Chỉ đánh thuế tài sản là BĐS ở TPHCM là không công bằng

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 14:03, 21/11/2017

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng rất nhiều người được coi là đại gia về bất động sản, nếu như có tài sản, có nhà đất ở những địa bàn khác thì không phải nộp thuế, trong khi người dân có đất đai, tài sản tại TP.HCM lại là đối tượng chịu thuế.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai băn khoăn về thuế tài sản nếu được thí điểm tại TP.HCM - Ảnh Văn phòng Quốc hội

Cân nhắc việc thí điểm đánh thuế tài sản TP.HCM

Thảo luận tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) đề nghị Quốc hội cân nhắc về nội dung thí điểm thuế tài sản. Theo vị này, Hiến pháp năm 2013 quy định "Quốc hội có thẩm quyền quyết định về thuế", hơn nữa, Quốc hội đã có nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, trong đó chuẩn bị xem xét dự án Luật Thuế tài sản.

Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, nhiều nước trên thế giới có tỷ lệ thu từ thuế tài sản chiếm 1 phần quan trọng trong tổng số thu từ thuế. Như ở Nhật thì chiếm 10%, ở Thụy Điển 7%, ở Canada là 4%... Tuy nhiên ở Việt Nam thì số thu từ sử dụng đất cho những năm qua là quá thấp, chỉ chiếm khoảng 0,03% GDP.

Như vậy, việc ban hành một đạo luật là thuế tài sản để áp dụng trên phạm vi toàn quốc là hoàn toàn cần thiết. Tuy nhiên, nếu chỉ áp dụng đối với TP.HCM thì nên cân nhắc.

Lý do là việc ban hành thuế tài sản áp dụng riêng và mang tính thí điểm có thể ảnh hưởng đến tính công bằng trong việc áp dụng và thực thi chính sách. Nguyên tắc là phải đảm bảo tính công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng nộp thuế. Nếu như chỉ áp dụng đối với người có tài sản ở TP.HCM thì rõ ràng có sự khác biệt giữa những người nộp thuế.

Vị này cho biết hiện nay trên thực tế có rất nhiều người được coi là đại gia về bất động sản, nếu như có tài sản, có nhà đất ở những địa bàn khác thì không phải nộp thuế, trong khi người dân có đất đai, tài sản tại TP.HCM lại là đối tượng chịu thuế. Cần có sự khác biệt nhưng nếu chính sách có thể tác động đến tâm lý cũng như lợi ích của người dân thì phải hết sức thận trọng.

Bà Mai cho rằng, một trong những mục tiêu quan trọng nhất đối với việc ban hành nghị quyết đó là tăng cường tính hấp dẫn của TP.HCM và khắc phục được tình trạng kém thu hút đầu tư của địa phương này trong những năm gần đây. Tuy nhiên, nếu có thuế tài sản áp dụng cho TP.HCM sẽ ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, chứng khoán và chỉ số cạnh tranh, chỉ số hấp dẫn của thành phố.

Chưa hội tụ đủ điều kiện

Theo đại biểu Mai, khi áp dụng thuế tài sản cần có điều kiện cần và đủ, tuy nhiên trên thực tế thì những điều kiện cần và đủ chưa thực sự đồng bộ.

Căn cứ vào kinh nghiệm của một số nước cho thấy việc áp dụng thuế tài sản chỉ đạt được hiệu quả cao khi có cơ sở dữ liệu hiện đại mang tính chuẩn xác về thực trạng bất động sản; Nhà nước phải có hệ thống đo đạc hồ sơ địa chính hoàn toàn chuẩn xác; phải có hệ thống định giá bất động sản khoa học; có hệ thống chứng minh thu nhập, chứng minh nguồn gốc tài sản để tránh tình trạng lách luật, trốn thuế. Đặc biệt, phải chuẩn bị về mặt tâm lý đối với người nộp thuế.

