Đảng cực hữu Pháp thắng bầu cử vòng 1, kịch tính bầu cử vòng 2

Quốc tế - Ngày đăng : 11:04, 01/07/2024

Hãng AP cho biết mặt dù đảng Mặt trận quốc gia (RN) cực hữu đang có cơ hội lần đầu tiên chiếm thế đa số tại Hạ viện Pháp, nhưng kết quả cuối cùng vẫn chưa rõ ràng do hệ thống bầu cử phức tạp.
Quốc tế

Đảng cực hữu Pháp thắng bầu cử vòng 1, kịch tính bầu cử vòng 2

Cẩm Bình 01/07/2024 11:04

Hãng AP cho biết mặt dù đảng Mặt trận quốc gia (RN) cực hữu đang có cơ hội lần đầu tiên chiếm thế đa số tại Hạ viện Pháp, nhưng kết quả cuối cùng vẫn chưa rõ ràng do hệ thống bầu cử phức tạp.

Khảo sát ngay sau bỏ phiếu cho kết quả ở vòng một, RN dẫn trước nhờ giành được 1/3 số phiếu bầu, xếp ngay sau là Liên minh Mặt trận nhân dân mới (NPF) tập hợp nhiều đảng cánh tả, còn liên minh trung lập của Tổng thống Emmanuel Macron đứng cuối.

dang.jpg

Hệ thống bầu cử phức tạp

Sự ủng hộ dành cho mỗi chính đảng ở Pháp khác nhau tùy địa phương. Nghị sĩ được bầu theo quận, hơn 60 ứng viên giành được từ 50% phiếu bầu trở lên vào ngày 30.6 vừa qua đã chắc chắn nắm giữ ghế Hạ viện.

Hai ứng viên đứng đầu cùng bất cứ ai giành được tối thiểu 12,5% phiếu bầu đều đủ tư cách bước vào vòng 2. Không ít quận ghi nhận đến 3 ứng viên đủ tư cách, nhưng biện pháp ngăn chặn phe cực hữu giành thắng lợi đã được triển khai: NPF thông báo rút ứng viên ở quận họ chỉ xếp thứ ba để tăng số phiếu bầu cho ứng viên khác, liên minh của ông Macron cũng tập trung phiếu bầu bằng cách một số ứng viên tự nguyện không tham gia vòng 2. Vì vậy mà kết quả cuối cùng trở nên vô cùng khó đoán, bất chấp khảo sát trước bầu cử chỉ ra RN có thể thiết lập thế đa số tuyệt đối, tương đương tối thiểu 289 ghế.

Ông Macron nắm quyền đến năm 2027, nhà đương kim lãnh đạo Pháp từng tuyên bố không từ chức trước khi hết nhiệm kỳ.

Sống chung

Nếu RN hay bất cứ chính đảng nào nằm ngoài liên minh trung lập chiếm thế đa số, ông Macron sẽ buộc phải bổ nhiệm một thủ tướng thuộc phe đa số đó. Đây được gọi là tình trạng “sống chung” khi chính phủ thực hiện các chính sách khác với kế hoạch của tổng thống.

Pháp từng trải qua 3 lần như vậy. Lần gần nhất là dưới thời Tổng thống phe bảo thủ Jacques Chirac với Thủ tướng đảng Xã hội Lionel Jospin, từ năm 1997 đến năm 2002.

Thủ tướng chịu trách nhiệm trước quốc hội, lãnh đạo chính phủ và đệ trình các dự luật. Theo nhà sử học Jean Garrigues, trong tình trạng “sống chung” thì chính sách về cơ bản là của thủ tướng. Quyền lực đối nội của tổng thống bị suy yếu nhưng vẫn có tiếng nói trong chính sách đối ngoại, sự vụ châu Âu cùng quốc phòng vì vị trí này chịu trách nhiệm đàm phán và phê chuẩn các hiệp ước quốc tế. Tổng thống cũng là tư lệnh tối cao quân đội, nắm giữ mã hạt nhân.

“Tổng thống vẫn có thể ngăn chặn vài chính sách do thủ tướng đưa ra nhờ nắm trong tay quyền ký hoặc không ký sắc lệnh, nghị định chính phủ. Tuy nhiên thủ tướng được phép trình sắc lệnh, nghị định lên quốc hội để bỏ phiếu thông qua, qua đó vượt qua phủ quyến của tổng thống”, ông Garrigues cho biết.

Ai dẫn dắt chính sách đối ngoại và chính sách quốc phòng?

Ở 3 lần “sống chung” trước, đối ngoại cùng quốc phòng được xem như lĩnh vực do tổng thống phụ trách. Tổng thống và thủ tướng có thể thỏa hiệp nhằm đảm bảo quốc gia có tiếng nói chung.

Nhưng hiện tại quan điểm của phe cực hữu và phe trung lập về đối ngoại lẫn quốc phòng lại rất khác biệt, nhiều khả năng trở thành điểm nóng làm bùng lên căng thẳng ở lần “sống chung” sắp tới.

Chính trị gia lãnh đạo RN Jordan Bardella (dự kiến được chọn làm thủ tướng nếu phe cực hữu chiếm thế đa số tại Hạ viện Pháp) cam kết nếu lên nắm quyền sẽ tôn trọng hiến pháp lẫn vai trò của tổng thống, nhưng ông quyết không khoan nhượng về chính sách.

Bardella phản đối đề xuất đưa quân Pháp đến Ukraine mà ông Macron từng đề cập, đồng thời cũng không sẵn sàng cho phép Ukraine dùng vũ khí Pháp viện trợ tấn công mục tiêu trên lãnh thổ Nga.

Nếu không ai chiếm thế đa số

Lúc đó ông Macron có thể bổ nhiệm thủ tướng từ phe giữ nhiều ghế nhất như từng làm năm 2022. Tuy nhiên RN đã bác bỏ lựa chọn này vì lo ngại một chính phủ cực hữu sẽ sớm bị lật đổ thông qua bỏ phiếu bất tín nhiệm nếu các đảng khác bắt tay với nhau.

Ông Macron cũng có thể thử lập liên minh tập hợp cả đảng cánh hữu lẫn đảng cánh tả, mặc dù khả năng thành công không cao. Đương kim Thủ tướng Pháp Gabriel Attal thì hy vọng sẽ có đủ ứng viên trung lập đắc cử, gồm cả chính trị gia trung hữu lẫn trung tả.

Giới chuyên gia nêu một lựa chọn khác: lập một chính phủ kỹ trị không liên kết với bất cứ chính đảng nào nhưng vẫn được đa số nghị sĩ quốc hội chấp nhận. Chính phủ như vậy đủ sức giải quyết công việc hằng ngày nhưng không thể thực hiện cải cách lớn.

Nếu quá trình đàm phán giữa các đảng phái kéo dài quá lâu, không loại trừ khả năng Pháp bước vào giai đoạn chuyển tiếp trong đó chính phủ của ông Macron tiếp tục nắm quyền cho đến lúc có diễn biến mới.

Cẩm Bình