Nvidia, Microsoft, Meta lặng lẽ cảnh báo AI là khoản đặt cược tài chính rủi ro để tránh bị nhà đầu tư kiện

Thế giới số - Ngày đăng : 16:47, 04/07/2024

Các hãng công nghệ lớn lặng lẽ cảnh báo rằng trí tuệ nhân tạo (AI) có thể ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh của họ.
Thế giới số

Nvidia, Microsoft, Meta lặng lẽ cảnh báo AI là khoản đặt cược tài chính rủi ro để tránh bị nhà đầu tư kiện

Sơn Vân 04/07/2024 16:47

Các hãng công nghệ lớn lặng lẽ cảnh báo rằng trí tuệ nhân tạo (AI) có thể ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh của họ.

Cuộc họp báo cáo kết quả kinh doanh gần đây của các hãng công nghệ tràn ngập lời quảng cáo về AI. Giám đốc điều hành các hãng này đã dành cả một năm rưỡi qua để thuyết giảng về cách công ty của họ sẽ tận dụng làn sóng AI. Tuy nhiên, chính những công ty này lại đang lặng lẽ đưa ra cảnh báo về cách mà AI có thể ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh của họ.

Meta Platforms cho biết AI của họ có thể được sử dụng để tạo thông tin sai lệch trong các cuộc bầu cử, dẫn đến phản ứng dữ dội. Microsoft thông báo có thể phải đối mặt với các cáo buộc bản quyền liên quan đến việc đào tạo và đầu ra của AI. Oracle cảnh báo các sản phẩm AI của họ có thể hoạt động không hiệu quả so với các đối thủ cạnh tranh.

Ít nhất một tá hãng công nghệ lớn đã đưa ra hoặc cập nhật các cảnh báo liên quan đến AI trong hồ sơ tài chính của họ năm nay. Chúng nằm trong phần “các yếu tố rủi ro” của báo cáo gửi tới Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC). Đây là nơi các công ty mô tả những rủi ro có thể xảy ra nhằm ngăn chặn các vụ kiện tụng từ cổ đông trong tương lai. Các rủi ro gồm biến đổi khí hậu, cuộc chiến ở Ukraine và Gaza, hậu quả từ sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley đã xuất hiện những năm gần đây.

Những cảnh báo này đưa ra đánh giá tỉnh táo về các rủi ro, một đối trọng rất cần thiết với những lời tán tụng nhiệt tình về AI.

Alphabet (công ty mẹ Google) cho biết việc sử dụng các công cụ AI của họ "có thể ảnh hưởng tiêu cực đến quyền con người, quyền riêng tư, việc làm hoặc các vấn đề xã hội khác, dẫn đến các vụ kiện tụng hoặc thiệt hại tài chính".

Trong nhiều trường hợp, các cảnh báo mâu thuẫn với tuyên bố chính thức của công ty.

Adobe từ lâu cho rằng các ứng dụng của họ như Photoshop sẽ vẫn đóng vai trò trung tâm với các chuyên gia sáng tạo. Song đầu năm nay, Adobe đã bổ sung thêm cảnh báo rằng AI có thể thay thế vai trò của con người trong nhiều công việc, dẫn đến tình trạng thất nghiệp và ảnh hưởng đến nhu cầu với phần mềm hiện có của họ.

Các yếu tố rủi ro không phải lúc nào cũng xảy ra, nhưng đôi khi đã trở thành sự thật. Nvidia cảnh báo từ đầu năm 2023 rằng những lo ngại về việc lạm dụng AI có thể dẫn đến biện pháp hạn chế với các chip của họ. Điều đó đã trở thành hiện thực. Sau khi chính quyền Biden tăng cường nỗ lực ngăn chặn xuất khẩu các chip AI tiên tiến sang Trung Quốc vào năm ngoái, Nvidia đã cập nhật hồ sơ của mình để nói rằng các hạn chế đã được áp dụng và có thể tiếp tục mở rộng.

Hồi tháng 5, trang Bloomberg đưa tin Mỹ đang trì hoãn phê duyệt việc xuất khẩu chip sang Trung Đông.

Palo Alto Networks, Dell Technologies và Uber Technologies nằm trong số các công ty khác đã bổ sung ngôn ngữ về rủi ro tập trung vào AI năm nay. Adam Pritchard, giáo sư luật doanh nghiệp và chứng khoán tại Trường Luật Đại học Michigan (Mỹ), cho biết trong một cuộc phỏng vấn: "Có rất nhiều sự bắt chước nhau trong việc tiết lộ rủi ro".

Ông nói, nếu một công ty không tiết lộ rủi ro mà các đối thủ cạnh tranh từng thực hiện, họ có thể trở thành mục tiêu cho các vụ kiện.

