Bệnh viện ở miền bắc Gaza thành mục tiêu được chú trọng của quân đội Israel
Hồ sơ - Ngày đăng : 20:25, 30/06/2024
Bệnh viện ở miền bắc Gaza thành mục tiêu được chú trọng của quân đội Israel
Đài CNN ghi nhận gần như tất cả bệnh viện ở miền bắc Gaza đều tê liệt vì hoạt động bắn phá liên tục, mất điện và thiếu thốn vật tư y tế. Quân đội Israel không ngừng tấn công vào khuôn viên lẫn khu vực xung quanh các bệnh viện bất chấp bên trong còn bác sĩ, bệnh nhân lẫn dân thường.
Qua phân tích 45 ảnh vệ tinh, khoảng 400 đoạn phim quay tại hiện trường cùng phỏng vấn bác sĩ, nhân chứng, tổ chức nhân đạo, CNN xác định ít nhất 20 trên 22 bệnh viện miền bắc Gaza bị hư hại hoặc phá hủy ngay trong 2 tháng đầu giao tranh nổ ra.
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) nói rằng Hamas hoạt động bên trong lẫn bên dưới các bệnh viện, sử dụng hạ tầng dân sự này làm trung tâm chỉ huy, kho vũ khí hay nơi nhốt con tin. Họ công bố vài đoạn phim với bằng chứng không đủ sức thuyết phục và Hamas một mực phủ nhận.
Khi CNN yêu cầu bình luận, IDF khẳng định không hề cố ý tấn công bệnh viện đồng thời nhắc lại Hamas lợi dụng cơ sở y tế một cách có hệ thống.
Theo ảnh vệ tinh, quanh 11 bệnh viện bị hư hại hoặc phá hủy có miệng hố lớn do bom nặng hơn 900kg tạo thành. Bệnh viện nằm trong phạm vi tàn phá của bom.
14 bệnh viện dường như hứng chịu tấn công trực tiếp. Hai bệnh viện Al-Shifa và Al-Quds bị san phẳng hoàn toàn, 3 bệnh viện nhi cùng 1 bệnh viện duy nhất chuyên điều trị ung thư và bệnh tâm thần đều ngừng hoạt động. Cơ quan nhân đạo OCHA của Liên Hợp Quốc xác định hiện chỉ còn 4 bệnh viện hoạt động một phần.
Quân đội Israel cáo buộc Hamas sử dụng Al-Shifa và Al-Quds cho mục đích quân sự. Họ đăng tải hình ảnh cho thấy binh sĩ phát hiện đường hầm và vũ khí bên trong Al-Shifa, một đối tượng có vũ trang đứng bên ngoài Al-Quds.
Không phải đợt tấn công nào cũng do IDF thực hiện. Trước đó CNN qua điều tra phát hiện một tên lửa bắn đi bởi Hamas là nguyên nhân gây ra vụ nổ chết người ở bệnh viện Al-Ahli al-Arabi ngày 17.10.2023.
IDF nói với CNN rằng những lần tấn công mục tiêu gần bệnh viện đều được lập kế hoạch kỹ lưỡng, chọn loại đạn dược ít gây thương vong cho dân thường lẫn thiệt hại cho hạ tầng dân sự. Tuy nhiên theo một cố vấn pháp lý của quân đội Israel: “Chúng tôi biết bệnh viện nằm ở đâu và tính toán kỹ từng điểm mấu chốt. Nhưng chừng nào Hamas còn tiếp tục dùng bệnh viện hay hạ tầng như vậy cho mục đích quân sự thì hoàn toàn không có lựa chọn nào khác ngoài xông vào đó”.
Cơ sở y tế như bệnh viện được luật pháp quốc tế bảo vệ. Trừ một số trường hợp ngoại lệ, nếu không hành vi tấn công hoặc ngăn cản bệnh viện, xe cứu thương hay cơ sở y tế khác cung cấp dịch vụ chăm sóc đều là phi pháp. Bệnh viện chỉ mất vị thế được bảo vệ nếu một nhóm vũ trang lợi dụng bệnh viện thực hiện hành vi “có hại cho kẻ thù”. Dù cho như vậy bệnh nhân cùng người bị thương bên trong vẫn được bảo vệ, muốn tấn công phải gửi đi cảnh báo trước đồng thời phải cho thời gian sơ tán.
Tuy nhiên giám đốc pháp lý Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) Cordula Droege cho biết: “Nhiều trường hợp không thể sơ tán tất cả mọi người, bệnh viện vẫn còn nhân viên y tế cùng bệnh nhân. Vì vậy bên tấn công cần thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa để tránh làm bị thương dân thường”.
Israel nhiều lần yêu cầu 22 bệnh viện ở miền bắc Gaza sơ tán, nhưng đội ngũ bác sĩ cùng các tổ chức nhân đạo nói rằng làm vậy lúc giao tranh đang diễn ra là vô cùng nguy hiểm và bất khả thi.
