'Chia sẻ từ trái tim': Chúng ta sống ở đời đều đang tạo nghiệp hằng ngày

Văn hóa - Ngày đăng : 10:40, 05/07/2024

Nếu mình thấy một người nào đó đang khổ, mình thường hay nói: “Tội nghiệp!”, mặc dù có thể mình không tin vào nghiệp, không tin vào nhân quả. Nhưng thật ra mọi người đều tin vào nghiệp. Có tin thì mới nói.
Văn hóa

'Chia sẻ từ trái tim': Chúng ta sống ở đời đều đang tạo nghiệp hằng ngày

Hạ Vĩ 05/07/2024 10:40

Nếu mình thấy một người nào đó đang khổ, mình thường hay nói: “Tội nghiệp!”, mặc dù có thể mình không tin vào nghiệp, không tin vào nhân quả. Nhưng thật ra mọi người đều tin vào nghiệp. Có tin thì mới nói.

Nghiệp của người ta mắc gì "tội nghiệp"

Nhưng, không chỉ ai khổ mới có nghiệp. Có những người không khổ mà có phước, và phước cũng là nghiệp. Nhưng đó là “phước nghiệp” chứ không phải “tội nghiệp”. Trước hết, nghiệp là những việc mình làm lâu ngày thành thói quen. Cho nên nếu mỗi ngày mình suy nghĩ những điều tiêu cực, nói những điều tiêu cực, có những hành động tiêu cực thì nó thành nghiệp. Nghiệp là thói quen. Thói quen là do mình tạo chứ không ai mang đến cho mình. Có những người thường hay suy nghĩ, nghi ngờ... Thói quen suy nghĩ tiêu cực như vậy sẽ tạo thành nghiệp của suy nghĩ.

Có những người ngồi không yên, nhà Phật gọi là trạo cử. Trạo cử là lăng xăng. Dù không có chuyện gì để làm, họ cũng xoay qua mở cái túi, cúi xuống mở cái bịch. Lúc nào họ cũng phải lăng xăng, chứ ngồi yên thì không chịu được. Đó cũng là nghiệp, nhưng là nghiệp của thân. Có nhiều người không “nín” nổi mà phải nói. Nói ngày nói đêm. Khi nghe pháp thoại cũng nói. Lâu ngày nó trở thành một thói quen. Cái đó gọi là nghiệp.

Những việc chúng ta làm có tính chất tổn hại thì gọi là ác nghiệp. Những gì chúng ta làm, chúng ta nói mà làm tổn giảm phước của mình và gây tổn hại cho người khác thì gọi là ác. Còn những việc làm tăng trưởng phước lành cho mình và làm người khác dễ chịu thì gọi là thiện. Không phải khi mình hại người mới gọi là ác. Nếu lời mình nói khiến cho người khác khó chịu, đau đớn, tổn thương, khiến người ta đau khổ thì mình cũng bị tổn một phần. Cho nên chữ “ác” có hai phần tổn, tổn mình và tổn người. Mình tổn phước, người khác tổn hạnh phúc. Người ta đang vui, chỉ vì lời nói của mình mà người ta mất vui. Như vậy, tất cả những gì chúng ta hưởng ở hiện tại đều là tội. Nhưng tội này không phải ai ban cho mình, mà là nghiệp do những việc chúng ta làm. Và nghiệp đó trong trường hợp này là tội nghiệp.

Tội nghiệp là gì? Là những cái khổ do chúng ta tạo, bây giờ thành cái quả mà chúng ta đang nhận, mà người khác gọi là tội nghiệp. Vậy có ai trong tất cả chúng ta, những người đang ngồi đây, từng bị người khác nói là tội nghiệp chưa? Có.

