truyền hình và báo chí kỹ thuật số".
Mặc bộ sari màu hạt dẻ và vàng, công việc của Lisa sống động như người thật khi cung cấp các bản tin trên nền tảng kỹ thuật số, đọc lá số tử vi, cập nhật thông tin về thời tiết và thể thao.
Jagi Mangat Panda giải thích rằng mục tiêu của việc sử dụng AI dẫn chương trình là để nó xử lý công việc lặp đi lặp lại và giải phóng nhân viên để "tập trung làm việc sáng tạo hơn, mang lại tin tức chất lượng tốt hơn".
Thế nhưng, sự xuất hiện của Lisa và sự gia tăng các newsbot từng khuấy động cuộc tranh luận về tương lai truyền thông ở Ấn Độ - quốc gia đông dân nhất thế giới. Hiện tượng này cũng xuất hiện ở các thị trường châu Á khác, từ Trung Quốc đến Đông Nam Á, nơi người dẫn chương trình AI đang bắt đầu thay đổi diện mạo của việc phát sóng tin tức.
AI mang đến công cụ đặc biệt mạnh mẽ để tiếp cận khán giả ở Ấn Độ, nơi sử dụng rất nhiều ngôn ngữ. Ngay cả trước khi Lisa xuất hiện trên màn hình, India Today Group đã ra mắt AI dẫn chương trình đầu tiên ở Ấn Độ có tên Sana.
Kalli Purie, Phó chủ tịch India Today Group, mô tả Sana là "tươi sáng, lộng lẫy, không tuổi, không biết mệt mỏi".
Ở bang Karnataka (miền nam Ấn Độ), đài truyền hình Power TV đang sử dụng Soundarya - tự giới thiệu là "robot dẫn chương trình".
Những AI dẫn chương trình này được trang bị các thuật toán học máy, giúp phân tích dữ liệu từ các bài viết tin tức đến video. Theo trang web INDIAai, AI dẫn chương trình "thu thập, theo dõi và phân loại những gì được nói và ai đã nói, sau đó chuyển đổi dữ liệu thành thông tin có thể sử dụng được".
Những nhà quản lý sản xuất cho biết chúng mang lại lợi ích cho ngành vì tiết kiệm chi phí, cho phép các kênh truyền tải tin tức bằng nhiều ngôn ngữ Ấn Độ và xử lý lượng lớn dữ liệu với tốc độ đáng kinh ngạc.
Một nhà sản xuất truyền hình (yêu cầu giấu tên) nêu ra lợi ích khác: "Dùng robot cũng có nghĩa là ít gặp rắc rối về cái tôi hơn cho các kênh, điều thường thấy ở các ngôi sao nổi tiếng”.
Mặt khác, các nhà phê bình cho rằng AI có nguy cơ làm giảm uy tín của giới truyền thông. Tất nhiên, robot thiếu kỹ năng quan sát và kinh nghiệm như các nhà báo.
"Truyền hình là phương tiện truyền thông có tính trực quan cao. Các chatbot đưa tin bằng giọng đơn điệu và không thể hiện cử chỉ bằng tay. Nếu bạn nhìn thấy một người thậm chí không trông giống con người, làm sao bạn có thể tin tưởng được? Tôi chuyển kênh ngay lập tức", Sanjay Parekh (nhà báo ở Delhi) nói.
Giống như các công nghệ AI khác, việc dùng AI dẫn chương trình tin tức cũng gây ra nỗi lo sợ về mất việc làm, dù các công ty sản xuất đã cam đoan rằng chúng sẽ không bao giờ thay thế con người.
Người phát ngôn Power TV cho biết: "Mục đích của chúng tôi không phải thay thế nhân viên dẫn chương trình hiện tại bằng chatbot. Chúng tôi không có ý định thu hẹp quy mô công việc. Chúng tôi chỉ đang bổ sung lực lượng nhân viên hiện tại và tận dụng sức mạnh của công nghệ để thử điều gì đó mới mẻ, thú vị trong một lĩnh vực có thể phải làm việc lặp đi lặp lại và đơn điệu. Ngoài ra, ở quốc gia có 22 ngôn ngữ chính thức và nhiều ngôn ngữ khác được sử dụng, các chatbot đa ngôn ngữ có thể giúp tăng cường việc tiêu thụ tin tức tốt hơn”.