Tuy nhiên, đại biểu Mai cho rằng thời điểm hiện nay, đối với nhiều người dân, khái niệm thuế tài sản vẫn còn chưa thực sự là khái niệm dễ hiểu và như vậy rõ ràng là những điều kiện cần và đủ có thể cũng chưa thực sự mang tính đồng bộ.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) nêu ý kiến - Ảnh: Quochoi.vn

Vị này cũng nhấn mạnh, việc áp dụng thí điểm có thể chưa đảm bảo thời hạn cần thiết. Hiện nay căn cứ Nghị quyết số 25 của Quốc hội về kế hoạch tài chính trung hạn đã đề ra nhiệm vụ quan trọng đó là từ nay đến năm 2020 sẽ nghiên cứu ban hành Luật Thuế tài sản áp dụng trên phạm vi toàn quốc.

Đại biểu này cũng khuyến cáo, việc ban hành thể thức luật để áp dụng thí điểm cho riêng TP.HCM cũng được cân nhắc thêm. Bởi lẽ, đã là thí điểm thì phải tổng kết, đánh giá và sau thời gian thí điểm, trong trường hợp sẽ phát sinh những quy định không phù hợp với thực tế thì bắt buộc phải sửa luật vừa ban hành chưa có hiệu lực trên toàn quốc. Thậm chí, sau khi thí điểm cũng có thể xảy ra trường hợp sẽ không áp dụng trên phạm vi toàn quốc.

“Như vậy, đối với những người đã nộp thuế tại TP.HCM sẽ tính toán như thế nào? Liệu chúng ta có phải dừng lại một đạo luật mà chúng ta chưa áp dụng trên phạm vi toàn quốc hay không?”, bà Mai nói.

Nên áp dụng cho cả nước

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng vừa đề nghị Quốc hội nên xem xét thật cẩn trọng, chưa nên thực hiện thí điểm đánh thuế tài sản trên địa bàn TP.HCM và nên lùi thời điểm áp dụng sau năm 2020.

“Nếu thực hiện thì áp dụng đồng thời trên cả nước, không nên thực hiện thí điểm đánh thuế tài sản chỉ riêng tại TP.HCM, hoặc bất cứ tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào”, Hiệp hội nêu.

Lý do là nền kinh tế đất nước và thị trường bất động sản vẫn còn đang trong quá trình phục hồi và tăng trưởng, nhưng chưa thật sự vững chắc, thu nhập của người dân vẫn còn thấp, chưa thật ổn định.

Hiệp hội cũng đề nghị khi dự thảo thuế tài sản cần được xem xét tổng thể trong việc cấu trúc lại hệ thống và chính sách thuế một cách đồng bộ, để tránh tình trạng tận thu, hoặc thuế chồng thuế.

Giá nhà, đất đang cao so với thu nhập của người dân có nguyên nhân là do chính sách thuế, chính sách thu tiền sử dụng đất. "Tiền sử dụng đất" mặc dù không gọi là thuế, nhưng là một khoản nộp vào ngân sách nhà nước rất lớn. Do vậy, khi áp dụng sắc thuế tài sản, thì phải đồng thời thay đổi chính sách thu tiền sử dụng đất theo hướng giảm đi.

Về cơ chế "thí điểm", Hiệp hội nhận thức rằng chỉ nên thực hiện cơ chế "thí điểm" nếu mục đích nhằm tăng thêm "quyền", "quyền lợi", hoặc làm giảm bớt đi "nghĩa vụ", hoặc "trách nhiệm" đối với đối tượng bị tác động.

Do vậy, việc thực hiện cơ chế thí điểm đánh thuế tài sản mà chỉ áp dụng trên địa bàn TP.HCM có nghĩa là làm tăng nghĩa vụ nộp thuế (tăng nghĩa vụ tài chính) đối với mọi chủ thể sở hữu tài sản, làm giảm thu nhập thực tế.

Điều này sẽ gây tác động bất lợi trong các tầng lớp dân cư, có thể dẫn đến sự dịch chuyển về dân cư, dịch chuyển dòng vốn đầu tư đến các tỉnh, thành phố khác, và sẽ tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản thành phố.

Lam Thanh