IPO TCT Sông Đà ế 99%: Thương hiệu chỉ là 'bom xịt'?

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 18:20, 26/12/2017

Tổng số lượng cổ phần đăng ký mua là 801.500 cổ phần và chỉ có 221 phiếu tham dự đấu giá hợp lệ; tổng số lượng đặt mua hợp lệ 790.900 cổ phần (chiếm 0,36%)
IPO Tổng công ty Sông Đà ế hơn 99%

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố kết quả mua cổ phần của Tổng công ty Sông Đà - Công ty mẹ.

Cụ thể, Tổng công ty Sông Đà - Công ty mẹ đã tổ chức chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) hơn 219,6 triệu cổ phần, tương đương 48,82% vốn điều lệ sau cổ phần hóa với mức giá khởi điểm 11.000 đồng/cổ phần.

Tổng số lượng cổ phần đăng ký mua là 801.500 cổ phần và chỉ có 221 phiếu tham dự đấu giá hợp lệ; tổng số lượng đặt mua hợp lệ 790.900 cổ phần (chiếm 0,36%); khối lượng đặt cao nhất là 51.800 cổ phần. Giá đặt mua cao nhất là 200.000 đồng/cổ phần.

Phiên đấu giá thu hút 229 nhà đầu tư cá nhân tham dự, không có nhà đầu tư tổ chức. Tuy nhiên, khối lượng đăng ký mua hợp lệ đạt 801.500 cổ phần, bằng 0,37% khối lượng cổ phần chào bán với giá đặt mua cao nhất là 200.000 đồng/cổ phần, giá đặt mua thấp nhất là 11.000 đồng/cổ phần.

Số cổ phần đưa ra đấu giá cho 221 nhà đầu tư với giá đấu thành công bình quân là 11.159 đồng/cổ phần. Tổng giá trị cổ phần bán được đạt hơn 8,8 tỉ đồng.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo về việc xử lý giá trị doanh nghiệp, điều chỉnh cơ cấu cổ phần bán lần đầu khi cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty sông Đà.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng quyết định và chịu trách nhiệm về việc xử lý giá trị doanh nghiệp của Công ty mẹ - Tổng công ty sông Đà gồm: Dự án hầm đường bộ qua Đèo Ngang, dự án Quốc lộ 1A đoạn tránh thành phố Hà Tĩnh, khoản chi phí tái cấu trúc và khoản đầu tư tài chính theo quy định pháp luật.

Cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu của Công ty mẹ - Tổng công ty Sông Đà cũng đồng thời được thay đổi. Nhà nước sẽ nắm 229.500.000 cổ phần Sông Đà sau khi IPO, chiếm 51% vốn điều lệ đến hết năm 2019, năm 2020 bán tiếp phần vốn nhà nước còn nắm giữ tại doanh nghiệp này xuống dưới 50% vốn điều lệ.

Cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 48 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18.7.2011 của Chính phủ 822.000 cổ phần, chiếm 0,18% vốn điều lệ.

Đáng chú ý, cổ phần bán đấu giá công khai là 219.768.000 cổ phần, chiếm 48,82% vốn điều lệ.

Theo phương án trước đó, Sông Đà dành 135.000.000 cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược, chiếm 30% vốn điều lệ; 84.768.000 cổ phần bán đấu giá công khai, chiếm 18,82% vốn điều lệ.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến ngày 20.12.2017, đã có 45 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Tổng giá trị thực tế doanh nghiệp là 213.747 tỉ đồng (gấp 6 lần tổng giá trị thực tế các doanh nghiệp đã cổ phần hóa trong năm 2016).

Giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 88.390 tỉ đồng (gấp 3,5 lần giá trị thực tế phần vốn nhà nước của các doanh nghiệp đã cổ phần hóa năm 2016). Tổng vốn điều lệ theo phương án cổ phần hóa được phê duyệt là 93.888 tỉ đồng, Trong đó, Nhà nước nắm giữ 42.007 tỉ đồng (chiếm 44,7% tổng vốn điều lệ).

Cũng theo Bộ Tài chính, tính đến ngày 15.12.2017, đã có 8 doanh nghiệp nhà nước được phê duyệt đề án cơ cấu lại giai đoạn 2017-2020 và 1 đơn vị được phê duyệt Danh mục các doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2017-2020 (PVN).

Lam Thanh