Thanh tra Tổng công ty Xi măng Việt Nam và 3 công ty trực thuộc
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 16:14, 08/07/2024
Thanh tra Tổng công ty Xi măng Việt Nam và 3 công ty trực thuộc
Bộ Tài chính vừa có quyết định thanh tra việc chấp hành pháp luật về tài chính tại Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) và 3 công ty con.
Theo quyết định, thanh tra Bộ Tài chính sẽ thực hiện thanh tra tại Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) và 3 công ty con là: Công ty TNHH một thành viên Xi măng Vicem Tam Điệp, Công ty TNHH một thành viên Xi măng Vicem Hải Phòng, Công ty TNHH một thành viên Vicem Hà Tiên.
Thanh tra sẽ tập trung vào các vấn đề: Thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước; quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại doanh nghiệp; hạch toán doanh thu, chi phí và báo cáo kết quả kinh doanh; thanh tra chấp hành các quy định của pháp luật về tài chính khác đối với doanh nghiệp. Thời kỳ bị thanh tra là năm 2023 và những vấn đề có liên quan tới thời gian thanh tra.
Đoàn thanh tra gồm 12 thành viên do ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng phòng Thanh tra làm trưởng đoàn. Thời hạn thanh tra là 45 ngày kể từ ngày công bố quyết định thanh tra tại đơn vị.
Theo báo cáo tài chính đã hợp nhất đã kiểm toán của Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem), năm 2023, doanh nghiệp này lỗ sau thuế lên đến 1.129 tỉ đồng, trái ngược với khoản lãi gần 642 tỉ đồng trong năm 2022. Nguyên nhân khoản lỗ lớn của Vicem chủ yếu từ việc doanh thu đã giảm mạnh trong năm vừa rồi.
Vicem ghi nhận doanh thu hơn 24.006 tỉ đồng, giảm 19% so với năm 2022. Trừ đi giá vốn, Vicem lãi gộp 1.923 tỉ đồng, giảm 47% so với năm trước, biên lợi nhuận gộp giảm từ 12,2% xuống còn 8%.
Trong khi chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp được tối ưu một phần, chi phí tài chính tiếp tục đội lên 47%, chủ yếu là lãi vay. Công ty còn chịu thêm phần lỗ từ các đơn vị liên doanh, liên kết khoảng 130 tỉ đồng.
Tại Vicem Hải Phòng, năm 2023, Công ty TNHH một thành viên Xi măng Vicem Hải Phòng doanh thu giảm 16% so với năm 2022. Cùng với đó, lợi nhuận sau thuế giảm mạnh lên đến 97,8%. Năm 2024, doanh nghiệp đặt kế hoạch đi lùi, lợi nhuận giảm sâu tới âm 79 tỉ đồng.
Năm 2023, doanh nghiệp này đạt 2.754 tỉ đồng doanh thu, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2022 và chỉ đạt 84% kế hoạch về doanh thu năm 2023.
Tại 31.12.2023, Xi măng Vicem Hải phòng có tổng tài sản đạt 1.521 tỉ đồng, nợ phải trả 601 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu 920 tỉ đồng. Theo đó, lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu chỉ đạt 0,17%.
Tại Vicem Tam Điệp, năm 2017 doanh thu đạt 1.207 tỉ đồng (giảm 13% so với cùng kỳ năm 2022, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế TNDN) âm 65,5 tỉ đồng, trong khi năm 2022 là 2 tỉ đồng. Tại thời điểm 31.12.2023, vốn đầu tư của chủ sở hữu là 1.132 tỉ đồng, lỗ lũy kế là 1.126 tỉ đồng. Theo đó, vốn chủ sở hữu chỉ còn 62 tỉ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 19 lần.
Như vậy, Xi măng Tam Điệp đã mất gần hết vốn, mất an toàn về tài chính nghiêm trọng và không đảm bảo khả năng thanh toán nợ, hoạt động của công ty hoàn toàn phụ thuộc và các khoản vốn vay, chiếm dụng vốn từ khách hàng và hỗ trợ từ công ty mẹ.
Tại Xi măng Hà Tiên, 3 tháng đầu năm 2024, Vicem Hà Tiên ghi nhận doanh thu thuần 1.500 tỉ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước và 16% so với quý trước. Lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 25 tỉ đồng, so với mức lỗ ròng 86 tỉ đồng trong quý 1/2023 và lãi ròng 54 tỉ đồng trong quý 4/2023.
Ban lãnh đạo Vicem cho rằng 2023 là "năm khó khăn chưa từng có". Ảnh hưởng từ tình hình thế giới, thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi, nguồn cung xi măng vượt xa so với nhu cầu; giá nguyên-nhiên liệu đầu vào vẫn ở mức cao; tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sụt giảm, tồn kho tăng cao, một số nhà máy phải giảm năng suất hoặc dừng lò; xu hướng dịch chuyển nhu cầu từ xi măng bao sang xi măng rời cũng gây áp lực cho Vicem do giá trị thương hiệu gắn với xi măng bao...