Euro 2024: Tranh cãi về công nghệ làm lạnh giúp cầu thủ hồi phục thể lực
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 17:14, 04/07/2024
Euro 2024: Tranh cãi về công nghệ làm lạnh giúp cầu thủ hồi phục thể lực
The Telegraph cho biết, ngoài giấc ngủ và chế độ dinh dưỡng, công nghệ làm lạnh cơ thể (cryotherapy) đang trở thành một phần quan trọng trong quá trình hồi phục thể lực của vận động viên.
Jude Bellingham cùng các đồng đội tại tuyển Anh cảm thấy sảng khoái sau khi được làm lạnh. Tất cả đều sử dụng xe tải buồng lạnh di động CryoLabs được đưa theo họ đến Đức dự Euro 2024.
Cầu thủ mặc quần soóc, đeo khẩu trang cùng găng tay rồi bước vào một buồng nhiệt độ khoảng âm 122 độ C. Họ đứng nghe nhạc trong khoảng 2 phút 30 giây.
“Về mặt thể chất, tôi luôn thấy khỏe hơn sau mỗi lần trị liệu. Tôi không chắc liệu pháp có giúp hồi phục tâm trí hay không nhưng tôi thấy thực sự dễ chịu sau đó”, Bellingham chia sẻ.
Huấn luyện viên Gareth Southgate thừa nhận hạn chế về thể lực khiến tuyển Anh không thể chơi pressing tầm cao tại Euro 2024. Vì vậy ngoài giấc ngủ và chế độ dinh dưỡng đóng vai trò then chốt giúp cầu thủ hồi phục, họ áp dụng thêm công nghệ làm lạnh cơ thể.
Công nghệ làm lạnh cơ thể được khen ngợi là công cụ đẩy nhanh quá trình hồi phục lúc mệt mỏi, giảm viêm và đau cơ, tăng sức mạnh cơ bắp lẫn năng lượng. Theo CryoLabs: “Phương pháp này có thể kích thích lưu thông máu, giảm sưng tấy và giảm đau cơ cho phép vận động viên nhanh chóng lấy lại thể trạng tốt”.
Không chỉ tuyển Anh mà nhiều đội bóng bầu dục, người nổi tiếng cũng dùng dịch vụ trị liệu do CryoLabs cung cấp. Mỗi lần trị liệu có giá khoảng 40 bảng Anh/giờ.
Tuy nhiên, công nghệ làm lạnh cơ thể cũng làm dấy lên sự hoài nghi và tranh cãi. Tiến sĩ James Malone (Đại học Liverpool Hope) cho rằng cần nghiên cứu nhiều hơn về tác động của phương pháp này khi sử dụng lâu dài. Khi theo dõi 16 cầu thủ thi đấu tại Ngoại hạng Anh trong gần 2 mùa giải, ông không ghi nhận được sự khác biệt nào về tỷ lệ hồi phục giữa ba nhóm tiếp xúc với nhiệt độ thấp, trung bình và cao của buồng lạnh.
Theo chuyên gia y tế Houman Danesh (Bệnh viện Mount Sinai): “Làm lạnh chắc chắn làm tăng adrenaline và gây sốc. Ngoài ra, nó chẳng có tác dụng gì cả”. Nhà nghiên cứu Joe Costello (Đại học Portsmouth) cũng lưu ý rằng có rất ít bằng chứng cho thấy công nghệ trị liệu làm lạnh đem lại hiệu quả.