Tăng lương hưu sẽ đảm bảo được ổn định đời sống người nghỉ hưu

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 14:27, 07/07/2024

15% là mức tăng lương hưu cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước trong đảm bảo ổn định đời sống người nghỉ hưu.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Tăng lương hưu sẽ đảm bảo được ổn định đời sống người nghỉ hưu

Tuyết Nhung 07/07/2024 14:27

15% là mức tăng lương hưu cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước trong đảm bảo ổn định đời sống người nghỉ hưu.

Đó là nhận định của Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh về việc điều chỉnh tăng lương hưu, lương cơ sở và các trợ cấp khác từ ngày 1.7.2024.

img_4848_20240701045139pm.jpg
Tổng giám đốc Nguyễn Thế Mạnh trao lương hưu đến cụ Lương Thị Hai (91 tuổi, phường Yết Kiêu, Q.Hà Đông, Hà Nội) tại nhà riêng do cụ sức khỏe yếu - Ảnh: BHXH Việt Nam

Theo đó, quyết định việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH), trợ cấp hằng tháng tăng 15% theo Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng như Ủy ban Thường vụ Quốc hội, áp dụng từ ngày 1.7.2024.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội bắt đầu hưởng từ 6.2024. Đối với người đang hưởng lương hưu và nhóm đối tượng đang hưởng lương hưu trước năm 1975, điều chỉnh mà có mức trợ cấp thấp hơn 3,2 triệu đồng thì điều chỉnh tăng 0,3 triệu đồng/tháng. Nếu có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng đến dưới 3,5 triệu đồng thì điều chỉnh lên 3,5 triệu đồng/tháng.

Tổng giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cho biết, theo Nghị định 75, Chính phủ quyết định tăng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng từ ngày 1.7.2024 với mức 15% đối với tất cả những người đang hưởng lương hưu qua các thời kỳ, không phân biệt người làm trong khu vực nhà nước, khu vực doanh nghiệp, người tham gia BHXH tự nguyện...

Việc điều chỉnh này đảm bảo hợp lý, hài hòa, có sự chia sẻ giữa những người đang hưởng lương hưu và người đang đóng BHXH, giữa khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, giữa các thế hệ tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH. 15% là mức tăng lương hưu cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước trong đảm bảo ổn định đời sống người nghỉ hưu.

Tổng giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cho biết, là cơ quan thuộc Chính phủ được giao tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã phối hợp cùng các cơ quan liên quan tham mưu, đề xuất Chính phủ ban hành chính sách về tăng lương hưu và trợ cấp BHXH.

BHXH Việt Nam cũng chủ động, sẵn sàng ưu tiên tập trung mọi nguồn lực để triển khai chính sách này, đồng bộ các giải pháp, lên phương án cụ thể, ứng dụng công nghệ thông tin... nhằm đảm bảo tốt nhất việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH cho người thụ hưởng một cách kịp thời, nhanh chóng, chính xác, an toàn hiệu quả; tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình chi trả; phối hợp giải quyết, xử lý dứt điểm các tình huống phát sinh, phản ánh kịp thời vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Vì thế, ngay sau khi Chính phủ ban hành nghị định, toàn ngành đã thực hiện ngay việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH cho người hưởng theo mức mới.

Tổng giám đốc Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu BHXH TP.Hà Nội cần tập trung tối đa nguồn lực thực hiện tốt phương án chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH của kỳ tháng 7.2024 theo đúng tinh thần, chỉ đạo, hướng dẫn của BHXH Việt Nam. Qua đó, cần đảm bảo việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH kịp thời, chính xác, thuận tiện nhất cho người hưởng; đồng thời truyền thông, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ người dân chuyển đổi từ phương thức nhận tiền mặt sang nhận qua tài khoản ngân hàng cá nhân (ATM) để được phục vụ ngày càng tốt hơn.

Đáng chú ý, ngoài khoản tiền lương tăng, người hưởng còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí trong suốt thời gian nghỉ hưu để được hưởng các quyền lợi khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe do Quỹ BHYT chi trả với mức hưởng lên tới 95%.

Đối với những người chưa đến tuổi nghỉ hưu, họ cũng có cơ hội nhận về mức tiền lương hưu tăng khi mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng lên, từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng, bởi vì lương cơ sở là căn cứ để tính toán mức lương làm căn cứ đóng BHXH của hàng triệu người hưởng lương do ngân sách nhà nước chi trả (cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang...). Mức đóng BHXH tăng, tất yếu mức hưởng các chế độ BHXH tăng.

Với trường hợp người lao động đóng BHXH thấp, ở mức tối thiểu, thì căn cứ theo Luật BHXH hiện hành, lương hưu hằng tháng thấp nhất bằng lương cơ sở. Điều này đồng nghĩa, mức lương hưu tối thiểu của người thụ hưởng sẽ là 2,34 triệu đồng/tháng.

Về chế độ bảo hiểm thất nghiệp, theo Luật Việc làm, mức trợ cấp thất nghiệp mỗi tháng bằng 60% bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước nghỉ việc, tối đa không quá 5 lần lương cơ sở với công chức, viên chức, lao động khu vực nhà nước. Như vậy, khi tăng lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng/tháng, thì trợ cấp thất nghiệp với cán bộ, công chức, viên chức tối đa sẽ là 11,7 triệu đồng.

Với số tiền tăng lên tới 540.000 đồng (tương ứng với 30%), lương cơ sở cũng có mức tăng cao nhất từ trước đến nay trong lịch sử tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Cả hai chế độ tiền lương dự kiến cùng tăng thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với người lao động. Đó cũng là minh chứng sống động, rõ nét cho thấy sự hấp dẫn của chính sách BHXH với mục tiêu cao nhất là bảo đảm an sinh cho nhân dân.

Tuyết Nhung