Mỗi ngày có khoảng 70 bệnh nhân nhập viện vì kiến ba khoang: Bác sĩ khuyến cáo người dân
Thông tin Y học - Ngày đăng : 19:43, 03/07/2024
Mỗi ngày có khoảng 70 bệnh nhân nhập viện vì kiến ba khoang: Bác sĩ khuyến cáo người dân
Trong những ngày gần đây, số bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM do kiến ba khoang tấn công gia tăng chóng mặt, trong đó có nhiều trường hợp đến bệnh viện khi tình trạng đã quá nặng.
Theo Bệnh viện Da liễu TP.HCM, hiện nay mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 50-70 trường hợp khám bệnh do kiến ba khoang gây ra, trong đó có một số trường hợp đến bệnh viện khi tình trạng đã quá nặng.
ThS-BS Phạm Thị Uyển Nhi, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, cho biết những trường hợp bị nặng này thường bị bội nhiễm da gây nhiễm trùng rất nghiêm trọng. Đây là những bệnh nhân điều trị không đúng cách, sử dụng phương pháp dân gian bằng cách như dùng lá cây đắp lên vùng kiến ba khoang tấn công đã gây ra tình trạng bội nhiễm khiến tổn thương da trở nên nặng hơn. Ngoài ra, có những trường hợp bị bác sĩ chẩn đoán nhầm bệnh zona khiến bệnh ngày càng nặng thêm.
“Thật ra nhân bị kiến ba khoang tấn công và bệnh zona có những đặc điểm giống nhau nhưng về bệnh cảnh và biểu hiện bệnh cũng có những điểm khác biệt, cần những bác sĩ chuyên khoa mới có thể nhận biết điều này”, bác sĩ Nhi nói.
Dựa vào tập tính của kiến ba khoang, vào mùa mưa độ ẩm phù hợp cho trứng của chúng nở, phát triển. Kiến ba khoang có đặc tính trú ẩn ở những nơi như gác mái, khe hẹp của cửa sổ. Chính vì vậy, những người ở các nhà chung cư cao tầng dễ bị kiến ba khoang tấn công.
Theo bác sĩ Nhi, hiện nay TP.HCM và các tỉnh, thành phía nam đang bước vào mùa mưa, mùa sinh sản và phát triển của kiến ba khoang. “Đây chính là nguyên nhân khiến người dân bị kiến ba khoang tấn công tăng cao”, bác sĩ Nhi cho biết.
Khi bệnh nhân bị kiến ba khoang tấn công và dính nọc độc sẽ có biểu hiện viêm da. Những vết viêm da này là dịch tiết nọc độc của kiến ba khoang, chứ không phải là vết cắn. “Nhiều người bị viêm da không nghĩ do kiến ba khoang tấn công, vì thấy không có vết cắn, nhưng thực tế đây là do dịch tiết nọc độc của kiến ba khoang. Khi nọc độc của kiến ba khoang tiết ra khiến cho vùng da của bệnh nhân có những mụn nước, vết phỏng, rộp”, bác sĩ Nhi giải thích.
Trước tình hình trên, bác sĩ Nhi khuyến cáo người dân, nhất là những gia đình sống ở nơi có nhiều cây cối rậm rạp nên đặt lưới chắn côn trùng, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, tắt bớt các ánh đèn… để hạn chế kiến ba khoang ẩn nấp ở những khe cửa, vùng ẩm thấp; hạn chế phơi áo quần vào ban đêm…
Người dân khi bị kiến ba khoang tấn công nên rửa một cách nhẹ nhàng trên vùng da có nọc độc của kiến ba khoang tiết ra, không chà sát mạnh vì sẽ khiến nọc độc lây lan, bệnh nặng hơn.
Ngoài ra, bệnh nhân cần hạn chế cào gãi, chà sát cũng như làm vỡ những mụn nước do kiến ba khoang gây ra trên da. Trong trường hợp trên da xuất hiện tình trạng bất thường, bệnh nhân cần đến bệnh viện để được bác sĩ khám và điều trị.
“Bệnh nhân khi bị kiến ba khoang tấn công thường có những biến chứng như: phồng rộp, mảng đỏ trên da… Nếu chăm sóc không đúng cách sẽ gây ra tình trạng viêm da bội nhiễm, nhiễm trùng. Điều này có thể dẫn đến tình trạng tăng sắc tố sau viêm, giảm sắc tố sau viêm, sẹo lõm, sẹo lồi… Việc điều trị bệnh do kiến ba khoang tấn công đúng cách sẽ giúp bệnh được kiểm soát tốt, hạn chế những biến chứng”, bác sĩ Nhi chia sẻ.