Đặc sắc nhà 'cao cẳng' ở mũi Cà Mau
Văn hóa - Ngày đăng : 18:10, 08/07/2024
Đặc sắc nhà 'cao cẳng' ở mũi Cà Mau
Nhà sàn (còn gọi là nhà cao cẳng) là nét đặc trưng riêng của vùng đất ngập mặn Cà Mau. Trải qua nhiều thế hệ, nhà sàn ở vùng đất này đã được xây dựng kiên cố và vững chãi hơn, nhưng nét văn hóa riêng về kiểu nhà này vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của người dân.
Các huyện ven biển như Năm Căn, Ngọc Hiển (Cà Mau) là vùng đất trũng thấp, địa chất yếu và thường xuyên xảy ra triều cường, ngập nước. Từ đó người dân nghĩ tới chuyện xây dựng nhà cao cẳng để tránh không bị ngập mỗi khi thủy triều dâng cao.
“Vùng đất ở huyện Ngọc Hiển rất thấp. Người dân có tập quán sinh sống ven sông rạch nên phải đối mặt với việc thủy triều thường xuyên lên xuống. Do đó, bà con tận dụng nguồn cây cối ở địa phương để cất nhà, tập quán này đã có từ xa xưa và duy trì đến ngày nay. Theo thời gian, tùy vào điều kiện và hoàn cảnh của từng hộ gia đình, nhà cao cẳng cũng được xây cất cải tiến và kiên cố hơn”, anh Tô Trí Dũng (ngụ xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển) cho biết.
Theo anh Dũng, việc xây nhà cao cẳng có thể lấy gió mát từ tự nhiên. “Nét đặc trưng của kiểu nhà này là mỗi khi bước lên sàn sẽ có luồng gió từ dưới thổi lên mát rượi. Ngày xưa, bà con dùng cây được để dựng sàn, cất nhà rồi lợp mái bằng lá dừa nước. Hồi đó điều kiện kinh tế của người dân còn khó khăn chứ đâu được như bây giờ mà xây nhà kiên cố. Ở vùng đất này, nếu làm nhà kiên cố thì chi phí rất cao vì phải đổ móng thật chắc chắn”, anh Dũng chia sẻ thêm.
Với người dân địa phương, từ lâu nhà cao cẳng đã trở thành nét văn hóa đặc trưng riêng ở vùng đất bãi bồi mũi Cà Mau. Đi dọc các triền sông, bìa rừng ở các địa phương ven biển của huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những căn nhà cao cẳng mọc lên san sát nhau. “Về Ngọc Hiển mà không biết đến nhà cao cẳng thì rất uổng phí chuyến đi”, anh Võ Ngọc Hiển, người dân địa phương chia sẻ với chúng tôi.
Ông Huỳnh Thanh Đảm, Chủ tịch UBND thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển thông tin: “Ngày xưa trên địa bàn có rất nhiều nhà cao cẳng nhưng giờ chỉ còn khoảng 40%. Tôi không biết những căn nhà đó có từ khi nào, do ai xây dựng đầu tiên, chỉ biết rằng vùng này có địa chất yếu, triều cường thường dâng cao. Do chủ yếu là đất rừng, người dân có tập quán sống ven sông rạch nên bà con sử dụng cây gỗ địa phương để cất nhà làm ăn, sinh sống. Hiện nay đời sống của người dân từng bước được nâng cao, những ngôi nhà cao cẳng đã được cải tiến, xây dựng kiên cố, khang trang”.
Nói về nét văn hóa xây dựng nhà sàn ở địa phương, ông Lê Chí Thắng, Trưởng phòng VH-TT huyện Ngọc Hiển cho hay, nhà sàn hay nhà cao cẳng đã có ở địa phương vào những năm 70 của thế kỷ 20. Thời điểm đó, nhà sàn trên địa bàn huyện Ngọc Hiển chiếm hơn 90%. Chất liệu để xây dựng nhà này chủ yếu là cây gỗ địa phương (chủ yếu là cây đước), vách nhà và mái nhà đều sử dụng lá dừa nước. Đặc biệt loại nhà này là người dân không làm cửa.
“Ngày xưa, đường sá không phát triển như bây giờ, lộ giao thông cũng không có. Khi đó, người dân rất đoàn kết nên gần như là không có tình trạng trộm cắp tài sản. Vì thế bà con cất nhà rất ít ai làm cửa. Huyện Ngọc Hiển là vùng đất ngập mặn, thủy triều thường xuyên lên xuống nên người dân xây dựng nhà cao cẳng chủ yếu để chống ngập. Nét văn hóa đó được duy trì cho đến ngày nay”, ông Thắng nói.
Theo Trưởng phòng VH-TT huyện Ngọc Hiển, hiện nay nhà cao cẳng không cửa dần bị mai một, tuy vẫn còn nhưng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. “Giờ xã hội phát triển, hạ tầng giao thông được kết nối nên nếu xây dựng nhà không cửa nữa thì vấn đề an ninh trật tự không được đảm bảo. Đề án của Ban Thường vụ Huyện ủy Ngọc Hiển về phát triển sản phẩm du lịch trên địa bàn có đưa chỉ tiêu vận động phục dựng lại 3 căn nhà không cửa để phục vụ khách du lịch đến tham quan”, ông Thắng nói. Đồng thời, ông Thắng cho biết thêm, khi khách đến đây tham quan sẽ có hướng dẫn viên thuyết minh về truyền thống, nét đặc trưng của loại nhà này.