Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến 2050

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 20:21, 03/07/2024

Ngày 3.7, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định số 586/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến 2050

Hoàng Phúc {Ngày xuất bản}

Ngày 3.7, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định số 586/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Đồng Nai với tư duy đột phá, phát huy tiềm năng và lợi thế của địa phương, xác định tầm nhìn đến năm 2050 sẽ trở thành một trong các cực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam.

Đồng Nai hướng tới đi đầu trong phát triển công nghiệp tạo giá trị cao, trở thành đầu mối giao thương quốc tế và phát triển du lịch dịch vụ gắn với văn hóa tâm linh. Tỉnh Đồng Nai cũng đặt mục tiêu trở thành một đô thị đẳng cấp quốc tế với mô hình đô thị thông minh, bền vững và đáng sống, nơi tập trung trí thức và nhân tài.

Trong đó, tỉnh Đồng Nai xác định lấy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn làm trọng tâm và hoàn thành mục tiêu phát thải “Net Zero 2050”.

song-d-nai-170471396927368511773.jpg
Một góc thành phố Biên Hoà - Ảnh: VGP

Quy hoạch tỉnh Đồng Nai cũng đưa ra 5 quan điểm trong quá trình lập quy hoạch, gồm: lấy người dân làm trung tâm; phát triển có chọn lọc; phát huy thế mạnh, tiềm năng; hướng tới tương lai; phát triển bền vững.

Theo mục tiêu quy hoạch đến năm 2030, toàn tỉnh Đồng Nai sẽ có 30 đô thị. Trong đó, TP. Biên Hòa sẽ là đô thị loại 1 – thành phố trực thuộc Trung ương. Hai đô thị loại 2 gồm TP.Long Khánh (trước năm 2025) và toàn bộ huyện Nhơn Trạch sẽ định hướng lên thành phố trước năm 2030. Hai đô thị loại 3 gồm toàn bộ huyện Long Thành được định hướng lên thành phố trước năm 2030 và huyện Trảng Bom được định hướng lên thị xã trước năm 2030.

Sáu đô thị loại 4 được xây dựng trên cơ sở các thị trấn hiện hữu gồm Dầu Giây, Vĩnh Cửu, Vĩnh An, Long Giao, Gia Ray và Định Quán.

Ngoài ra sẽ còn có 19 đô thị loại 5 phân bổ trên địa bàn nhiều huyện: Thống Nhất (có 4 đô thị gồm Hưng Lộc, Quang Trung, Lộ 25 và Xuân Thiện); Định Quán (có 2 đô thị La Ngà và Phú Túc); Tân Phú (có 1 đô thị Phú Lâm); Cẩm Mỹ (có 3 đô thị Bảo Bình, Sông Nhạn, Sông Ray); Xuân Lộc (có 3 đô thị Xuân Định, Xuân Thọ, Xuân Hưng); Vĩnh Cửu (có 6 đô thị Phủ Lý, Thạnh Phú, Bình Hòa, Tân Bình, Bình Lợi, Thiện Tân).

z4907364874876_e441be99ffee27e0321d6011a74ee3a8-2(1).jpg
Một góc Cảng Đồng Nai

Về phát triển khu công nghiệp đến năm 2030, Đồng Nai đầu tư hoàn thành 48 khu công nghiệp và đưa vào hoạt động, phù hợp với diện tích được phân bổ theo chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Về phát triển cụm công nghiệp, dự kiến đến năm 2030, Đồng Nai quy hoạch 31 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 1.874ha. Trong đó, tiếp tục quy hoạch 20/27 cụm công nghiệp đã được quy hoạch giai đoạn 2013-2020 với tổng diện tích khoảng 1.202ha; rút khỏi quy hoạch 7/27 cụm công nghiệp trong quy hoạch hiện hữu với tổng diện tích khoảng 347ha; quy hoạch mới 11 cụm công nghiệp, với tổng diện tích khoảng 672ha.

Về tầm nhìn đến 2050, tỉnh Đồng Nai phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đi đầu trong phát triển công nghiệp công nghệ cao, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thông minh, hiện đại; là trung tâm giao thương quốc tế, du lịch, dịch vụ gắn với các đô thị đẳng cấp quốc tế, nơi tập trung trí thức và nhân tài, lấy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm và hoàn thành mục tiêu phát thải ròng bằng không; các lĩnh vực xã hội phát triển hài hòa, người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc.

Hoàng Phúc