Hầu hết cảnh báo mới có thể được tóm gọn lại: Nếu những thứ về AI này không hiệu quả, chúng tôi đã cảnh báo bạn rồi.

nvidia-microsoft-meta-lang-le-canh-bao-ai-la-khoan-dat-cuoc-tai-chinh-rui-ro-de-tranh-bi-nha-dau-tu-kien.jpg
Jensen Huang, Giám đốc điều hành Nvidia, trong bài phát biểu quan trọng tại sự kiện HPE Discover vào tháng 6 tại thành phố Las Vegas (Mỹ) - Ảnh: Bloomberg

Sự hào hứng với AI trên thị trường chứng khoán gây liên tưởng đến bong bóng dotcom

Sự sôi động của thị trường chứng khoán Mỹ do AI dẫn dắt hiện tại khiến người ta liên tưởng đến thời kỳ bong bóng dotcom hai thập kỷ trước và đặt ra câu hỏi liệu giá cổ phiếu có lại được thổi phồng bởi sự lạc quan vào một công nghệ mang tính cách mạng.

Cơn sốt AI, kết hợp với nền kinh tế Mỹ phục hồi và thu nhập cao hơn, đã đẩy chỉ số S&P 500 lên mức cao kỷ lục mới trong năm nay sau chuỗi tăng hơn 50% từ mức thấp vào tháng 10.2022. Chỉ số Nasdaq Composite (thiên về công nghệ) tăng hơn 70% kể từ cuối năm 2022.

S&P 500 là một trong những thước đo đáng tin cậy nhất về hiệu suất của thị trường chứng khoán Mỹ. S&P 500 gồm 500 công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất trong thị trường chứng khoán Mỹ, đến từ nhiều ngành khác nhau, gồm cả công nghiệp, công nghệ, y tế, tài chính.

Nasdaq Composite là chỉ số chứng khoán theo dõi giá trị của hơn 3.800 cổ phiếu của các công ty được niêm yết trên Sàn Giao dịch Chứng khoán Nasdaq (NASDAQ).

Nasdaq Composite là một trong những chỉ số chứng khoán quan trọng nhất thế giới, đại diện cho ngành công nghệ cao của Mỹ. Chỉ số này bao gồm các hãng công nghệ lớn như Apple, Microsoft, Nvidia, Amazon, Alphabet và Tesla, cũng như các hãng công nghệ sinh học, dược phẩm, bán lẻ và dịch vụ tài chính.

Dù các số liệu khác nhau cho thấy định giá cổ phiếu và sự phấn khích của nhà đầu tư vẫn chưa đạt đến đỉnh điểm như hồi đầu thế kỷ này, nhưng những điểm tương đồng thì dễ dàng nhận ra.

Một nhóm nhỏ các cổ phiếu công nghệ như Microsoft, Apple, Nvidia, Alphanet tượng trưng cho thị trường hiện tại, làm gợi nhớ đến Four Horsemen (Bốn kỵ sĩ) cuối những năm 1990 là Cisco, Dell, Microsoft và Intel.

Cổ phiếu Nvidia (hãng chip lớn nhất thế giới tăng chóng mặt, gần 4.300% trong giai đoạn 5 năm gần đây, gợi nhớ ký ức việc cổ phiếu Cisco (nhà sản xuất thiết bị mạng nổi tiếng) tăng khoảng 4.500% trong 5 năm lên mức đỉnh cao vào 2000, theo so sánh của công ty dịch vụ tài chính BTIG về hai cổ phiếu này.

Vốn hóa thị trường cũng tăng lên, dù nhiều hãng công nghệ hàng đầu hiện tại dường như có tình hình tài chính tốt hơn nhiều so với các đối tác dotcom của họ vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000. Các thước đo khác, chẳng hạn như sự lạc quan của nhà đầu tư, vẫn chưa đạt đến mức cao ngất ngưởng như hồi đầu thế kỷ này.

Mối lo ngại là sự bùng nổ do AI dẫn dắt sẽ kết thúc giống như bong bóng dotcom, với sự sụp đổ hàng loạt công ty. Sau khi tăng gần gấp 4 lần chỉ trong hơn 3 năm, chỉ số Nasdaq Composite đã giảm gần 80% trong khoảng thời gian từ tháng 3.2000 (mức đỉnh) đến tháng 10.2002. Chỉ số S&P 500 đã giảm gần 50% trong giai đoạn đó.

Trong khi một số cổ phiếu internet như Amazon đã tồn tại và cuối cùng phát triển mạnh, nhiều cổ phiếu khác không bao giờ phục hồi.

"Không ai biết chính xác điều gì sẽ xảy ra với AI", Sameer Samana, chiến lược gia thị trường toàn cầu cấp cao tại Viện Đầu tư Wells Fargo, nói. Ông lưu ý đến sự không chắc chắn tương tự về những hãng chiến thắng cuối cùng trong dài hạn.

