Hà Nội, TP.HCM sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu buông lỏng quản lý PCCC
Sự kiện - Ngày đăng : 11:13, 05/07/2024
Hà Nội, TP.HCM sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu buông lỏng quản lý PCCC
TP.Hà Nội và TP.HCM sẽ xử lý trách nhiệm hình sự người đứng đầu nếu để xảy ra sai phạm, buông lỏng quản lý PCCC.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Hà Nội Lê Hồng Sơn đã ký ban hành Kế hoạch số 200 về việc triển khai Chỉ thị số 19 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Theo đó, UBND TP yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, xử lý (kể cả xem xét trách nhiệm hình sự) đối với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ sở để xảy ra sai phạm hoặc buông lỏng quản lý trong công tác PCCC và CNCH.
Đề xuất các cấp, các ngành sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về PCCC đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh bao gồm cả nhà ở cho thuê trọ.
Xây dựng, thực hiện một cách đồng bộ quy hoạch hạ tầng PCCC gắn với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện và có biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời sơ hở, bất cập trong công tác PCCC và CNCH nhằm phòng ngừa, ngăn chặn triệt để các nguyên nhân, điều kiện dẫn đến cháy, nổ.
UBND TP giao Công an TP là cơ quan thường trực, ban hành và triển khai Đề án tổng thể về nâng cao năng lực và đảm bảo an toàn PCCC và CNCH trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025 định hướng năm 2030.
Đề xuất các cấp, các ngành sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về PCCC đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Chỉ đạo tổ chức rà soát, kiểm tra, phân loại, hướng dẫn các giải pháp bảo đảm an toàn PCCC đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Đôn đốc các đơn vị thực hiện nghiêm việc xử lý các cơ sở trên địa bàn không bảo đảm yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng và khắc phục; xử lý dứt điểm toàn bộ các công trình chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu đã đưa vào sử dụng, không để phát sinh các công trình chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC đưa vào sử dụng.
Đối những vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản xảy ra trên địa bàn, tổ chức điều tra nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Sở Xây dựng thực hiện nghiêm việc thẩm định, cấp phép xây dựng đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh; trong quá trình cấp phép xây dựng cải tạo đối với các loại hình trên, phải kiên quyết yêu cầu người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình thực hiện các giải pháp, điều kiện đảm bảo an toàn về PCCC theo quy định.
Lãnh đạo TP yêu cầu người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình tổ chức tự thực tập phương án chữa cháy, thoát nạn; bảo đảm 100% hộ gia đình tại các nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh, phải có ít nhất một người được tập huấn kiến thức kỹ năng PCCC, thoát nạn.
Người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình phải cam kết, có lộ trình thực hiện các giải pháp tăng cường PCCC do UBND TP ban hành và phải hoàn thành thực hiện các giải pháp trước ngày 30.3.2025. Sau thời gian trên, nếu không tổ chức thực hiện, phải dừng hoạt động cho đến khi thực hiện xong.
Trong khi đó, UBND TP.HCM vừa có văn bản yêu cầu các sở ngành, quận, huyện, TP.Thủ Đức thực hiện các biện pháp về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
UBND TP yêu cầu các quận, huyện và TP.Thủ Đức tiến hành rà soát, phân loại, kiểm tra phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với các chung cư, nhà ở nhiều căn hộ, nhà cho thuê trọ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy nổ cao. Công tác này cũng cần được tiến hành ở nhà trẻ, trường mầm non, bệnh viện, phòng khám, trung tâm hội nghị, tổ chức sự kiện...
Trước ngày 10.7, địa phương hoàn thành kiểm tra và báo cáo lãnh đạo TP. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng kiểm tra điều kiện cấp giấy phép xây dựng, giám sát việc xây dựng, chất lượng công trình, phòng cháy, chữa cháy; xử lý tình trạng nhà ở riêng lẻ tự ý chuyển đổi thành nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ để bán hoặc cho thuê. Một số biện pháp khác trong công tác này như đình chỉ hoạt động các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao, không đảm bảo điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy.
UBND yêu cầu các đơn vị liên quan thường xuyên cảnh báo, tuyên truyền kiến thức về an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; nhắc nhở người dân sử dụng an toàn nguồn nhiệt hay thiết bị điện. Trường hợp để ra sự cố gây hậu quả nghiêm trọng, Công an TP.HCM đề xuất xử lý trách nhiệm của người đứng đầu.