Đây lý do nhà đầu tư Mỹ không hứng thú với các dự án BOT
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 11:11, 11/12/2017
Ông Adam Sitkoff - Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ (Amcham) tại Hà Nội đã chỉ ra một số lý do về việc đến nay các nhà đầu tư Mỹ không đầu tư vào các dự án BOT giao thông tại Việt Nam.
Khi được hỏi về lý do đến nay các nhà đầu tư Mỹ không đầu tư vào các dự án BOT giao thông tại Việt Nam, ông Adam Sitkoff nói: "Thứ nhất là tình trạng tham nhũng tại các dự án trước đó".
Theo ông, dù cũng đánh giá cao về xây dựng cơ sở hạ tầng của Việt Nam nhưng "trước khi tham gia bất kỳ lĩnh vực nào, dự án nào, chúng tôi cũng sẽ tìm hiểu thông qua các nhà đầu tư trong nước trước".
"Hiện có rất nhiều dự án xây dựng sân bay, tàu điện ngầm tại Trung Quốc, Nhật Bản mà Chính phủ Mỹ rất muốn hợp tác. Chính phủ Mỹ không hứng thú với việc đầu tư lớn vào những dự án như BOT", Giám đốc Amcham nói.
Ông cho rằng đối với Việt Nam, năng lượng là tiềm năng phát triển kinh tế, xã hội như năng lượng điện gió và năng lượng mặt trời. "Đây là một lĩnh vực mới của Việt Nam mà Mỹ rất quan tâm".
Liên quan đến các dự án BOT, Bộ GTVT cho biết chỉ mới kêu gọi được các nhà đầu tư trong nước với năng lực tài chính, kỹ thuật hạn chế. Đối với nguồn vốn nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài đều có quan ngại là quy định pháp luật, chính sách của Việt Nam thay đổi nhiều; mức tín nhiệm quốc gia chưa cao; công tác giải phóng mặt bằng quá phức tạp, không kiểm soát được giá thành và tiến độ.
Các nhà đầu tư nước ngoài, các tổ chức tài chính đều yêu cầu Chính phủ Việt Nam chia sẻ rủi ro thuộc về chính sách do Chính phủ quản lý, trong đó các rủi ro mà nhất thiết cần có bảo lãnh của Chính phủ hoặc bên thứ 3 gồm rủi ro về doanh thu, rủi ro về khả năng chuyển đổi ngoại tệ, rủi ro về thực hiện trách nhiệm của Chính phủ. Trong khi theo quy định hiện hành, hầu hết các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông không đáp ứng điều kiện được cung cấp bảo lãnh.
Vẫn theo Bộ GTVT, mặc dù Bộ đã chủ trì phát hành hồ sơ mời sơ tuyển dự án thành phần 1B đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch không có các bảo lãnh trên. Tuy nhiên, sau khi mua hồ sơ mời sơ tuyển, các nhà đầu tư đều trả lời không tham gia vì quá nhiều rủi ro và cơ chế chưa phù hợp thông lệ quốc tế.
Hiện mới chỉ có dự án BOT tuyến tránh thành phố Phủ Lý là dự án BOT giao thông đầu tiên mà doanh nghiệp nước ngoài nhận quyền khai thác. Nhưng phải mất hơn 1 năm nghiên cứu, hai công ty Nhật Bản là Nexco và Jexway mới hoàn thành đàm phán mua lại 20% cổ phần của Công ty cổ phần Fecon Việt Nam tại dự án BOT tuyến tránh thành phố Phủ Lý.
Dù vậy, nhà đầu tư Nhật Bản mới dừng ở việc mua lại cổ phần của dự án BOT đã hoàn thành. Gần 10 năm trước, 1 trong 2 doanh nghiệp Nhật Bản này đã từng có ý định đầu tư mới dự án BOT tại Việt Nam nhưng rồi lại bỏ cuộc.
Anh Mai/Nhà Đầu Tư