Có những lúc Pháp Hòa đi giảng, một ngày ba thời, một thời hai tiếng, tức là một ngày giảng sáu tiếng (chưa tính giờ đứng chụp hình!). Các Phật tử thấy vậy nói “Tội nghiệp!”. Thưa đại chúng, vì không biết nên nói là tội nghiệp chứ đúng ra đó là phước nghiệp. Nếu nói tội nghiệp thì phải có cái đối lại là phước nghiệp. Ví dụ, một người biết đi chùa nên gia đình êm thắm, người trong nhà không nóng nảy, cự nự với nhau hằng ngày nữa. Thấy người ta hạnh phúc như vậy, mình nói đó là phước nghiệp. Nhưng đa số chúng ta không ai thấy phước nghiệp. Chúng ta chỉ thấy ai cũng tội nghiệp.

Không sao, nhưng nhiều người nói: “Nghiệp của người ta, mắc gì tội?”, hoặc: “Mình nói tội nghiệp thì cái nghiệp của người ta nó quay trở lại mình đó”. Dạ thưa không. Khi chúng ta nói tội nghiệp, chúng ta muốn xác định cái này là cái gì và thậm chí tự mình nói mình cũng được nữa.

Nghiệp tạo ra chính là thói quen

Nghiệp có ba chỗ: thân, miệng và ý. Quý vị để ý coi, Pháp Hòa hướng dẫn đại chúng ngồi yên, đưa tâm ý trở về hơi thở của mình. Tại sao? Tại vì tâm ý của mình thường nghĩ ngợi lung tung. Lo hết chuyện này tới chuyện khác. Bây giờ, mỗi ngày mình bỏ ra mười phút, ngưng hết tất cả mọi sự lo lắng và trở về với hơi thở của mình. Để làm chi? Để tịnh cái nghiệp suy nghĩ và cái “ý” của mình. Ý tịnh thì sẽ dẫn tới lời nói lành, hành động lành. Cho nên kinh Phật dạy:

“Đừng làm các việc ác. Nên làm các việc lành. Giữ tâm ý trong sạch.”

Hễ mình ngưng làm việc ác, mình làm việc lành, là mình tạo nghiệp thiện. Tất cả những cái nghiệp chúng ta tạo trong đời sống hằng ngày chính là thói quen. Ví dụ, mình ăn chay quen rồi, bây giờ mình ngửi mùi thức ăn mặn, mình không chịu nổi. Không phải là mình giả bộ, mà thật sự mình không chịu nổi mùi tanh vì đã quen với mùi chay lạt thanh đạm – cái đó gọi là phước nghiệp. Trong cuộc sống này, ai cũng có cả phước và tội. Hễ việc gì chúng ta làm mà làm tăng trưởng tính thiện lành là phước, còn việc gì chúng ta làm mà làm tổn giảm là tội.

1tg-chia-se-tu-trai-tim_5.jpg

Thường thường, một lời chúng ta nói ra thì nó đã làm tổn giảm ngay trong tâm mình rồi, vì mọi sự đều xuất phát từ tâm. Vì vậy, hồi xưa các cụ nói: “Hàm huyết phún nhơn, tiên ô tự khẩu”, nghĩa là “Ngậm máu phun người, dơ miệng mình trước”. Ý nghĩa thật sự của câu đó là: khi chúng ta nói điều gì đó thành lời, người nghe chỉ là người thứ hai thôi. Người đầu tiên nhiễm ô câu đó là mình. Và lâu ngày nó thành nghiệp. Người khác gọi đó là nghiệp của tội. Cho nên mỗi người chúng ta sống ở đời đều đang tạo nghiệp hằng ngày. Tu tập là để chúng ta có chánh niệm, để chuyển nghiệp ác thành nghiệp thiện. Nếu cái thiện đã có thì chúng ta cố gắng tạo thêm để nghiệp thiện này đậm lên, tăng trưởng lên.

Ví dụ mình kiếm được tiền, mình gây vốn làm ăn thì cơ sở của mình ngày càng phát đạt – đó là tăng trưởng. Cũng như thế, nếu chúng ta có một sự nghiệp căn bản là phước nghiệp và cố gắng tăng trưởng nó thì chúng ta có phước nghiệp tăng trưởng. Nhưng ngược lại, nếu không khéo, chúng ta cũng có thể làm tăng trưởng cái tội nghiệp.

Hạ Vĩ