Đã thẩm định tư cách tỷ phú Thái trước khi bán Sabeco
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 17:12, 25/12/2017
Tại cuộc họp báo sáng 25.12, trao đổi với báo giới về nghi vấn Sabeco bị nhà đầu tư nước ngoài lách luật để thâu tóm bằng hình thức "núp bóng" doanh nghiệp Việt Nam, ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết thương vụ Sabeco đã có quy chế đấu giá và có bản báo cáo công khai, minh bạch.
Theo đó, Chính phủ đã họp với các cơ quan pháp luật để trao đổi về việc thoái vốn nhà nước tại Sabeco. Đặc biệt tổ giám sát gồm đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều khẳng định tư cách của nhà đầu tư nước ngoài cũng như loại hình doanh nghiệp do nhà đầu tư thành lập ở Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với pháp luật Việt Nam.
"Do đó, doanh nghiệp có nghĩa vụ phải hoạt động theo pháp luật Việt Nam. Nếu sau này có vi phạm, xâm phạm người tiêu dùng Việt Nam thì cơ quan chức năng hoàn toàn có quyền xử lý. Còn người Thái mua với số tiền lớn như vậy là chắc chắn họ sẽ vào đây cùng phát triển. Thương hiệu có mất hay không quan trọng nhất là khi ký hợp đồng chúng ta ràng buộc, quy định như thế nào đối với nhà đầu tư. Thương hiệu trong hay ngoài nước không quan trọng, có tốt thì thị trường mới chấp nhận, Việt Nam hội nhập rồi nên cần mở cửa phát triển. Tuy nhiên, chúng ta cũng sẵn sàng xóa sổ thương hiệu làm hoen ố, gian dối hình ảnh thương hiệu quốc gia như Khaisilk", ông Tiến nhấn mạnh.
Lãnh đạo đơn vị chịu trách nhiệm về sắp xếp doanh nghiệp nhà nước này cũng cho biết khoảng vài ngày nữa số tiền gần 110.000 tỉ đồng (tương đương với 5 tỉ USD) thu từ bán cổ phần Sabeco sẽ được đổ vào Quỹ cổ phần hoá Doanh nghiệp nhà nước tại tài khoản mở ở Kho bạc, tức là về ngân sách nhà nước.
Vào ngày 18.12, Bộ Công Thương đã tổ chức bán đấu giá thành công 343.662.587 cổ phần (53,59% vốn điều lệ) của Sabeco qua Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM với mức giá thành công bình quân được xác định là 320.000 đồng/cổ phần. Nhà nước thu về khoảng 109.972 tỉ đồng, tương đương 4,8 tỷ USD và ngày 28.12.2017 là hạn thanh toán cuối cùng của nhà đầu tư trúng giá.
Trong năm 2018, Bộ Tài chính sẽ thoái vốn khối lượng lớn tại các doanh nghiệp có quy mô lớn là: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Nhà máy lọc dầu Bình Sơn, Tổng công ty điện lực dầu khí, PVoil, các công ty của Tập đoàn Cao su.
Tuyết Nhung