Bệnh viện Al-Quds
Yêu cầu sơ tán đầu tiên gửi cho bệnh viện Al-Quds do Hiệp hội Trăng lưỡi liềm đỏ Palestine (PRCS) điều hành vào ngày 14.10.2023. PRCS không thể sơ tán 500 bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân trong phòng cấp cứu cùng trẻ sơ sinh trong lồng ấp, và 12.000 người chạy trốn giao tranh (đa số là phụ nữ và trẻ em).
Ngày 18.10, cách Al-Quds khoảng 100 mét xảy ra không kích. Vụ nổ khiến bầu trời đêm sáng rực đồng thời phá hủy một công trình gần đó.
Nhiều đợt tấn công khác ập đến vào ngày 22.10. Điều phối viên PRCS Saleem Aburas nhặt được bên ngoài Al-Quds mảnh vỡ từ tên lửa của IDF. Cựu điều tra viên Liên Hợp Quốc Marc Garlasco cũng xác định đây không phải từ tên lửa Hamas mà thuộc về một loại vũ khí cấp quân sự phóng từ trên không.
Đợt tấn công ngày 29.10 cách Al-Quds chỉ vài mét. Đoạn phim quay bên trong bệnh viện cho thấy cửa sổ bị thổi bay, kính vỡ cùng gạch vụn rơi vãi khắp nơi, nhiều người ho sặc sụa khi chạy khỏi các căn phòng đầy khói. Israel đã yêu cầu sơ tán trước đó, PRCS cáo buộc IDF cố ý tấn công gần nhằm ép mọi người rời đi.
Tháng sau ghi nhận hàng loạt đợt tấn công nữa, trong đó có đợt tấn công ngày 7.11 nhằm vào một công trình mà IDF xác định là kho vũ khí của Hamas, cách Al-Quds chỉ khoảng 100 mét.
Ngày 13.11, IDF tung đoạn phim một nhóm vũ trang đứng trước cổng bệnh viện, đặc biệt một người vác ống phóng lựu. Quân đội Israel tuyên bố tiêu diệt 21 kẻ khủng bố bắn về phía họ. PCRS phủ nhận tuyên bố đồng thời tung một đoạn phim khác cho thấy xe tăng Israel bắn vào Al-Quds.
Bệnh viện Al-Shifa
Đây là bệnh viện lớn nhất Gaza. IDF xác định Hamas đặt trung tâm chỉ huy bên dưới cơ sở này, giới chức bệnh viện cùng Hamas đều phủ nhận.
Al-Shifa tiếp nhận lượng lớn bệnh nhân ngay lúc giao tranh mới bùng nổ, bệnh viện hoạt động chỉ với một máy phát điện. Bác sĩ phẫu thuật Ghassan Abu-Sittah nói với CNN: “Nếu không có điện thì nơi đây sẽ trở thành ngôi mộ tập thể”.
Ngày 3.11.2023, một cuộc không kích của Israel đánh trúng đoàn xe cứu thương mà giới chức bệnh viện tuyên bố được dùng để sơ tán người bị thương, khiến 15 người thiệt mạng. IDF trả lời rằng xe cứu thương vận chuyển chiến binh Hamas cùng vũ khí nên mới tấn công. Họ chẳng đưa ra bằng chứng gì cả.
1 giờ sáng 10.11, một quả đạn đánh trúng sân bệnh viện. Đây chỉ một trong nhiều cuộc không kích vào Al-Shifa buổi sáng hôm đó. Khoa phụ sản, khoa nhi, khoa hồi sức cấp cứu, khu vực khám ngoại trú cũng trúng đạn. Quan chức đứng đầu cơ quan y tế Gaza Munir Al-Bursh cho biết có 15 người thương vong, khoảng 400 bệnh nhân cùng 20.000 người chạy trốn giao tranh chưa thể sơ tán.
IDF đổ lỗi một quả đạn bắn vào Al-Shifa là của Hamas, nhưng CNN cùng nhiều chuyên gia xác định ít nhất 2 quả đạn khác là vũ khí Israel.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đổ lỗi giới chức bệnh viện không tiến hành sơ tán. Đội ngũ bác sĩ đáp trả rằng họ lo cho tính mạng của 700 bệnh nhân nguy cơ cao.
Ngày 15.11.2023, xe tăng cùng binh sĩ Israel bao vây Al-Shifa, vệ tinh chụp được cảnh khu vực phía bắc cùng phía nam bệnh viện bị san phẳng. Sau đó IDF tiến vào lùng sục chiến binh Hamas dựa trên tin tình báo từ Mỹ. Giám đốc bệnh viên Mohammed Abu Salmiya cùng vài nhân viên bị bắt giữ.
4 ngày sau, IDF công bố đoạn phim đường hầm phía dưới bệnh viện nhưng chưa thể khẳng định tại đây có trung tâm chỉ huy. Người bên trong Al-Shifa sau nhiều tuần mắc kẹt cuối cùng cũng được sơ tán về miền nam Gaza, 31 trẻ sinh non được đưa đến Ai Cập chăm sóc.