Cũng như thời bong bóng dotcom, lĩnh vực công nghệ thông tin (SPLRCT) đã phình to chiếm 32% tổng giá trị thị trường của S&P 500, tỷ trọng lớn nhất kể từ năm 2000 khi nó tăng lên gần 35%, theo cơ sở dữ liệu toàn diện về chuỗi thời gian tài chính LSEG Datastream. Chỉ ba công ty gồm Microsoft, Apple và Nvidia chiếm hơn 20% chỉ số S&P 500.

Tuy nhiên, cổ phiếu công nghệ hiện được định giá khiêm tốn hơn so với đỉnh cao của thời bong bóng dotcom, giao dịch ở mức gấp 31 lần lợi nhuận dự phóng, so với mức cao nhất là 48 lần vào năm 2000, theo LSEG Datastream.

Sự khác biệt thể hiện rõ trong định giá của Nvidia và Cisco (nhà cung cấp các sản phẩm hỗ trợ cơ sở hạ tầng internet). Cổ phiếu Cisco hiện vẫn chưa đạt lại mức đỉnh thời bong bóng dotcom.

Lợi nhuận dự phóng là dự báo về lợi nhuận ròng của công ty trong một khoảng thời gian tương lai, thường là một quý hoặc một năm tài chính.

Dù cả hai cổ phiếu đều từng tăng vọt, Nvidia được giao dịch ở mức gấp 40 lần ước tính thu nhập dự phóng, so với mức 131 của Cisco đạt được vào tháng 3.2000, theo LSEG Datastream.

Các nhà phân tích của hãng nghiên cứu Capital Economics (Anh) cũng lưu ý rằng đợt tăng giá cổ phiếu hiện tại được thúc đẩy nhiều hơn bởi triển vọng thu nhập vững chắc chứ không phải do định giá ngày càng tăng. Đó là dấu hiệu cho thấy các yếu tố cơ bản đóng vai trò quan trọng hơn trong lần này.

Theo phân tích của Capital Economics, lợi nhuận dự phóng trên mỗi cổ phiếu trong các lĩnh vực có những hãng dẫn đầu thị trường hiện tại (công nghệ, dịch vụ truyền thông và hàng tiêu dùng không thiết yếu) đã tăng trưởng nhanh hơn so với phần còn lại của thị trường kể từ đầu năm 2023. Ngược lại, lợi nhuận dự phóng trong các lĩnh vực này tăng trưởng với tốc độ tương tự phần còn lại của thị trường vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, trong khi giá trị của chúng tăng vọt nhanh hơn so với các cổ phiếu khác.

Nhìn rộng hơn, tỷ số giá trên lợi nhuận của S&P 500 là 21, cao hơn nhiều so với mức trung bình lịch sử nhưng vẫn thấp hơn mức khoảng 25 đạt được vào năm 1999 và 2000, theo LSEG Datastream.

Tỷ số giá trên lợi nhuận là một thước đo được sử dụng rộng rãi để đánh giá mức độ định giá của cổ phiếu của một công ty. Nó cho bạn biết số tiền mà nhà đầu tư sẵn sàng trả cho mỗi đồng lợi nhuận của công ty. Tỷ số giá trên lợi nhuận = Giá thị trường trên mỗi cổ phiếu / Lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS).

"Kịch bản có khả năng xảy ra nhiều nhất của chúng tôi là bong bóng công nghệ này sẽ không vỡ cho đến khi định giá toàn bộ thị trường đạt đến mức tương tự như năm 2000", các nhà phân tích thuộc Capital Economics cho biết trong một ghi chú.

Các nhà đầu tư thời kỳ bong bóng dotcom lạc quan hơn nhiều theo một số cách đo. Tâm lý lạc quan trong cuộc khảo sát của Hiệp hội Các nhà đầu tư Cá nhân Mỹ (được theo dõi rộng rãi) đã đạt 75% vào tháng 1.2000, chỉ vài tháng trước khi thị trường đạt đỉnh. Gần đây, nó ở mức 44,5%, so với mức trung bình lịch sử là 37,5%.

Dù bong bóng AI không phải điều chắc chắn sẽ xảy ra, nhiều nhà đầu tư vẫn cảnh giác rằng các số liệu có thể trở nên căng thẳng hơn những tháng tới nếu tăng trưởng của nước Mỹ vẫn mạnh mẽ và giá cổ phiếu công nghệ tiếp tục tăng cao.

"Có rất nhiều điểm tương đồng. Khi có một bong bóng, nguyên nhân thường bắt nguồn từ quá trình phát triển cơ bản tích cực thực sự đằng sau nó và điều đó tạo ra sự phấn khích cho nhiều người sẵn sàng trả bất cứ giá nào cho mọi thứ", Mike O'Rourke, trưởng nhóm chiến lược gia thị trường tại công ty môi giới chứng khoán JonesTrading, nhận định.

Sơn Vân